Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - Ảnh: B.N.
Tư duy soạn thảo chính sách "lạc hậu"
Báo cáo do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố thường niên nhằm ghi nhận các nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong cải cách pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Khai mạc hội thảo công bố báo cáo dòng chảy kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI - cho rằng "giá như chính sách nhất quán hơn, đồng bộ hơn thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn".
Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng đã có những chỉ đạo bao trùm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, ngành đã ban hành 95 văn bản về các chính sách hỗ trợ.
Theo đó, Chính phủ ban hành nghị định 41 năm 2020 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; các chính sách pháp luật đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các chính sách hỗ trợ về lãi suất, dòng tiền.
Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi với nhiều điểm tích cực, tháo gỡ các điểm nghẽn, xung đột trong pháp luật đầu tư kinh doanh.
Cũng theo ông Lộc, trong 3 năm qua có 55% ý kiến của doanh nghiệp được tiếp thu và đưa vào phương án chỉnh sửa.
"Điểm tối" khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về dòng chảy pháp luật kinh doanh trong năm 2020 là tư duy soạn thảo chính sách của Nhà nước vẫn còn cũ, chỉ số gia nhập thị trường còn nhiều vướng mắc, việc ban hành và thực hiện chính sách chưa nhất quán - ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, cho biết có luật có hiệu lực rồi "nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên chưa biết thế nào".
Chẳng hạn, theo ông Tuấn, Luật đầu tư có nhiều chính sách gỡ vướng cho kinh doanh "nhưng tháo gỡ thế nào thì lại tùy thuộc vào nghị định ban hành thời gian tới".
"Luật doanh nghiệp tiếp tục các cải cách về đăng ký doanh nghiệp theo hướng bảo vệ nhà đầu tư ít vốn. Có những thảo luận lớn về cơ chế cho hộ kinh doanh nhưng chưa đi đến đâu, quy định thẩm định giá còn ràng buộc điều kiện với thẩm định viên, lĩnh vực vận tải còn có nhiều chứng chỉ tạo gánh nặng cho kinh doanh - ông Tuấn nêu.
TS Nguyễn Sỹ Dũng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: B.N.
Ba năm không làm xong thủ tục cho một nhà máy
Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - giám đốc Trung tâm hòa giải tranh chấp thương mại - vướng mắc lớn nhất là pháp luật kinh doanh chồng chéo, nếu tuân thủ luật này thì trái luật kia. Có doanh nghiệp bị thách 3 năm không làm xong thủ tục cho một nhà máy, vướng từ Luật đầu tư sang Luật đất đai.
Cũng theo vị này, pháp luật chồng chéo làm cơ quan nhà nước tê liệt, công chức muốn nhũng nhiễu rất dễ, "khi anh thuận, anh thấy lợi thì cho là đúng, nhưng khi muốn gây khó dễ thì đưa ra điều luật khác khó khăn hơn".
Giải pháp theo TS Nguyễn Sĩ Dũng phải sửa từ quy trình làm luật để dòng chảy pháp luật tương thích, hỗ trợ dòng chảy cuộc sống. Không nên làm luật chỉ vì mình, phải làm luật để xử lý các vấn đề của cuộc sống, ách tắc ở đâu thì phải xử lý ở đó.
Ông Đồng Ngọc Ba - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - lại cho rằng bên cạnh việc rà soát các dòng chảy pháp luật kinh doanh ở cấp trung ương, cần rà soát cả các văn bản do địa phương ban hành bởi trung bình một năm, mỗi tỉnh có 450 văn bản, huyện khoảng 20 văn bản.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Tổ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện rà soát khoảng 8.700 văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương, phát hiện được 75 nhóm vấn đề, trong đó có 15 vấn đề chồng chéo, 60 vấn đề là quan điểm đánh giá không phù hợp thực tiễn.
Thời gian tới, tổ công tác sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý 75 vấn đề vừa phát hiện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài chính, giá, giáo dục.
TTO - Chiếc phà 200 tấn được chuyển từ bến phà Vàm Cống về TP. HCM do vướng thủ tục nên 2 tháng nay phà nằm chờ các cơ quan chức năng xử lý nên sẽ không kịp đưa vào phục vụ trong dịp tết.
Xem thêm: mth.54322543121101202-yam-ahn-tom-ohc-cut-uht-gnox-mal-gnohk-man-3-oehc-gnohc-taul-pahp/nv.ertiout