Chị Trịnh Thị Mai hy vọng đồng vốn hỗ trợ của GreenFeed là cái phao cứu cánh để chị thoát nghèo - Ảnh: VŨ TUẤN
Chị Trịnh Thị Mai ở thông Đồng Thượng, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang (Hải Dương) tất tả đạp xe về, quần áo khét lẹt mùi nhựa đường. Chị Mai tranh thủ hết giờ làm, chở theo bao cám mới lấy của Công ty GreenFeed cho lũ heo ở nhà.
Chị Mai phấn khởi kể: Mấy tuần nay chị chưa biết xoay xở để có tiền mua thức ăn cho đàn heo giống của chị. Đợt Tết Nguyên đán này và cả tiền học phí cho đứa con gái lớn trông cả vào đàn heo ấy. "Được chương trình của báo Tuổi Trẻ và Công ty GreenFeed hỗ trợ, tôi đăng ký mua ngay thức ăn cho heo. Sau tết tôi sẽ mua gà giống về nuôi như cán bộ của công ty đã tập huấn hôm trước".
Trước đây, trong chuồng nhà chị Mai lúc nào cũng có 20 con heo. Cứ hết lứa này, chị lại có lứa khác "gối". Vừa bán heo thịt, vừa bán giống, tiền lời tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho con ăn học. Hai năm nay, dịch bệnh hoành hành, đàn heo của chị Mai đổ bệnh, chết cả. Tiền cám heo trả dần hai năm vẫn còn nợ cửa hàng hơn 7 triệu đồng.
"Chắc trời thương tôi nên cả đàn chết hết nhưng lại có một con sống sót. Tôi để làm heo nái. Tháng trước nó đẻ được tám con, tôi cố gắng gây đàn heo này để có tấm, có món lo cho con ăn học", chị Mai chia sẻ.
Chị Mai một nách nuôi hai đứa con. Đứa lớn đang là sinh viên năm hai của Trường đại học Luật Hà Nội, đứa nhỏ đang học trung học phổ thông. Từ ngày chồng chị mất, chị ở vậy nuôi con.
Chị không ngại chia sẻ, trước đây, chị ở với chồng ở Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Chồng chị đi làm ăn xa, nghe theo đám bạn dính vào ma túy. Tài sản, tiền của tích cóp được của hai vợ chồng anh mang đi chích ma túy hết.
Khổ quá, chị Mai xin về quê mẹ ở Ninh Giang, Hải Dương. Bố mẹ chị nhường cho miếng đất rộng chừng bốn sào. Đào ao, cất nhà, trồng rau nuôi gà, lay lắt sống qua ngày. Căn nhà cấp bốn lụp xụp ngày ấy chị vẫn ở, chỉ cơi nới thêm để đủ chỗ ở vì lũ trẻ đã lớn.
Chị Trịnh Thị Mai kỳ vọng sẽ gây dựng lại đàn heo để phát triển kinh tế - Ảnh: VŨ TUẤN
Chồng chị chuyển về ở với chị được hai năm thì anh mất. Chị Mai kể anh "đi" rồi cả nhà trống hoác như nhà "chị Dậu", ngoài bộ nồi niêu xong chảo thì chẳng còn gì đáng giá.
Chi cầy cật nuôi con. Ruộng không có, chị mượn lại ruộng của những người bỏ hoang trong làng để cấy. Ngoài trông vào mảnh vườn, con heo, ai thuê gì chị làm nấy, miễn đủ tiền cho con ăn học.
Hai đứa nhỏ thương mẹ khổ cực, học giỏi. Đứa lớn đỗ đại học luật, đứa nhỏ cũng học giỏi "top" đầu trong lớp. Thương con, chị Mai càng cố gắng để con được đi học. Một mình chị vừa việc nhà, việc đồng áng, lại đi làm thuê.
Mấy năm nay, chị đi làm công nhật cho một đơn vị chuyên rải nhựa đường. Công việc quá vất vả so với sức lực của người phụ nữ. Công trình lại ở xa, có đợt xa đến 40 cây số. Gia đình nhà chồng chị thương con mua cho chị chiếc xe máy Tàu để chị đi làm cho đỡ mệt. Ấy thế nhưng chị vẫn đạp xe đạp, thỉnh thoảng mới đi xe máy cho tiết kiệm.
Gần 2 năm nay chị Mai chăn nuôi tốt hơn, chuẩn bị "có tấm có món" từ đàn heo thì dịch bệnh tràn tới. Heo chết, lũ gà cũng chết, chị Mai vừa nuôi con vừa nuôi đàn heo còn sót lại bằng vài đồng tiền công ít ỏi.
Khi được chọn để chương trình "Tiếp sức nhà nông" trao vốn, chị mừng rơi nước mắt. Chị bảo đúng lúc bĩ cực nhất thì chị nhận được đồng vốn. Với chị, số tiền 20 triệu đồng vốn vay này là cái phao để chị vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học nên người.