Mọi ánh mắt sẽ dồn về phiên kiểm phiếu đại cử tri đoàn ở tòa nhà quốc hội ngày 6-1- Ảnh: AP
Những ngày đầu tiên của năm mới 2021 đã làm thay đổi nước Mỹ theo cái cách mà ít có người Mỹ nào mong muốn. Hình ảnh hàng chục nghìn binh lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia triển khai tại thủ đô Washington cũng như thủ phủ các bang làm sống lại hình ảnh của nước Mỹ trong thời chiến.
Liệu rằng sự chuyển giao quyền lực giữa một tổng thống đương nhiệm và một tổng thống đắc cử sắp tới có diễn ra trong hòa bình?
Trong lịch sử nước Mỹ không hiếm những thời khắc khó khăn, khi những biến cố lịch sử đe dọa sự ổn định và kế thừa của hệ thống chính trị Mỹ.
Nhưng việc lần đầu tiên trong lịch sử hàng chục nghìn người biểu tình tràn vào đập phá đồi Capitol, biểu tượng của nền chính trị Mỹ, cũng như lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm bị Quốc hội luận tội với tội danh "kích động lật đổ" ngay trong những tuần lễ cuối cùng của nhiệm kỳ... đã đặt ra câu hỏi liệu rằng nền chính trị Mỹ có bền vững như vẫn thường được nghĩ.
Tuy chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa trước khi việc chuyển giao quyền lực diễn ra, với một tổng thống đương nhiệm khó đoán định và sẵn sàng hành xử không theo những cách suy nghĩ thông thường và những người ủng hộ nhiệt thành sẵn sàng một lần nữa thể hiện niềm tin bằng sức mạnh bạo lực, khó ai có thể đoán chắc điều gì sẽ lại đến với nước Mỹ trong tuần lễ chuyển giao quyền lực đang đến gần.
Trong nỗ lực hàn gắn đất nước, khẩu hiệu "Nước Mỹ đoàn kết" đã được ông Biden lựa chọn cho ngày nhậm chức trong bối cảnh các nhóm vũ trang ủng hộ Tổng thống Trump dự định tiến hành phản đối tại thủ đô Washington cũng như trên tất cả 50 bang của nước Mỹ.
Và với bài học ngày 6-1, các cơ quan sức mạnh của Mỹ đã cam kết phối hợp tốt hơn để triển khai các biện pháp an ninh được cho là "chưa từng có" trong nhiều thập niên cho buổi lễ nhậm chức vốn thường chủ yếu là ngày hội mang tính biểu tượng này.
Bất chấp những biến cố đã xảy ra và nguy cơ bạo lực sắp tới, với sự chia rẽ chính trị sâu sắc hiện nay, khó có thể hi vọng những chính trị gia và nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang nắm trong tay quyền lực có thể thống nhất với nhau về điều đúng đắn cần phải làm trong ít ngày còn lại.
Và vì vậy, Tổng thống Trump nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền bất chấp những nỗ lực phế truất của Quốc hội.
Lịch sử nước Mỹ đã cho thấy trong hơn 200 năm kể từ khi lập quốc đến nay, dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nước Mỹ là một trong số ít nước mà tất cả mọi sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất đều diễn ra dân chủ và hòa bình, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc nội chiến Nam - Bắc năm 1861 - 1865 hay vào thời điểm bất định khi tổng thống Mỹ đương nhiệm J. Kennedy bị ám sát trên đường phố Dallas năm 1963.
Nhưng lịch sử có tiếp tục đứng về phía nước Mỹ lần này? Dù đến nay quá trình chuyển giao quyền lực đã diễn ra một cách dân chủ, nhưng những gì đang diễn ra làm gợi lại hình ảnh của 160 năm trước đây khi tổng thống đắc cử Abraham Lincoln đặt chân vào Nhà Trắng trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của các kỵ binh và binh lính Mỹ ngay trước thềm của cuộc nội chiến.
Liệu rằng quá trình chuyển giao quyền lực có diễn ra hòa bình trong ngày 20-1-2021 này?
TTO - Vòng tròn những người thân tín của Tổng thống Trump ngày càng thu hẹp sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm Nhà Trắng khi nhiều người ra đi, số còn lại đang mong từng ngày trôi qua thật nhanh.
Xem thêm: mth.41861857031101202-ym-o-cul-neyuq-oaig-neyuhc-yagn-court/nv.ertiout