Một CTV bán hàng online mất gần 50 triệu đồng sau khi bị lừa “ôm” 40 thỏi son từ Công ty cổ phần Mỹ Phẩm V-Skin (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Dù đã có hàng loạt cảnh báo trong thời gian dài nhưng trong cơn say hoa hồng cao của các đơn hàng, nên rất nhiều người tham gia làm CTV bán hàng phải "ôm" hàng bị lừa với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.
Tưởng "trúng mánh", nào ngờ "trúng bom"
Đã hai tháng kể từ khi rơi vào bẫy "CTV bán mỹ phẩm" cho một công ty, chị T. (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn đang "ôm" hơn 40 thỏi son "hàng hiệu" Christian Louboutin trị giá hơn 50 triệu đồng với cảm giác "chưa hết run vì tụi lừa đảo quá kinh khủng".
Từ mong muốn có thêm thu nhập cải thiện đời sống, chị T. trở thành CTV bán hàng mỹ phẩm cho một công ty có tài khoản trên mạng xã hội tên V-Skin Natural Cosmestics sau khi tình cờ đọc quảng cáo trên mạng. Một nhân viên xưng tên Quỳnh liền hướng dẫn chị T. rất tận tình qua tin nhắn và chat trên cửa sổ của Facebook. Theo đó, chỉ cần chị đăng quảng cáo sản phẩm, dẫn link, nếu có khách đặt hàng thì sẽ có hoa hồng.
Ngay mấy ngày sau chị T. có đơn hàng đầu tiên từ một thanh niên nói ngụ ở Vũng Tàu đặt mua 2 cây son Christian Louboutin giá hơn 2 triệu đồng. Người này tự xưng "làm việc ở hãng xe hơi, muốn mua son để tặng khách hàng nữ và nhu cầu rất gấp".
Chị T. mừng rỡ vì có khách hàng nên đặt hàng ngay qua trang Facebook của công ty. Chị nhận hàng và thanh toán tiền bằng hình thức nhận hàng - giao tiền qua một công ty chuyển phát.
Ngay khi chị T. vừa thanh toán nhận hàng thì vị khách lại nhắn muốn lấy thêm 6 cây son rồi thanh toán một lần, đồng thời yêu cầu chị chụp hóa đơn xuất hàng để sếp duyệt kinh phí. Đến ngày tiếp theo, một người khác tự nhận là bạn của "vị khách ở Vũng Tàu" liên hệ muốn mua thêm 10 cây son, đồng thời chụp sao kê ngân hàng thuyết phục đã chuyển khoản số tiền của 16 cây son.
"Khi đó ngày cuối tuần, lại khác ngân hàng nên tiền chưa vào nhưng tôi không mảy may nghi ngờ" - chị T. nhớ lại.
Khi 16 cây son chưa kịp chuyển đi thì những người này tiếp tục đặt thêm 25 cây son. Các khách hàng dồn dập đặt đơn hàng với cùng kịch bản "tặng quà cho đối tác, cần gấp cho sự kiện" khiến chị T. mất cảnh giác. Nhưng đến khi những người này tăng lên đơn hàng 50 cây son thì chị T. bắt đầu bừng tỉnh, nghĩ chắc mình đã bị lừa.
"Tôi liên hệ với người tư vấn của Công ty V-Skin Comestics thì nhân viên tên Quỳnh nói cứ lấy tiếp mới giao đủ cho khách, nếu khách "bùm hàng" thì công ty cho trả lại. Nhưng tôi không đồng ý vì lúc này đã bỏ hơn 50 triệu đồng để mua son" - chị T. kể.
Kể từ đó chị T. hoàn toàn bị chặn Facebook, khóa số điện thoại từ phía khách mua hàng lẫn công ty bán hàng. Chị T. bắt đầu lên mạng tìm hiểu thì phát hiện Công ty cổ phần mỹ phẩm V-Skin Comestics đã đóng mã số thuế từ năm 2014. Ngay cả địa chỉ đăng trên website bán hàng của doanh nghiệp này ở tòa nhà Etown 3 (Q.Tân Bình) cũng không chính xác.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện quản lý tòa nhà Etown 3, nơi Công ty V-Skin Comestics tự đăng địa chỉ văn phòng trên trang web của mình, khẳng định không hề có khách hàng nào tên như vậy từng hay đang thuê ở đây.
"Có những doanh nghiệp lừa đảo, lấy địa chỉ các tòa nhà lớn để giao dịch. Quả thực chúng tôi rất khó kiểm soát các giả mạo này", đại diện quản lý tòa nhà cho biết.
Trong khi đó, dữ liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng thể hiện trang web https://myphamvskin.com không hề có trong những trang hoạt động thương mại điện tử đã đăng ký. Theo quy định, các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân được phép lập website thương mại điện tử bán hàng khi đã có thông báo với Bộ Công thương. Những thương nhân, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ báo cáo sẽ bị xem là vi phạm và bị xử phạt.
Đã có rất nhiều vụ lừa đảo qua mạng bị công an triệt phá và lực lượng chức năng đã khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều. Người dân cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu thông tin, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của loại tội phạm này.
Trung tá Đặng Mạnh Cường (đội trưởng đội hình sự Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Các kịch bản tinh vi
Dù có rất nhiều cảnh báo nhưng trong thời điểm cuối năm, tình trạng lừa đảo tuyển CTV bán hàng online lại có dấu hiệu bùng nổ với nhiều loại sản phẩm khác nhau từ mặt nạ, mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng... Các băng nhóm này lộ diện với cách thức lừa đảo tinh vi, chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau, giăng bẫy những phụ nữ ít am hiểu pháp luật.
Các công ty này thường xuyên đăng tuyển dụng CTV bán hàng trên Facebook với hứa hẹn đăng tin được 50.000 đồng/ngày, bán được hàng sẽ có tiền hoa hồng. Khi đăng ký làm CTV, vừa đăng tin lên Facebook thì lập tức có người vào đặt hàng, nhưng sau khi đưa tiền để lấy hàng từ công ty thì người mua hủy đơn và chặn liên lạc, CTV phải "ôm" hàng.
Với những CTV "khó bị lừa", những kẻ lừa đảo sẽ "nuôi" trong 2-3 ngày đầu bằng việc chuyển khoản sòng phẳng tiền công đăng bài. Đến ngày tiếp theo sẽ có một khách hàng xuất hiện (thường cũng chính là đồng bọn của nhóm lừa đảo) đặt mua lẻ sản phẩm mà CTV đăng, khách mua thanh toán tiền thông qua hình thức giao hàng nhận tiền qua một công ty giao nhận nên không hề để lại dấu vết gì.
Bông tuyết giả yến sào bán trên mạng - Ảnh chụp màn hình
Chị Quyên, một nạn nhân như thế, bị lừa 4 triệu đồng vì "ôm" mỹ phẩm Hàn Quốc hiệu Santanco. Ngay khi vừa đăng bán thì có một tiệm spa vào đặt hàng với địa chỉ tận Bình Phước, nhưng khi chị nhận hàng - thanh toán xong với công ty thì khách hàng Bình Phước lại hủy.
"Tôi làm nội trợ, cả đời chưa biết làm đẹp, trang điểm là gì mà giờ "ôm" cả mấy chục gói mặt nạ dưỡng da, tôi thực sự bế tắc" - chị Quyên chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Theo các nạn nhân, họ dễ bị rơi vào bẫy vì đây là công việc khá dễ dàng và phù hợp khi đang ở nhà. Đôi lúc nhiều người cũng bị mức lời của hoa hồng che mờ mắt mà "ôm" hàng. So với giá niêm yết bán công khai, giá nhập hàng của CTV luôn thấp hơn 30-40%, cá biệt nếu nhập số lượng lớn thì hoa hồng có thể lên đến 50%.
Chưa kể nhiều mặt hàng nhận xong mới vỡ lẽ là hàng giả hoặc kém chất lượng. Bà Võ Thị Lan (ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết lướt Facebook thì thấy quảng cáo bán tổ yến - yến sào Nha Trang "thượng hạng cao cấp" với giá chỉ 680.000 đồng/hộp 100 gram. Trang bán rất sinh động, tặng đường phèn, táo... rồi còn tương tác với khách, livestream bán hàng, cam kết hàng thật 100%, nếu giả sẵn sàng bồi thường.
"Thế nhưng tôi đặt hàng thì nhận được chỉ là hộp toàn nấm tuyết trắng. Phản hồi với trang này thì họ lập tức chặn Facebook, số điện thoại của tôi. Dù biết với mức giá bán đó chắc chắn là hàng giả, nhưng tôi không ngờ người ta lại có thể công khai quảng cáo yến thật như thế" - bà Lan kể.
Truy cập trang mạng xã hội ở địa chỉ trên ngày 12-1, các quảng cáo yến sào Nha Trang 680.000 đồng/100 gram hàng chuẩn, nguyên chất không pha trộn tạp chất... vẫn còn rao nhan nhản.
Đi làm nhưng muốn có lương thì phải trả tiền trước nghe rất vô lý. Nếu bán hàng mà có được mức lợi nhuận cao như vậy thì những người chủ này đã đưa người thân quen, người nhà vào làm để được hưởng mức chênh lệch cao chót vót rồi, đâu đến lượt người ngoài.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM)
Cần sớm tố giác
* Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), nạn nhân sẽ rất khó lấy lại được số tiền đã bị lừa. Các trường hợp này là có dấu hiệu lừa đảo, tuy nhiên do giao dịch qua online nên nạn nhân hầu như không có thông tin về người đã lừa đảo mình. Luật sư Đức cho biết hình thức lừa đảo này không mới nhưng số người bị hại vẫn cứ tăng lên, đặc biệt là dịp cuối năm khi nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm nhộn nhịp.
"Chiêu thức của nhóm lừa đảo có tổ chức ngày càng bài bản, nhưng quan trọng hơn là nhiều người bị lợi nhuận che mắt vì hoa hồng cao mà mất tính cảnh giác. Về nguyên tắc, không thể có một đơn vị uy tín tuyển nhân viên kiểu yêu cầu mua hàng của mình rồi "trả lương" bằng tiền lời của việc bán hàng. Cách thức này vi phạm hoàn toàn Luật kinh doanh đa cấp", luật sư Đức nhận định.
* Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng hình thức tuyển dụng CTV online hiện đang rất phổ biến và được nhiều cá nhân, tổ chức xây dựng, tạo thành mạng lưới bán hàng khủng, siêu lợi nhuận, đi kèm đó là hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng.
"Về nguyên tắc, trong bán hàng đa cấp, để tuyển dụng người bán hàng tham gia mạng lưới thì phải đào tạo, huấn luyện người bán hàng về sản phẩm. Không một tổ chức làm ăn chân chính nào lại tuyển dụng nhân viên bán một sản phẩm mình không hiểu rõ. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, các đối tượng xấu đã đánh vào những nạn nhân chủ yếu là bà nội trợ, người có tuổi hay những người có sẵn tiền nhàn rỗi mong muốn kiếm thêm thu nhập", luật sư Mạch nhận định.
Các chuyên gia cho biết nếu rơi vào tình huống trên, người bị hại có thể làm đơn tố giác lên cơ quan công an và viện kiểm sát nơi xảy ra hành vi lừa đảo hay cơ quan an ninh mạng, kèm theo đó là những chứng từ, hình ảnh liên quan hành vi lừa đảo để kịp thời cảnh báo.
Coi chừng những "nhân viên ngân hàng" giả mạo
Một vài thẻ tín dụng giả làm bằng nhựa và bao bì kẻ lừa đảo gửi bưu điện - Ảnh: NVCC
Cuối năm thường nở rộ chiêu lừa đảo cho vay tiền dễ dàng để tiêu xài dịp tết khiến nhiều người mắc bẫy.
Hiện nay, thủ đoạn phổ biến được các đối tượng lừa đảo sử dụng là giả danh nhân viên các ngân hàng (NH), ví điện tử, công ty tài chính... để gọi điện, nhắn tin từ số điện thoại lạ thông báo người dùng trúng thưởng lớn và yêu cầu người dùng hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách cung cấp các thông tin bảo mật của tài khoản (mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP), số thẻ NH)... Nếu "cắn câu" thì tài khoản của nạn nhân nhanh chóng bị vét sạch.
Một thủ đoạn khác cũng được các đối tượng lừa đảo hay dùng là giả danh cán bộ công an, cơ quan chức năng gọi điện thông báo tài khoản người dùng đã bị tội phạm xâm nhập, yêu cầu cung cấp các thông tin trên để giúp người dùng bảo vệ tài khoản. Mới nhất, các đối tượng lừa đảo còn giả danh nhân viên tuyển dụng của các công ty để gọi điện khai thác thông tin người dùng.
Một trò lừa khác là "thu phí mở thẻ tín dụng (giả)" nhằm đánh vào tâm lý muốn vay tiền trang trải lúc cuối năm. Anh T. - nạn nhân - cho biết một người tự xưng là nhân viên NH gọi đến, đọc đúng số hồ sơ vay cũ của anh ở công ty tài chính và nói rằng do anh có lịch sử trả nợ tốt nên được NH cho vay tiếp, rồi hỏi anh muốn vay bao nhiêu. Khi anh nói muốn vay 10 triệu đồng thì người này nói sẽ gửi thẻ tín dụng hạn mức như trên cho anh qua đường bưu điện, với điều kiện anh phải nộp phí bảo hiểm 1,68 triệu đồng. Nếu trả nợ đúng hẹn sau hai tháng, số tiền này sẽ được hoàn lại.
Sau đó anh T. ra bưu điện gần nhà đóng tiền, nhận thẻ xong mới té ngửa khi thấy thẻ nhận được chỉ là loại thẻ bình thường như thẻ thành viên trung tâm thương mại, siêu thị, trên thẻ in ba chữ V.I.P chứ không phải thẻ tín dụng. Liên hệ lại người đã gọi điện thoại cho anh thì người khác bắt máy, nói chờ chuyển máy rồi... mất hút.
Gần đây, các NH đã liên tục cảnh báo vấn đề này. VPBank đã phát đi cảnh báo về chiêu giả danh NH gọi điện thoại mời mở thẻ, cấp khoản vay, sau đó yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ để chiếm đoạt tiền, gần đây còn xuất hiện chiêu giả danh các đối tác lớn của NH mời tham dự hội thảo để chào mời mua sản phẩm liên kết. NH này đề nghị khách hàng cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên NH tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn.
Vietcombank cũng phát đi cảnh báo khách hàng về một số chiêu thức lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ NH, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản như giả mạo website, fanpage của NH và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp hay giả danh nhân viên NH, tòa án, cảnh sát và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin.
"NH không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này" - Vietcombank lưu ý.
NH Xây dựng (CB) cũng cảnh báo việc một số đối tượng mạo danh nhân viên NH để lừa đảo. Để tạo niềm tin, các đối tượng lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu NH hoặc gọi điện thoại tự xưng mình là nhân viên để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng.
Sau đó, kẻ lừa đảo chuyển một thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền 200.000 - 300.000 đồng, thậm chí có khi lên đến 5-10% hạn mức thẻ tín dụng giả này. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng thẻ giả này.
A.HỒNG - ĐỨC THIỆN
Những việc làm đơn giản để bảo vệ tài khoản của mình
* Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập tài khoản dịch vụ mạng, mã xác thực (OTP), thông tin thẻ NH cho bên thứ ba dưới bất cứ hình thức nào.
* Không đặt mật khẩu dễ đoán như ngày sinh, số điện thoại, 123456... và thường xuyên thay đổi mật khẩu.
* Không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản trên trang mạng xã hội.
* Không cho mượn/cho người khác sử dụng tài khoản của mình; không mở các tập tin đính kèm, cung cấp thông tin cho các email lạ...
TTO - Do ham mê cờ bạc, 4 thanh niên rủ nhau mua nhiều sim điện thoại, lập các trang cá nhân giả danh làm cán bộ ngân hàng có chức năng hỗ trợ vay vốn và cung cấp số điện thoại để các bị hại liên hệ nhờ làm thủ tục.
Xem thêm: mth.28840109031101202-oac-gnoh-aoh-iv-tam-om-gnam-nert-tahp-gnub-oad-aul/nv.ertiout