vĐồng tin tức tài chính 365

100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt

2021-01-13 11:55
100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt - Ảnh 1.

Sắc áo dài Việt trong ngày lễ ở Tân Đảo - Ảnh: TRẦN NAM TRUNG

Mặc dù cộng đồng người Việt ở đảo quốc này hiện chỉ còn 200 - 300 người nhưng vẫn giữ được truyền thống dân tộc, không hòa lẫn vào các cộng đồng khác. Đặc biệt là nhiều người Việt đã trở thành ông bà chủ thành công, được kính trọng.

Những người Việt làm chủ

Sau bước ngoặt lịch sử đòi tự do từ tay các điền chủ ở Tân Đảo năm 1945, đến năm 1963 - 1964 người Việt lại xuống đường biểu tình.

Ông Ngô Văn Vũ, 71 tuổi, thế hệ người Việt thứ hai sinh ở đảo quốc này, hồi tưởng: "Khi đó tôi 12 tuổi, còn đi học, thấy đồng bào ta mặc quần áo nông thôn kéo băngrôn, khẩu hiệu đòi Pháp đã đưa họ sang thì phải đưa họ về nước nhà".

Một số rất ít ở lại vì nhiều lý do khác nhau, như bố mẹ ông Vũ ở lại theo tiếng gọi của nhà thờ Công giáo.

Từ đây, số người Việt còn lại ít ỏi trên đảo quốc lấy chồng, lấy vợ là người bản xứ, người Pháp và xuất hiện thế hệ thứ ba, thứ tư. Vanuatu là một đảo quốc bình yên, không khí sạch vì không có nhà máy. Đặc sản nơi đây là sự bình yên, bãi biển thơ mộng và những đàn bò gặm cỏ thảnh thơi. Không trộm cướp, không bon chen, cuộc sống trên hòn đảo này là kiểu sống chậm.

Ông Vũ tâm sự: "Cách đây 10 năm, tôi về Việt Nam lần đầu cùng con trai của mình. Đi đâu tôi cũng được nghe tiếng Việt. Nhìn đâu tôi cũng thấy quê hương, một cảm xúc không gì tả nổi. Đi đâu tôi cũng thấy thân thương, dù tôi sinh đẻ và lớn lên ở Tân Đảo".

Ông Trần Nam Trung - doanh nhân gốc Việt, từng có thời gian sinh sống và học tập tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch Vanuatu, hiện là tổng lãnh sự Vanuatu tại TP.HCM - cho biết cộng đồng người gốc Việt ở Tân Đảo phần lớn đều thành công.

Những thế hệ người Việt đầu tiên nay đã lớn tuổi, chủ yếu sống cuộc đời hưu trí. Họ là chủ các đồn điền trồng cây củ quả, nuôi bò. Củ khoai môn ở Tân Đảo cao đến nửa thân người lớn. Đu đủ có quanh năm, trái chín rụng lại mọc thành cây mới. Trái cây theo mùa có đủ dưa hấu, dứa, mít, cam, vải...

Thế hệ người Việt thứ hai ở Tân Đảo làm nhiều công việc đa dạng hơn và tự làm chủ sự nghiệp của mình như mở nhà hàng, cửa hàng, xưởng mộc, xưởng đóng tàu bè. Hầu như không có ai phải đi làm cho người khác như thời cha ông họ mới đặt chân lên đảo quốc này.

Những người Việt làm công chức nhà nước cũng có chức vụ cao trong ngân hàng, bộ máy hành chính.

Tết và hàng hóa quê nhà

Đặc biệt, do Tân Đảo chưa phát triển về sản xuất, nhiều hàng hóa ở Việt Nam như tivi, tủ lạnh đến cửa cuốn, sơn nước, gạch lát nền nhà... cũng được nhiều người gốc Việt nhập từ Việt Nam sang dùng cho gia đình hoặc bán lại.

Nhiều thực phẩm đặc trưng Việt Nam như phở khô, bánh tráng, nước mắm Phú Quốc cũng vượt đại dương đến Tân Đảo.

Ông Ngô Văn Vũ chia sẻ dù sống cả đời ở Tân Đảo, ông vẫn ăn uống thanh đạm theo kiểu người Việt với ba món cơm, canh và món mặn, món kho. Người Việt còn giữ một số phong tục, nhất là đi thăm viếng nghĩa trang, mời ông bà đã khuất núi về ăn tết.

Các gia đình có truyền thống làm mâm cơm ngày tết có bánh chưng và ăn uống sum vầy với nhau...

100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt - Ảnh 2.

Người Việt gói bánh chưng ngày tết Việt ở Tân Đảo - Ảnh: ANH QUẢNG

Nếp quê hương như lì xì, mừng tuổi thơm thảo ngày tết vẫn được giữ gìn. Trong ngày tết, mọi người sẽ đi thăm hoặc gọi điện chúc tết nhau. Con cái chúc tết bố mẹ và từ Tân Đảo, họ gọi về Việt Nam chúc tết người thân, họ hàng.

"Hồi bố mẹ tôi còn sống, các cụ lúc nào cũng nói nhớ Việt Nam, nhớ quê, có dư là gửi tiền về quê giúp mọi người không tính toán. Bố mẹ dặn nói tiếng Việt với bố mẹ, nhớ tổ tiên mình" - ông Vũ xúc động tâm sự.

Theo ông Trần Nam Trung, tết đến sẽ có người Việt đứng ra gói bánh chưng, làm giò chả bán cho cộng đồng người Việt. Còn họ đi chợ vẫn có những loại rau đặc trưng mà người Việt thích ăn như rau muống, mồng tơi, cà pháo...

Sau nhiều năm sống hòa nhập sâu sắc với các sắc dân ở Tân Đảo, điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt ở Vanuatu là đa dạng về màu da, màu tóc nên rất khó nhận diện nhanh đâu là người Việt, đâu là người bản xứ.

Họ cũng là những người hòa nhập tốt khi vừa nói tiếng bản địa Vanuatu, vừa nói tiếng Anh, tiếng Pháp... Con cái đã trưởng thành của các gia đình gốc Việt có xu hướng chọn Úc, Pháp làm nơi lập nghiệp.

"Tôi tin cộng đồng người Việt ở Vanuatu sẽ ngày càng phát triển, đóng góp nhiều tài năng cho đảo quốc" - Tổng lãnh sự Trần Nam Trung nhận định.

Ghi nhớ lịch sử cha ông đi phu

Ngày 23-12-2020, nhà hàng La Touque à Poissons của một người gốc Việt, ông Hà Van Khiết (Augustin Pheu) đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách 100 năm sự hiện diện của người Việt Nam ở Tân Đảo của tác giả Fred Petit. Cuốn sách được hoan nghênh nhiệt liệt ở đây.

Tìm hiểu và giới thiệu lịch sử của người Việt ở Tân Đảo là công việc được nhiều thế hệ người Việt quan tâm, góp sức. Một trong những công trình công phu được tiếp cận rộng rãi là nghiên cứu của một người gốc Việt ở Tân Đảo, ông Jean Van Son, trên các trang blogpost Tân Đảo xưa và nay.

Ông Jean là người con thế hệ thứ hai của một gia đình phu nghèo có mặt ở Tân Đảo từ những năm 1924. Ông sinh ra ở đảo quốc này, theo gia đình hồi hương về Việt Nam năm 1963 và trở lại Tân Đảo năm 1995.

Ông Jean được bầu làm tổng thư ký Hội Ái hữu Việt Nam từ 1998 - 2010 và là một doanh nhân thành đạt. Từ năm 2017 đến nay, ông chuyển giao việc kinh doanh cho con trai và con dâu để chuyên tâm tập trung tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của người phu Việt Nam tại Tân Đảo.

Công trình của ông Jean cho thấy bức tranh toàn cảnh về lịch sử 100 năm người Việt đi trồng cây, hái trái, khai phá, làm giàu trên đất Tân Đảo.

"Đi thăm các khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi... tôi không khỏi bùi ngùi. Hàng ngàn người xấu số đã phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu Việt trên dưới 23.000 người có mặt ở Tân Đảo thời bấy giờ thì tỉ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong" - ông Jean nói.

Những chia sẻ của ông Jean cũng giúp người Vanuatu biết thêm về lịch sử của đất nước mình và máu lẫn mồ hôi dân tộc Việt đã đổ ở đảo quốc này.

>500

Đó là số người Việt trên chuyến tàu đầu tiên hồi hương từ Tân Đảo năm 1947, sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945.

bản đồ vanuatu  tan dao 1(read-only)

Hình bản đồ Tân Đảo

Trong cuốn Thiên đàng và địa ngục của giới chủ thực dân, ông Bonnemaison đã viết: "Công việc khai thác đất đai Tân Đảo chỉ dành cho những ai có đầy đủ ý chí sắt thép, sức mạnh và lòng quả cảm mà thôi. Họ thiếu thốn đủ mọi thứ. Bệnh sốt rét rừng luôn đe dọa.

Khi họ lập gia đình, cô vợ người Âu kêu ca suốt ngày về khí hậu ác nghiệt, ăn uống kém dinh dưỡng, bệnh nhiệt đới và sự chết chóc luôn rình mò ở các xó xỉnh. Nhiều gia đình đã bị mất mát nhiều đứa con do mắc bệnh nhiệt đới.

Đến tận năm 1930, cả hòn đảo Santo rộng lớn mới có một trạm y tế nhỏ xíu. Thế mà cũng đã có khá nhiều điền chủ thành đạt. Họ đã tăng nhanh diện tích đất đai canh tác. Có người đã tăng diện tích lên tới 10 lần lúc ban đầu.

Tại sao? Họ nhờ chủ yếu vào bàn tay lao động của người dân phu mộ Bắc Kỳ - Việt Nam"...

Những chuyến tàu phu Việt đến Tân Đảo 100 năm trướcNhững chuyến tàu phu Việt đến Tân Đảo 100 năm trước

TTO - Những ngày lễ ở Tân Đảo - Vanuatu, người gốc Việt mặc áo dài đến với nhau, đầy tự hào về nguồn gốc của mình. Vì thời cuộc, tổ tiên họ đã trở thành một phần lịch sử của quốc đảo Vanuatu ngày nay.

Xem thêm: mth.23831650221101202-tad-hnaht-av-od-ut-2-yk-oad-nat-o-teiv-iougn-man-001/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“100 năm người Việt ở Tân Đảo - Kỳ 2: Tự do và thành đạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools