Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đã giới thiệu 10 loại tên lửa có thể dùng để tấn công lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan như một lời cảnh báo cho hòn đảo này, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự.
Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai chờ thống nhất và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Điều này trở thành nội dung chính trong các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc trong hàng thập niên qua.
Trung Quốc tiết lộ 10 loại tên lửa có thể dùng nếu nổ ra chiến tranh với Đài Loan
Trong bộ phim tài liệu dài năm tập do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào đêm giao thừa, nước này đã giới thiệu hơn 10 loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung đặc biệt được thiết kế trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Đài Loan.
Bộ phim tài liệu được phát sóng nhân kỷ niệm năm năm thành lập lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc.
Điểm nhấn trong bộ phim tài liệu là tên lửa CJ-10 hay còn gọi Long Sword 10 – loại vũ khí tấn công chính xác dựa trên tên lửa hành trình DF-10. Tên lửa này có khả năng xuyên thủng cửa sổ của một tòa nhà văn phòng.
Là tên lửa hành trình tấn công mặt đất, CJ-10 có thể đạt tốc độ cận âm, có tầm hoạt động 2.000 km với đầu đạn 500 kg.
Theo nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau, bộ phim tài liệu cho thấy cuộc tấn công chính xác ở nhiều góc độ khác nhau và là lời cảnh báo cho Đài Loan.
Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho rằng theo tiêu chuẩn ngày nay, CJ-10 phù hợp để tấn công vào các công trình cụ thể.
“CJ-10 có thể được sử dụng để phá hủy một trung tâm chỉ huy quân sự hay một số tòa nhà cụ thể” – ông Song nói.
Bên cạnh CJ-10, bộ phim tài liệu còn cho thấy các tên lửa tầm ngắn như DF-11, DF-15, DF-16 và DF-17 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và ban đêm. Tất cả những tên lửa này được triển khai tới quân khu miền Đông và quân khu miền Nam của Trung Quốc.
Tên lửa siêu thanh DF-17. Ảnh: The Diplomat
Trong năm 2020, cả hai quân khu này đã tăng cường tập trận chống Đài Loan, với những hình ảnh vệ tinh cho thấy các căn cứ tên lửa ở tỉnh Quảng Đông và tỉnh Phúc Kiến đang được mở rộng.
Lần đầu tiên, bộ phim tiết lộ phương tiện phóng ban đầu của DF-17 – tên lửa siêu thanh hiện đại nhất của Trung Quốc. Trung Quốc trình làng DF-17 vào tháng 10-2019 tại lễ duyệt binh lớn nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
SCMP từng đưa tin DF-17 đã được triển khai tới các căn cứ tên lửa gần eo biển Đài Loan kể từ năm ngoái. Vời tầm bắn tối đa 2.500 km, DF-17 sẽ dần thay thế các loại tên lửa đời cũ DF-11 và DF-15.
Tuy nhiên, bộ phim tài liệu không tiết lộ các loại tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-5A, DF-31AG và DF-41. Những loại tên lửa này có khả năng tấn công tới Bắc Mỹ.
Hôm 31-12-2015, Quân đoàn Pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc thông báo lực lượng này được tổ chức lại và đặt lại tên là Lực lượng tên lửa.
Trung Quốc hé lộ hệ thống pháo phản lực bắn loạt nâng cấp có thể đe dọa Đài Loan
Theo SCMP, hệ thống pháo phản lực bắn loạn (MLRS) tầm xa PCL-191được nhìn thấy trong cuộc tập huấn đầu năm của một lữ đoàn pháo binh tại tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc hôm 4-1. Những hình ảnh này được đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức của Quân đoàn 74.
PCL-191 có khả năng phóng tên lửa 370 mm với tầm bắn 350 km hoặc phóng tên lửa đạn đạo 750 mm có tầm bắn 500 km.
Lễ duyệt binh của Trung Quốc tại Quảng trưởng Thiên An Môn (Bắc Kinh) ngày 1-10-2019. Ảnh: Greg Baker | AFP | Getty Images
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hé lộ PCL-191 – một trong những MLRS mạnh nhất thế giới kể từ khi nó lần đầu được trình làng tại lễ duyệt binh mừng quốc khánh Trung Quốc năm 2019.
Loại PCL-191 xuất hiện trong những hình ảnh hôm 4-1 có chút khác biệt so với loại được nhìn thấy trước đó. Cụ thể, PCL-191 phiên bản nâng cấp có 10 ống phóng kích cỡ 300 mm chia thành hai cụm, thay vì tám ống phóng kích cỡ 370 mm chia thành hai cụm như được nhìn thấy trong phiên bản gốc đằng sau xe tải hạng nặng đi qua Quảng trường Thiên An Môn hai năm trước.
Có thông tin nói rằng các đơn vị PCL-191 lần đầu tiên được biên chế cho Quân đoàn 72 thuộc Quân khu miền Đông và được triển khai tới Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến (phía đông nam Trung Quốc). Đây là địa điểm đất liền của Trung Quốc gần với những lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát nhất.
Trung Quốc hé lộ PCL-191 phiên bản nâng cấp sau khi Đài Loan mua MLRS đặt trên xe tải với tầm bắn tương tự từ Mỹ hồi tháng 10-2020.
Hồi tháng 10-2020, Đài Loan nhận được sự phê duyệt của Nhà Trắng về việc mua một số hệ thống vũ khí tiên tiến, trong đó có hệ thống pháo phản ứng cơ động cao (HIMARS) với tầm bắn lên tới 300 km.
Một loại hệ thống pháo phản lực bắn loạt tầm xa mới được quân đội Trung Quốc sử dụng trong một cuộc diễn tập. Ảnh: YANG GUANGHUI/CHINA DAILY
PCL-191 cho phép lực lượng mặt đất của quân đội Trung Quốc kiểm soát tất cả mục tiêu chiến lược bằng hỏa lực chính xác ở bất kỳ đâu trên bờ biển phía tây Đài Loan. Và Đài Loan cũng có thể tấn công bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục khi HIMARS được chuyển giao.
PCL-191 áp dụng một số công nghệ hàng đầu thế giới để cải tiến tầm bắn, độ chính xác và sức nổ. Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong, so với HIMARS mà Đài Loan nhập từ Mỹ, PCL-191 có lợi thế hơn cả về tầm bắn lẫn số lượng tên lửa.
“HIMARS chỉ có thể đặt ra một số đe dọa hạn chế cho quân đội Trung Quốc. Và trong trường hợp thực sự nổ ra hành động quân sự, làn sóng tấn công đầu tiên sẽ là nhằm vào việc loại bỏ chúng” – ông Song nói.
PCL-191 được gắn trên xe tải 45 tấn. PCL-191 có thiết kế dạng module, dựa trên hệ thống AR-3 mà Trung Quốc phát triển cho thị trường xuất khẩu. So với MRLS trước đó của quân đội Trung Quốc như PHL-03, hệ thống nạp đạn tự động trên PCL-191 có thời gian nạp đạn nhanh hơn – giảm từ một giờ xuống còn 10 phút và chỉ cần kíp vận hành gồm ba người thay vì bốn người.