Ngày 13-1, đại diện UBND quận 12, TP.HCM cho biết sáng cùng ngày, UBND phường Thạnh Xuân đã làm việc với với đại diện Trạm cứu hộ động vật hoang dã, Chi Cục kiểm lâm TP.HCM sau thông tin trên báo chí về việc đàn khỉ xuất hiện, “đại náo” khu vực dân cư.
Theo người dân, "lịch sử" của đàn khỉ là do bị xổng chuồng, ban đầu chỉ có một cặp khỉ bố mẹ, sau đó sinh ra một đàn hơn 10 con.
Những con khỉ lớn có trọng lượng khoảng 15kg. Bầy khỉ này thường xuất hiện bất chợt vào sáng, trưa, chiều, thậm chí có thời điểm khoảng 4 giờ sáng ở khu vực nhà dân.
Theo Chi cục kiểm lâm TP.HCM đây là loại khỉ đuôi dài, nằm trong phụ lục 2 thuộc Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Khi phát hiện, người dân không nên tự ý xử lý mà cần báo ngay cho UBND phường để phối hợp giải quyết.
Bà Lý Thị Anh Đào (43 tuổi, nhà gần con rạch) chủ căn nhà có nhiều cây xanh phía sau cho biết đàn khỉ bị thiếu nơi sinh sống, thức ăn do việc cải tạo kênh Rạch Sâu, nhiều cây cổ thụ bị chặt bỏ.
Đàn khỉ thường rất dạn người nhưng tinh khôn, tránh hết các bẫy của dân khu vực.
“Đàn khỉ ở sau nhà tôi đã hơn 10 năm. Bình thường chúng rất dễ thương, do mất nơi ở và khan hiếm thức ăn nên tràn vào khu vực nhà dân để tìm trái cây. Hi vọng cơ quan chức năng sớm có kế hoạch bắt và đưa chúng vào rừng không để kẻ xấu săn trộm giết thịt thì tội nghiệp” – bà Đào nói.
Bà Trịnh Thị Ngần (62 tuổi), nhà gần văn phòng khu phố 6, cho biết gia đình có đặt một lồng bẫy khỉ có sẵn thức ăn bên trong để nhử. "Do có nhiều người qua lại nên khỉ chưa dính bẫy. Ở đây người dân mong muốn bắt được những con khỉ này cho chúng khỏi quậy phá nữa" - bà Ngần nói.
Việc đàn khỉ xuất hiện nhiều thu hút sự quan tâm của báo chí và người dân.
Theo ông Trần Hữu Hội (Bí thư chi bộ Kp6, phường Thạnh Xuân) chừng hai năm về trước, có lực lượng chức năng xuống khảo sát để bắt, di dời đàn khỉ nhưng sau đó không hiểu sao lại không thực hiện.
Theo người dân, đây là cặp khỉ đầu đàn rất tinh khôn và đóng vai trò cảnh giác khi thấy xuất hiện người lạ ở khu vực.
Người dân cũng cho biết bản tính loài khỉ hiếu động, tò mò... nhưng chưa hề tấn công một ai ở đây.
Trường hợp dùng thuốc mê để bắn khỉ, phía Chi cục Kiểm lâm cho biết sẽ lên phương án cụ thể. Theo đó sẽ cắt cử lực lượng từng khu vực để đảm trách các công tác khác nhau. Ngoài việc thổi phi tiêu thì có thể dùng súng bắn ở khoảng cách xa. Khi khỉ trúng thuốc mê thì sẽ tìm nơi ngủ, từ đó lực lượng chức năng sẽ tiếp cận bắt.
Theo đó, Phó Trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã cùng với một kiểm lâm viên cùng lực lượng tại chỗ đã đến khu vực đàn khỉ thường hay trú ngụ để quan sát địa hình, lên các phương án. Sau khi bẫy hoặc vây bắt được (sử dụng súng hoặc ống thổi phi tiêu thuốc mê), đàn khỉ sẽ được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm để xử lý đúng theo quy định.
“Khả năng sau khi bắn thuốc mê, đàn khỉ sẽ được đưa đến trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi để hồi phục sức khỏe rồi thả về rừng”- người này nói.