Dù gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 và thời tiết bất lợi nhưng các nhà vườn vẫn cố gắng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo để phục vụ khách hàng dịp tết sắp tới.
Trái cây được nhà vườn tạo hình trong khuôn chuẩn bị ra chợ tết.
Ảnh: TÚ UYÊN
Hoa cũng sợ COVID-19 Ông Trần Thanh Khang, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), nói mỗi khi có thông tin về dịch COVID-19 bùng phát là thị trường hoa lại chững lại. “Hiện nay, khi hỏi thăm mối lái, họ nói do dịch bệnh nên chưa biết tính sao. Vì vậy, người trồng hoa chỉ biết trông chờ thị trường cuối năm” - ông Khang bày tỏ. |
Bưởi tạo hình khan hiếm, giá cao
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), thông tin: Năm nay nhuần hai tháng 4 cùng với thời tiết không thuận lợi đã tác động nặng nề đến năng suất bưởi. Tỉ lệ trái bưởi đậu trái rất ít và không có nhiều lá đẹp để chọn tạo hình. Do đó, sản lượng bưởi tạo hình dịp tết năm nay sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, các thành viên của câu lạc bộ sản xuất khoảng 2.000 quả bưởi hồ lô nhưng đạt chuẩn chỉ hơn 1.000 quả để cung cấp cho thị trường tết. Sản lượng ít nên giá bưởi hồ lô và bưởi thỏi vàng năm nay tăng 100.000-200.000 đồng/quả so với cùng kỳ năm ngoái.
Ví dụ, bưởi hồ lô tài lộc hình thỏi vàng đồng tiền giá khoảng 1,3 triệu đồng/trái. Bưởi hồ lô tài lộc truyền thống giá từ 500.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/trái tùy trọng lượng. “Hiện nay đã có một số mối hàng yêu cầu cung cấp bưởi để chưng tết song chúng tôi không có hàng để bán” - ông Thành cho hay.
Ông Huỳnh Thanh Tâm, nhà vườn ở Bến Tre, thông tin: Bưởi hoa mai in chữ tài lộc và bưởi đồng tiền in chữ tài lộc là hai sản phẩm mới lần đầu tiên được ông tung ra thị trường tết năm nay. Hai sản phẩm này giá dao động từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái.
“Những năm trước tôi đã sản xuất ra bưởi tròn, bưởi thỏi vàng, dưa hấu vuông in chữ tài lộc. Nhưng mỗi năm phải nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tâm lý của khách hàng là cái mới lạ, độc đáo” - ông Tâm nhìn nhận.
Ngoài bưởi đồng tiền và bưởi hoa mai, năm nay ông Tâm còn kết hợp với các nhà vườn khác sản xuất dừa tạo hình. Giá dừa tạo hình dao động 350.000-400.000 đồng/trái. “Trái cây tạo hình chủ yếu dùng làm quà tặng, nhờ sự khác biệt nên giá cao hơn” - ông Tâm tự tin.
Tuy vậy, trước tình hình trái bưởi tạo hình có dấu hiệu khan hiếm, nhiều nhà vườn chuyển sang trồng dưa hấu. Do đó, tết này dưa hấu hồ lô khắc chữ tài lộc và dưa hấu thỏi vàng khắc chữ tài lộc sau nhiều năm vắng bóng trong mùa tết sẽ trở lại thị trường. Loại dưa hấu này có giá bán dao động 600.000-800.000 đồng/trái tùy trọng lượng.
Nhà vườn Sa Đéc đang chăm sóc hoa tết. Ảnh: TU
Hoa mới chào hàng
Ông Trần Thanh Khang, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), cho hay thời điểm này mọi năm đã nhộn nhịp các mối hàng đến làm hợp đồng, đặt cọc nhưng năm nay thị trường có vẻ chậm hơn. Lo nhất là cúc mâm xôi khó tiêu thụ do trúng mùa, số lượng tăng hơn năm ngoái.
Tuy vậy, các thành viên của hợp tác xã vẫn tung ra một số giống hoa mới. Ví dụ, hoa hồng to có đường kính khoảng 7-8 cm, rất thơm; hoa đồng tiền có màu mới như tím, đỏ tâm đen, song hỷ...
Chủ nhiệm hội quán Tôi yêu màu tím (Đồng Tháp) - ông Trần Văn Tiếp cũng đánh giá năm nay, những dòng hoa mới của hội quán bán rất chạy. Ngược lại, các dòng hoa truyền thống gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu.
Đáng chú ý, mùa tết năm nay hội quán đưa ba loại hoa mới phục vụ tết, đó là cúc hỏa châu, thạch thảo đỏ và hồng ri với tổng sản lượng 2.000 chậu. Trong đó, cúc hỏa châu bền, đẹp, dễ trồng và phát bông quanh năm, mùi thơm rất dễ chịu.
“Mùi thơm của loài hoa này có thể xua đuổi ruồi, muỗi. Giống hoa này do một người bạn từ Pháp tặng tôi cách đây năm năm. Ban đầu khi mới đưa về Việt Nam gầy giống rất khó khăn, tôi tính bỏ cuộc vì nó không trổ bông, bị cháy lá. May mắn năm nay thuần chủng được khoảng 1.000 chậu, dự kiến tết này bán ra 800 chậu với giá 150.000-300.000 đồng/chậu” - ông Tiếp khoe.
Một số nhà vườn trồng hoa cũng cho hay các loại hoa tươi phục vụ tết như cúc, cát tường, vạn thọ… sản lượng giảm 15%-30%. Nguyên nhân, do ảnh hưởng dịch COVID-19, người trồng lo ngại sức mua yếu, trồng nhiều sẽ khó bán nên giảm diện tích trồng để hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, hiện nay các nhà vườn đang lo ngại nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì người trồng hoa sẽ bán không được, lỗ nặng. Do vậy, mong muốn lớn nhất của nhà vườn lúc này là cơ quan chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh để người trồng hoa, bán hoa tết cũng được nhờ.
Dự kiến mua 700.000 chậu mai Theo Sở Công Thương TP.HCM, dự kiến dịp tết năm nay thị trường TP tiêu thụ 600.000-700.000 chậu mai, 250.000-300.000 chậu bonsai và 135 triệu cành các loại hoa cúc, hoa hồng, ly, cẩm chướng... Trong đó, bốn chợ chuyên kinh doanh hoa tại TP cung ứng 80% thị phần hoa cắt cành. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thông tin: Diện tích hoa sản xuất phục vụ tết năm 2021 ước đạt 3.523 ha, tăng 2,45% so với cùng kỳ. Sản lượng hoa ước đạt hơn 1,5 triệu cành, tăng 2,35% so với tết năm 2020. Lâm Đồng có khoảng 12 công ty nhập khẩu 33 chủng loại giống hoa từ Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Israel… về gieo trồng. Coi chừng mua nhầm hoa lan dỏm Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết hiệp hội đã kiến nghị Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng và một số cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hoa Trung Quốc (TQ) gắn mác hoa Đà Lạt để đảm bảo thương hiệu hoa Đà Lạt và quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó gồm hoa trang trí, hoa cắt cành, địa lan, lan hồ điệp... Chất lượng hoa TQ kém hơn hoa Đà Lạt do quãng đường vận chuyển sau thu hoạch xa. Đặc biệt, năm nay một số vùng trồng hoa ở TQ tuyết rơi dày đặc, thời gian chiếu sáng/ngày cho hoa không đảm bảo… nên chất lượng hoa thấp. Trong khi đó, các giống hồ điệp, địa lan được trồng ở Đà Lạt nhờ áp dụng công nghệ, kỹ thuật chăm sóc cũng như điều kiện bảo quản… nên chất lượng hoa cao gấp ba, bốn lần so với hoa nhập trực tiếp từ TQ. “Để phân biệt hoa địa lan TQ và Đà Lạt, người tiêu dùng cần chú ý đến thông tin trên bao bì có ghi nơi sản xuất, tên thương hiệu, địa phương sản xuất bằng tiếng Việt” - ông Sang lưu ý. |