Như chúng tôi đã phản ánh, lợi nhuận của các ngân hàng năm 2020 hầu hết vẫn tăng trưởng mạnh, có ngân hàng tăng gấp đôi so với năm 2019 bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Hàng Hải chỉ trong 11 tháng đã có lợi nhuận tăng 94% so với cùng kỳ 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra, VietinBank trong khi mọi năm lợi nhuận thấp nhưng đến 2020 lại tăng trưởng tới 43%, TPBank 11%, còn ACB và VIB đều đã vượt mục tiêu cả năm chỉ trong 10 – 11 tháng. Trong số những ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động cho đến thời điểm này, duy chỉ có BIDV sụt giảm, Vietcombank không tăng trưởng và là lần đầu tiên trong 5 năm chứng kiến hiện tượng này, ngân hàng MB mọi năm lợi nhuận tăng tốt thì năm qua cũng chỉ tăng nhẹ 6,5%.
Có một số ý kiến cho rằng, lợi nhuận ngân hàng năm 2020 tăng mạnh là bởi các ngân hàng được "ăn" chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lớn. Trong khi lãi suất huy động xuống thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ thì lãi suất cho vay vẫn neo cao - gấp đôi so với lãi suất huy động. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng các ngân hàng đang "bóp cổ" khách vay.
Xoay quanh câu chuyện về lợi nhuận ngân hàng năm qua, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TS. Đỗ Hoài Linh đến từ Viện Tài chính Ngân hàng ĐH Kinh tế Quốc dân.
Bà đánh giá thế nào về bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2020?
TS. Đỗ Hoài Linh: Dù chưa đến thời điểm công bố Báo cáo tài chính, tuy nhiên lợi nhuận ngành năm 2020 về cơ bản có thể chia thành 2 nhóm: nhóm 1 bao gồm các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt so với năm 2019 như VietinBank tăng 43%, TPBank tăng 25%. ACB tăng 14%... và nhóm 2 bao gồm ngân hàng có lợi nhuận không đổi hoặc giảm nhẹ so với năm 2019 như BIDV giảm 16%, Vietcombank giảm 5%....
Nhìn chung, lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ sức khỏe yếu hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19. Tuy nhiên, với việc kiểm soát được dịch bệnh và kinh tế hồi phục và chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính Phủ, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan trong sáu tháng cuối năm 2020, dẫn đến lợi nhuận cả năm 2020 dù giảm so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo dự đoán là suy giảm so với năm trước. NIM của các ngân hàng vẫn ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Lãi thuần từ hoạt động phi tín dụng có mức tăng trưởng đáng kể so với 2019, đồng thời, CIR ngày càng hiệu quả. Điều này khẳng định lợi nhuận ngân hàng công bố năm 2020 là một bức tranh có nhiều gam màu tươi sáng.
Một số ý kiến cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn vì Covid-19, trong khi lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trưởng đáng kể, phải chăng ngân hàng đang "bóp cổ" khách hàng vay vốn để thu lợi nhuận cao?
Theo tôi điều đó hoàn toàn là thiếu chính xác. Các ngân hàng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng hoặc không đổi so với 2019 bởi ba yếu tố chính:
Thứ nhất, thuận lợi từ kinh tế vĩ mô do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Chúng ta thấy rõ với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5% vào tốc độ tăng GDP của cả nước. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tăng 5,4% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỉ USD, tăng 3,6%. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn. Do đó, với vai trò là "mạch máu" dẫn vốn cho nền kinh tế và cung ứng các dịch vụ tài chính, khi nền kinh tế có sức khỏe tốt, hoạt động ngân hàng hiệu quả, từ đó có lợi nhuận tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, năng lực quản trị điều hành của bản thân các ngân hàng Việt Nam được cải thiện đáng kể thông qua các ngân hàng tích cực nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Hiện tại đã có 18 ngân hàng đáp ứng chuẩn mức quản trị rủi ro Basel II – một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro khắt khe của thế giới. Nhờ đó giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất và bảo toàn lợi nhuận. Đồng thời, nhờ năng lực quản trị rủi ro được cải thiện, các ngân hàng đã tăng cường khả năng quản lý, đánh giá và nhận diện khách hàng từ đó có thể đưa ra quyết định cho vay phù hợp với phương án vay vốn và năng lực tài chính của từng khách hàng.
Không những thế, việc áp dụng các công cụ quản lý rủi ro hiện đại đặc biệt phát huy trong những thời điểm kinh tế biến động khi việc nhận diện và lượng hóa rủi ro đóng vai trò then chốt trong việc giúp các ngân hàng cho vay mà vẫn đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Ngoài ra, năng lực điều hành của ngân hàng còn thể hiện thông qua việc tích cực điều chỉnh danh mục tài sản, giảm tỷ trọng thu lãi từ hoạt động tín dụng, tăng thu dịch vụ, giảm các chi phí hoạt động. Về tổng thể, tỷ trọng thu ngoài lãi trong lợi nhuận toàn hệ thống đã chiếm trên 28%; trong đó, như trên, các nguồn thu phi tín dụng, từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… tiếp tục đạt tăng trưởng khá cao, phản ánh xu hướng bền vững hơn về lợi nhuận, thay vì nhiều năm trước đây chủ yếu tập trung vào khai thác cho vay, ví dụ như trong cơ cấu lợi nhuận của Vietcombank, tỷ trọng thu nhập phi tín dụng tại ngân hàng là 45%, trong đó thu dịch vụ chiếm khoảng 29%.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ví dụ như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NHTM được phép cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, do đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiện tại có thể vẫn chưa được tính đúng và đủ, từ đó giúp thổi phồng lợi nhuận báo cáo của ngân hàng so với thực tế, đặc biệt với những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục. Đây cũng là một điểm đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh của các NHTM trong năm vừa qua.
Ngoài ra, trong năm 2020 các NHTM cũng đã thực hiện giảm lãi tiền vay để phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi ảnh hưởng của dịch covid cũng như thiên tai bão lụt tại các tỉnh miền Trung như Vietcombank đã giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi và phí, VietinBank giảm gần 5.000 tỷ, BIDV giảm khoảng 6.400 tỷ đồng, MB giảm 2.000 tỷ, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm lãi hay các gói vay ưu đãi với khách hàng vay vốn.
Như vậy, theo quan điểm của tôi, nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận để kết luận ngân hàng đang không đồng hành cùng doanh nghiệp và xã hội là chưa chính xác.
Theo bà sang 2021 lợi nhuận các ngân hàng sẽ thế nào?
Tôi bảo lưu quan điểm "Nằm trong bối cảnh chung của toàn bộ nền kinh tế, năm 2021 với ngành ngân hàng sẽ có nhiều gam màu lạc quan nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều bất định khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các áp lực từ các cuộc căng thẳng thương mại trên thế giới vẫn chưa có hồi kết rõ ràng".
Trong năm 2021, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và có thể lưu ý tới các vấn đề như sau:
Thứ nhất, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì cao và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021. Do vậy, hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu nên các ngân hàng sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Nhưng tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro, do đó tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ khác nhau.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm, việc trích lập này sẽ giúp các ngân hàng giãn tiến độ trích lập và không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận năm 2021 của các NHTM. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng năm 2021 tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn gốc của các khoản nợ tiềm ẩn này đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, do đó với các ngân hàng muốn thổi phồng lợi nhuận bằng cách hoàn hoặc giảm tỷ lệ trích lập dự phong rủi ro tín dụng thì cần có sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước để lợi nhuận tăng trưởng là con số thật và bền vững.
Thứ ba, nhìn vào bức tranh tổng thể của ngành ngân hàng, một số NHTM có mức trích lập dự phòng cao như Vietcombank tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 380%, MB là 160%, Techcombank là 147%... đã thể hiện khả năng tài chính vững mạnh, có thể chịu đựng được các biến động bất lợi của thị trường trong năm 2021 nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch. Những ngân hàng này sẽ có lợi thế hơn khi hạch toán lợi nhuận năm sau.
Nhìn chung, trong bối cảnh thiên tai xảy ra khó lường, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, cá nhân tôi đánh giá cao những ngân hàng không nhất thiết phải có tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục mà họ phải chú ý bảo đảm thực hiện các hoạt động an toàn như tỷ lệ bao nợ xấu cao, thực hiện đầy đủ các loại trích lập dự phòng rủi ro và hướng tới cơ cấu lợi nhuận tăng tỷ lệ từ các hoạt động thu dịch vụ để bảo đảm lợi nhuận ổn định và bền vững, không bị thổi phồng thì đấy mới là sự tăng trưởng bền vững và dài hạn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Tùng Lâm
Doanh nghiệp và Tiếp thị