vĐồng tin tức tài chính 365

Ông chủ Nhật Cường vận hành đường dây buôn lậu 3.000 tỷ đồng như thế nào?

2021-01-14 11:15

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài về

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) thành lập vào năm 2001, vốn điều lệ 38 tỷ đồng, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc.

Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2019, Công ty Nhật Cường kinh doanh mua bán điện thoại di động và các thiết bị điện tử dưới 4 hình thức: Nhập hàng hóa trong nước có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT-hàng công ty); Nhập hàng hóa trong nước không có chứng từ nguồn gốc (không có hóa đơn GTGT); Nhập khẩu có chứng từ nguồn gốc hợp pháp (hàng nhập khẩu); Nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hành vi mua hàng của các nhà cung cấp tại nước ngoài, không khai báo hải quan, nộp thuế mà tổ chức vận chuyển trái phép về Việt Nam để tiêu thụ có dấu hiệu tội buôn lậu.

Kết luận điều tra xác định, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của công ty Nhật Cường để giao dịch mua 2.502 đơn hàng, với 255.311 sản phẩm (điện thoại di động iPhone các loại, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc…), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng của 16 chủ hàng tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông,…

Ông chủ Nhật Cường vận hành đường dây buôn lậu 3.000 tỷ đồng như thế nào? - 1

Bùi Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền hơn 72 tỷ đồng (cước phí vận chuyển) để thuê các đối tượng vận chuyển (9 đường dây vận chuyển) tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hồng Kông - Trung Quốc, vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Bùi Quang Huy và đồng phạm. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty NHật Cường đã tiêu thụ hơn 254.000 sản phẩm, thu được số tiền là hơn 3.200 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 221 tỷ đồng (đã trừ tiền mua hàng, tiền cước phí vận chuyển). Còn lại 947 sản phẩm chưa tiêu thụ được, trị giá mua là hơn 7 tỷ đồng.

"Bùi Quang Huy là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài. Sau đó, Bùi Quang Huy trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Ngọc Ánh, Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng và Đỗ Quốc Huy giao dịch với các nhà cung cấp để thỏa thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng,… để đặt mua hàng; chỉ đạo Đỗ Quốc Huy tham gia tư vấn cho Trần Ngọc Ánh về giá mua, giá bán, số lượng, chủng loại điện thoại cần mua để Ánh tham khảo, quyết định việc mua hàng", kết luận điều tra cho biết.

Hàng lậu được Bùi Quang Huy thuê 9 đường dây vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, đường biển qua Cảng Hải Phòng, đường bộ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại các tỉnh Lạng Sơn và TP Móng Cái (Quảng Ninh), cụ thể:

Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây SH, SRV, Chị Yên HP vận chuyển bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài; thuê 4 đường dây vận chuyển (gồm: Tiến Lokchun, Việt LS, Hằng LS, Hưng ĐA) tổ chức vận chuyển hàng từ Hồng Kông về Việt Nam bằng đường bộ theo 2 tuyến: Hồng Kông - Đông Hưng, Quảng Châu, Trung Quốc - TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - Hà Nội; Hồng Kông - Bằng Tường, Quảng Châu, Trung Quốc - Lạng Sơn - Hà Nội.

Bùi Quang Huy còn thuê đối tượng Hùng MC vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam 7 đơn hàng, với 530 sản phẩm, trị giá gần 4 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi gần 230 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn thuê đường dây vận chuyển Hùng HP tiếp nhận hàng tại Hồng Kông, tổ chức vận chuyển từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường biển qua Cảng Hải Phòng, giao cho Bùi Quang Huy và đồng phạm tại một số địa điểm trung tâm Hà Nội. Trong đó, từ năm 2016 đến tháng 5/2019, Đỗ Văn Hùng và đồng phạm đã vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam 375 đơn hàng, với hơn 52.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi hơn 37 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hành vi của của Bùi Quang Huy phạm vào tội "Buôn lậu" theo khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Lập 2 hệ thống sổ sách để che giấu hành vi kinh doanh bất hợp pháp

Ông chủ Nhật Cường vận hành đường dây buôn lậu 3.000 tỷ đồng như thế nào? - 2

Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường thời điểm cơ quan công an khám xét.

Kết luận điều tra còn cho biết, Bùi Quang Huy còn lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường; chỉ đạo Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng) và Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính) ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty tại 2 hệ thống sổ sách trên phần mềm ERP và MISA. Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

Hành vi trên của Bùi Quang Huy và đồng phạm, chỉ tính riêng phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại tài sản nhà nước) là gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền...), tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Hành vi của Bùi Quang Huy phạm vào tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, kết thúc điều tra vụ án, do Bùi Quang Huy bỏ trốn, chưa bắt được nên Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can để sau khi bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.

Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc - GĐ tài chính Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Bảo Ngọc và 13 người còn lại bị đề nghị truy tố thêm về tội "Buôn lậu" gồm Trần Ngọc Ánh - Phó tổng GĐ Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy - GĐ bán hàng Nhật Cường; Nông Văn Lư - nhân viên Nhật Cường; Nguyễn Bảo Trung - lao động tự do; Trần Tất Khoa - GĐ Cty Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương - nhân viên Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Đức Tùng - lao động tự do; Ngô Tuấn Sửu - GĐ Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường; Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ Nhật Cường; Phạm Văn Hiệp - lao động tự do; Bùi Quốc Việt - nhân viên Nhật Cường; Đỗ Văn Dũng - lao động tự do.

Nguyễn Dương

Xem thêm: mth.88451353231101202-oan-eht-uhn-gnod-yt-0003-ual-noub-yad-gnoud-hnah-nav-gnouc-tahn-uhc-gno/taul-pahp/nv.moc.irtnad

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ông chủ Nhật Cường vận hành đường dây buôn lậu 3.000 tỷ đồng như thế nào?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools