Chăm sóc người bệnh đột quỵ - Ảnh: LAN ANH
Ngày 11-1 trung tâm tiếp nhận nam thanh niên 30 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội chuyển đến, được chẩn đoán là xuất huyết não.
Đột quỵ gia tăng
Khoảng nửa tháng trước, Trung tâm đột quỵ cũng tiếp nhận bệnh nhân nam 39 tuổi, chuyển từ tuyến tỉnh đến trong tình trạng đã hôn mê sâu. Bệnh nhân không có tiền sử gì đặc biệt, nhưng thời điểm vào viện huyết áp 250/130, khoảng tám giờ tính từ khi khởi bệnh, bệnh chuyển nặng hơn, gia đình xin cho bệnh nhân về và bệnh nhân đã tử vong.
Đây cũng là một trong số các bệnh nhân được coi là trẻ với căn bệnh đột quỵ, vào điều trị tại trung tâm gần đây. Thậm chí đã có trường hợp 14 tuổi và trẻ hơn nữa mắc căn bệnh này.
Những ca đột quỵ nhập viện điều trị gần đây nguyên nhân một phần do thời tiết lạnh, một phần đột quỵ là một trong ba căn bệnh rất hay gặp ở những người trẻ trong thời gian này, cùng với xuất huyết tiêu hóa và viêm tụy cấp.
Chú ý căn nguyên
Trung bình mỗi ngày Trung tâm đột quỵ tiếp nhận 30-45 bệnh nhân. Sau khi có một số trường hợp là người nổi tiếng tử vong nghi do đột quỵ, nhiều người quan tâm tới căn bệnh này hơn. Nhưng theo bác sĩ Đào Việt Phương (Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai), cần quan tâm tới các bệnh là căn nguyên của đột quỵ thì sẽ phòng ngừa đột quỵ tốt hơn.
Cụ thể, đột quỵ ở người già có liên quan đến tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid..., ở người trẻ thì tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu cũng là những yếu tố hay gặp, bên cạnh bất thường/dị dạng mạch máu não, các yếu tố chất kích thích hoặc độc chất.
Những ngày trời lạnh, ngoài các căn nguyên sẵn có như trên, còn có thêm yếu tố "bổ trợ" dẫn đến nguy cơ đột quỵ và nhiều căn bệnh khác gia tăng. Trong số này có tình trạng ăn thêm nhiều mỡ để chống chọi thời tiết, uống thêm bia rượu, giảm vận động, bên cạnh đó do trời lạnh có thể còn gián đoạn điều trị những bệnh nền sẵn có, khiến nguy cơ gia tăng.
Yếu liệt, đau đầu cần vô viện ngay
Bác sĩ Phương chia sẻ một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để giảm biến chứng, di chứng ở bệnh nhận đột quỵ là đến bệnh viện sớm. Ngay khi người thân có các dấu hiệu nghi ngờ như liệt mặt, có cơn đau đầu, yếu liệt tay chân nửa người, kém thị lực, rối loạn ngôn ngữ... thì cần gọi ngay xe cấp cứu, đồng thời thông báo tình hình bệnh nhân.
Trong lúc đợi xe, không cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào không rõ nguồn gốc, để bệnh nhân nằm và đưa sớm đến bệnh viện gần nhất ngay khi xe đến.
"Có bệnh nhân 70 tuổi đang điều trị tại bệnh viện chúng tôi gặp đã có các dấu hiệu này từ cách đây 3 ngày, gia đình cứ đợi xem có tự hồi phục không mới đưa đến bệnh viện, nhưng không thấy hồi phục và khi đến bệnh viện thì đã quá thời gian vàng để can thiệp hiệu quả" - bác sĩ Phương nói.
Nếu can thiệp trong thời gian vàng, 4-5 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 1 người quay lại được cuộc sống bình thường. Thời gian vàng ở đây là trong vòng 4 giờ 30 phút tính từ khi khởi bệnh, để sử dụng loại thuốc tiêu sợi huyết, là thuốc được coi là "cuộc cách mạng" trong những thập niên gần đây trong điều trị đột quỵ. Trong vòng 6 giờ đồng hồ, bệnh nhân cũng có thể được can thiệp lấy huyết khối và cũng là can thiệp có hiệu quả.
Theo tính toán sơ bộ, số bệnh nhân đột quỵ tăng mỗi năm 2%, các bác sĩ luôn khẩn thiết cảnh báo bệnh nhân khi có biểu hiện bệnh cần đến bệnh viện rất sớm để được cấp cứu kịp thời.
Trung bình mỗi tháng Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1.000 bệnh nhân cấp cứu đột quỵ, trong số này có khoảng 10% dưới 44 tuổi, độ tuổi được coi là trẻ với căn bệnh đột quỵ.
Đề phòng liệt mặt, méo miệng...
Những ngày trời lạnh, một trong số các căn bệnh dễ gặp là liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, dẫn đến tê bì cơ mặt và dần dần có thể liệt cơ mặt, ù tai, méo miệng, bệnh nhân ăn uống khó khăn, mắt ở bên mặt bị liệt khó nhắm kín. Ngoài ra còn một số triệu chứng như mất vị giác, khô mắt hoặc chảy nhiều nước mắt...
Bác sĩ khuyến cáo bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và có thể khỏi sau vài tuần điều trị, tuy nhiên bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm, nếu không thời gian hồi phục sẽ kéo dài và phần bị liệt cũng khó trở về như cũ hoàn toàn.
Để phòng bệnh, những ngày trời lạnh cần giữ ấm cơ thể, tránh gió lùa. Những người hay uống rượu bia, thể trạng yếu, thức khuya, có bệnh nền huyết áp cao, xơ vữa động mạch thuộc nhóm dễ mắc bệnh.
TTO - Mới đây, ở Hà Giang đã xảy ra một vụ ngộ độc than sưởi ấm trong phòng, làm bé gái 11 tuổi tử vong, bé trai 9 tuổi phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Rất may cháu bé đã bình phục và được về nhà.
Xem thêm: mth.18281458041101202-yuq-tod-ib-y-uhc-hnal-iort/nv.ertiout