vĐồng tin tức tài chính 365

Công thức tạo lợi nhuận của ngân hàng mùa Covid-19

2021-01-14 15:15

Công thức tạo lợi nhuận của ngân hàng mùa Covid-19

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) - Không có mẫu số chung cho công thức tạo lợi nhuận năm 2020, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chính sách và sự cải thiện nội lực đã khiến có không ít ngân hàng vượt qua “năm Covid-19” với lợi nhuận khả quan hơn dự báo đưa ra vào hồi đầu năm.

Trong một năm đầy biến động và khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thu nhập ngân hàng đa dạng hơn, khi mọi hoạt động kinh doanh đều có sự tăng trưởng đáng kể. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng báo lãi tăng vọt

Mới đây, hàng loạt ngân hàng công bố số liệu của năm 2020 - một năm hoạt động đầy sóng gió do dịch bệnh Covid-19 -  với kết quả được đánh giá là khả quan, vượt ngoài dự đoán của thị trường.

Chẳng hạn Vietinbank ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong năm 2020, đạt mức 16.450 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; riêng lợi nhuận trước thuế quí 4 ước tăng 88%. Vietcombank báo lãi hợp nhất đạt khoảng 23.068 tỉ đồng, tương đương quy mô lợi nhuận năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng BIDV thì ngược chiều so với hai ngân hàng trên khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.017 tỉ đồng.

Ở các ngân hàng thương mại cổ phần, xu hướng báo lãi tăng mạnh vẫn đang tiếp tục. Chẳng hạn MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm tăng đến hơn 94%, đạt mức 2.500 tỉ đồng; còn Ngân hàng OCB ước lợi nhuận tăng 37%, đạt mức khoảng 4.414 tỉ đồng; TPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 11%; MB dự kiến tăng gần 7% so với năm trước và vượt 19% kế hoạch.

Trong khi đó, xét đến hết quí 3 thì nhiều ngân hàng tư nhân đã cho thấy lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Điển hình như VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 4.025 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ; hay lợi nhuận của Techcombank tăng 20%; trong khi đó VPBank đạt 92% kế hoạch năm. Số liệu cập nhật đến hết tháng 11-2020 của ACB cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã vượt 14% so với kế hoạch năm.

Trên thực tế, năm 2020 lợi nhuận ngân hàng được hỗ trợ đáng kể bởi chính sách hạch toán theo Thông tư 01. Các khoản nợ xấu vì Covid-19 chưa phải chuyển nhóm nợ hoặc trích lập dự phòng ngay, nên thực tế đóng góp đáng kể vào con số lợi nhuận của năm.

Dù vậy, nếu cộng gộp các con số mà ngân hàng báo đã giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, lợi nhuận có lẽ sẽ còn vọt lên đáng kể. Ví dụ như Vietcombank nói đã giảm lãi suất với tổng quy mô lên đến 3.700 tỉ đồng, còn Vietinbank thì đưa ra con số 5.000 tỉ đồng, BIDV là 6.400 tỉ đồng.

"Kết quả hoạt động của ngành không như chúng tôi ước tính", báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI trong phân tích cập nhật ngành mới đây nhận định. Lợi nhuận trong 9 tháng của nhóm ngân hàng niêm yết mà SSI theo dõi đã tăng 11% so với cùng kỳ, dù tăng thấp hơn so với con số 26,9% cùng kỳ trước đó, nhưng tình hình hoạt động của ngành ngân hàng được đánh giá là vẫn khả quan hơn so với các ngành khác.

Tín dụng bán lẻ phục hồi từ quí 3-2020. Nguồn: VCBS

 

Công thức tạo lợi nhuận

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần tại TPHCM, ngân hàng đã có những thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm thì thị trường và nhiều doanh nghiệp, người đi vay đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Điều này giúp cho các ngân hàng hồi phục nhanh hơn dự kiến đưa ra vào hồi đầu năm.

Trên thực tế, có thể thấy thị trường bán lẻ trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn trong những tháng cuối năm. Tín dụng trong những tháng cuối năm cũng tăng vọt đáng kể, ghi nhận mức tăng hơn 12,1% trong năm, trong đó có nhiều ngân hàng phải nới room tín dụng. Chẳng hạn như dư nợ tín dụng  của Vietcombank tăng 13,95% so với cùng kỳ, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm.

Ngay cả VPBank vào giai đoạn cuối năm 2020 cũng chạy đua “nước rút” đẩy mạnh thị trường cho vay mua xe ô tô, vốn là phân khúc mà VIB chiếm lĩnh. Trước đó, VIB cho biết doanh thu bán lẻ 9 tháng đầu năm đạt hơn 5.700 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo SSI, hoạt động cho vay các tập đoàn lớn và trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh trong nửa đầu năm 2020, trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu hồi phục trong quí 3, đặc biệt là ở các ngân hàng BIDV, MB và HDBank.

Thêm nữa, một đặc điểm dễ nhận thấy là thu nhập ngân hàng đa dạng hơn, khi mọi hoạt động kinh doanh đều có sự tăng trưởng đáng kể, từ cho vay cho đến dịch vụ, từ thu lãi cho đến ngoài lãi đều đóng góp đáng kể vào lợi nhuận trong năm qua của các nhà băng.

Chẳng hạn như trường hợp của MSB. Đơn vị này cho biết tổng thu nhập thuần trong năm qua tăng gần 52%, trong khi tổng thu nhập ngoài lãi tăng 42%, thu thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng đến 50%.

Theo báo cáo của Fiingroup từ số liệu quí 3, tổng thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng hơn 9% so với cùng kỳ, trong khi dịch vụ tăng hơn 31%, còn các hoạt động khác tăng khoảng 3%.

Một điểm đáng chú ý trong năm 2020 là khoản thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể cho thu nhập của các nhà băng. Thống kê của SSI cho thấy Tổng trái phiếu doanh nghiệp do các NHTM sở hữu tăng 69,5%, đạt mức 207.000 tỉ đồng trong quí 3-2020, mức tăng mạnh nhất nằm ở các ngân hàng Techcombank, SHB, VPBank, MB và TPBank.

Bên cạnh đó, có một điểm chung trong năm 2020 là chi phí hoạt động của các ngân hàng giảm rõ rệt, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Trong năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng 21% so với cùng kỳ. Động lực nằm ở chi phí vốn tiếp tục giảm nhờ mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp, các gói hỗ trợ Covid-19 hết hạn, hoạt động dịch vụ và tín dụng vẫn tiếp tục mở rộng.

Xem thêm: lmth.91-divoc-aum-gnah-nagn-auc-nauhn-iol-oat-cuht-gnoc/496213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Công thức tạo lợi nhuận của ngân hàng mùa Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools