Dòng tiền đổ vào giao dịch ào ạt, nhưng hệ thống giao dịch chập chờn đang trở thành điểm yếu của sàn HOSE - Ảnh: BÔNG MAI
"Chiều hôm qua muốn bán chốt lời nhưng hệ thống bị nghẽn, không đặt lệnh được. Sáng nay hệ thống lại bị chậm, đơ. Tôi cảm thấy rất chán", chị H. (nhà đầu tư) bày tỏ.
Gần 1 tháng trôi qua, kể từ phiên giao dịch ngày 17-12-2020 cho đến nay các sự cố giao dịch trên sàn HOSE vẫn chưa có dấu hiệu khắc phục.
"Khi quy mô thanh khoản sàn HOSE đạt tầm 15.000 tỉ đồng trở lên, lúc này các lệnh mua, bán đều ở trạng thái sending (đang gửi) và gần như không khớp được, trừ một vài công ty nhỏ có quy mô lệnh ít thì họ đẩy lên được, nên bảng điện gần như dừng lại, nhấp nháy (khớp lệnh) ít ỏi. Giao dịch chập chờn, chán nản lắm.", anh N.T (một nhà đầu tư có hơn 15 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán) bày tỏ.
Ngay cả khi tổng giá trị giao dịch dưới 14.000 tỉ đồng thì tình trạng quá tải, "nghẽn" hệ thống vẫn diễn ra.
"Sáng bán 1.500 cổ phiếu D. giá 32.700 đồng trên đà giảm, về tính mua lại vùng 31.500 đồng thì nghẽn hệ thống, tới chiều nó lại tăng trần, coi như mất hàng, thiệt hại hàng chục triệu", anh M.T (nhà đầu tư) kể về một trải nghiệm không muốn có.
Không chỉ bên bán, cả bên mua cũng không dễ dàng. "Lệnh bị treo cứng, không mua được lúc giá thấp đành phải mua khi giá cao", nhà đầu tư tên Bảo chia sẻ.
Thời gian gần đây sàn HOSE chứng kiến nhiều phiên thanh khoản từ 16.000-18.000 tỉ đồng, gấp 4-5 lần so với mức bình quân của các năm trước. Dòng tiền đổ vào ào ạt, nhưng khả năng đón tiền có hạn.
Sự cố lặp lại nhiều lần trong gần 1 tháng nay, đặc biệt diễn ra vào cuối phiên chiều, vì vậy nhiều nhà đầu tư nghĩ ra cách tranh thủ giao dịch trước 14h00, trong khi đó 15h00 thị trường mới đóng cửa. Một số khác lại chọn các chuyển sang sàn UPCoM và HNX.
Dù vậy, giới đầu tư cho rằng họ vẫn chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo thuộc nhiều công ty chứng khoán cũng cho biết đến nay công ty vẫn chưa gửi giải trình chính thức cho khách hàng về nguyên nhân sự cố giao dịch, vì cho rằng phần mềm và đường truyền của công ty hoàn toàn ổn định và hoạt động tốt, đồng thời không dám công khai nói hệ thống giao dịch của sàn HOSE bị yếu kém so với nhu cầu của thị trường vì sợ "mếch lòng".
Trước đó, đại diện HOSE trả lời báo chí rằng hệ thống giao dịch bình thường, không gặp lỗi, tuy nhiên vẫn thừa nhận có xảy ra tình trạng tắc nghẽn do lệnh giao dịch tăng đột biến.
Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với phía Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chiều 14-1, trong bối cảnh thị trường chứng khoán rung lắc, nhiều nhà đầu tư phản ánh không thể đăng nhập vào hệ thống giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán VPS.
Do sự việc ảnh hưởng đến toàn bộ khách hàng, bộ phận kĩ thuật của công ty này đã tạm ngưng hệ thống để kiểm tra dữ liệu, và hiện đã hoạt động trở lại. VPS đang ứng dụng robot thay thế con người trong giao dịch chứng khoán.
Trước đó, đại diện sàn HOSE cho biết việc các công ty chứng khoán dùng phần mềm giao dịch bằng robot sẽ làm số lượng lệnh tăng đột biến, khiến hệ thống giao dịch của Sở không có khả năng kiểm soát.
TTO - Vừa vào phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần 11-1, nhiều nhà đầu tư đã báo hệ thống sàn HOSE gặp trục trặc, không đặt được lệnh. Sau hơn 1 giờ mở cửa, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 10.000 tỉ đồng.