Với bờ biển dài 65 km, Trà Vinh xác định điện gió là những yếu tố then chốt tạo nên nền “công nghiệp xanh” thu hút đầu tư, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, an sinh xã hội…
Ngày 14.1, ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 4 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII, tổng công suất 396 MW, với tổng mức đầu tư lên tới gần 18.000 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 17 dự án điện gió, tổng công suất 2.400 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; gắn với phê duyệt bổ sung xây dựng trạm biến áp và đường dây 500kV để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió. Đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 4 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VII như nêu trên, gồm: Nhà máy điện gió Đông Thành 1, nhà máy điện gió Đông Thành 2, nhà máy điện gió Thăng Long Trà Vinh và nhà máy điện gió Đông Hải 1, với tổng công suất 396 MW. Trong đó, có 1 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư (nhà máy điện gió Đông Hải 1), 3 dự án đang thực hiện thủ tục trình cấp chủ trương đầu tư, dự kiến cuối năm 2022 phát điện.
Trà Vinh là một tỉnh còn nhiều khó khăn trong khu vực ĐBSCL, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm. Do vậy, vào năm 2015, tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW. Việc này nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió; bổ sung nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Giai đoạn 2015 – 2019, UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư cho 05 dự án điện gió (nhà máy điện gió Trà Vinh 1 cấp năm 2017, nhà máy điện gió Duyên Hải cấp năm 2017, nhà máy điện gió Hiệp Thạnh cấp năm 2018; nhà máy điện gió V1-2 cấp năm 2019, nhà máy điện gió số 3 cấp năm 2019) và đang triển khai thi công với tổng công suất 270 MW, với tổng mức đầu tư khoảng 13.070 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2021 phát điện, mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 850 triệu kWh.
Ngoài ra, trong năm 2020 UBND tỉnh tiếp tục đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thêm 5 dự án điện gió với công suất 826MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đồng thời tỉnh đề nghị Bộ Công Thương 20 dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí, công suất 7.508 MW đã trình Bộ Công Thương bổ sung Quy hoạch điện VIII.
Theo ông Lâm Hữu Phúc, trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án, các sở, ngành có liên quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai thi công đúng theo quy định; các ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Xem thêm: odl.169078-oig-neid-oav-ut-uad-gnod-yt-nagn-13-noh-hniv-art/et-hnik/nv.gnodoal