Ngày 13-1, ông Nguyễn Hữu Khải, Phó Chủ tịch xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, cho hay số cá chết do sét đánh đã là 2.200 kg. “Nguyên nhân đã được Phòng Nông nghiệp huyện xác định là do sét đánh” - ông Khải nói.
Cá bổi bị sét đánh khi đem làm khô thấy rõ tụ huyết ở phần đuôi.
Ảnh: TRẦN VŨ
“Trời đánh” hàng loạt ao cá bổi
Chuyện xảy ra vào đêm 4-1. Trời mưa to, không có gió nhưng sấm sét đì đùng. Chú Tám Bình, tức Phạm Thanh Bình, thấp thỏm lo nên ra cửa sổ chòi canh cá rọi đèn xem tình thế.
Chú Tám Bình kể lại: “Tui ra mới rọi đèn thì bất thình lình một luồng sáng lóe hơn cả trái bom B52 của Mỹ táp vô mặt tui. Một tiếng nổ lớn. Đúng là nổ lớn như trời rầm. Tui té vô vách, sợ quá chui vô mùng trùm mền trốn. Sau đó có thêm hai tiếng nổ lớn nữa. Và tiếng nổ cứ gần xa liên tục”.
Trời vừa rạng sáng, chú như bị chết đứng khi nhìn các ao nuôi cá bổi chết trắng. Chú hô con cháu ra tiếp sức vớt xác cá bổi để tận thu và xử lý, sợ thúi nước. Chú đâu có hay các ông bạn già cùng nuôi cá trong xóm gọi điện thoại đỏ máy. Chú gọi lại thì ai cũng kêu trời. Cá bổi bị “trời đánh chết” quá nhiều.
Chú Lê Văn Xệ kể tiếp về cái đêm sấm sét đó: “Hôm đó tui nghe sét đánh quá nên vào chòi trùm mền cho chắc. Sáng ra đánh răng cập bờ ao thì tá hỏa. Tui la lên, vợ tui chạy ra thấy ở góc ao phía bên trái chòi cá nổi trắng tươi. Vợ tui cứ la bài hải”.
Các nông dân bị thiệt hại cá chết do sét đánh bàn chuyện làm cột thu lôi. Ảnh: TRẦN VŨ
Chuyện được báo lên bí thư chi bộ ấp rồi lên xã, lên huyện. Sau ba ngày vớt cá và tổng hợp số liệu, kết quả có tám hộ dân ở ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau bị thiệt hại 1,6 tấn cá do sét đánh. Trong đó có năm hộ bị thiệt hại nặng là Phạm Thanh Bình, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Văn Xệ, Lê Vũ Hoàng, Huỳnh Việt Nam. Ba hộ kia số lượng ít nên bỏ ra, không thống kê.
Đáng chú ý trong năm hộ bị thiệt hại nặng, có đến mấy chục cái ao. Khoảng cách giữa hai ao xa nhất đến gần 600 m.
Tình trạng cá chết ở tất cả ao giống hệt nhau. Sáng 5-1 cá chết nhiều nhất, sau đó giảm dần, đến ngày thứ tám thì còn chết vài con mỗi ao. Tính đến ngày 14-1, năm hộ trên bị thiệt hại 2.200 kg cá bổi đã đến lứa thu hoạch. “Cá bị sét đánh con nào như con nấy, bị sung huyết nửa thân về hướng đuôi. Mổ ra thấy rất rõ. Làm khô thì soi đèn vào thấy một khúc đỏ au, khúc đầu thì trắng bình thường” - chú Lê Văn Xệ nói.
Thiệt hại cá bổi của năm hộ dân nói trên dù không lớn, chỉ 5%-10% sản lượng cá đang có trong các ao nuôi, tuy nhiên đây cũng là một nguy cơ cho người nuôi cá bổi ở địa phương. Trong khi hiện tại vẫn chưa có ngành bảo hiểm nào nhắm đến nghề nuôi cá bổi cho bà con. Về chính sách hỗ trợ, theo UBND xã Trần Hợi, hiện tại chưa có chính sách gì vì vấn đề thiên tai này quá cá biệt. |
Nghi ngờ vùng đất có điều bất thường
Chú Phạm Thanh Bình đã gắn bó với vùng đất này từ năm 1984. Chú cho biết sét đánh khu vực này nhiều bất thường. “Vợ của một thầy giáo trong xóm này bị chết vì sét đánh trúng. Dừa chuối bị sét đánh chẻ hai, cháy rụi biết nhiêu lần. Hỏi dân xứ này đi, ai ở đây tầm 20 năm sẽ ít nhất có lần bị “trời đánh” nhảy sông. Vợ chồng tui bị mấy lần rồi. Cách đây năm năm, trời đánh chết cá bổi nhóc” - chú Tám Bình nói.
Lần cá bổi bị trời đánh trước đây, chú Lê Văn Xệ thiệt hại hơn 1 tấn. “Hồi đó thiệt hại nặng hơn lần này. Nhưng đâu có báo cho ai, nghĩ đó là thiên tai, trời đánh ai nấy chịu” - chú Xệ nói.
Điều lạ ở lần trời đánh cá hôm 4-1 là không tìm thấy tâm điểm dấu vết. “Lần trước thì phát hiện tâm điểm “trời đánh”. Một cây dừa lão bị đánh tét bét, cháy đen thui. Lần này anh em đi tìm mãi mà không thấy tâm đánh chỗ nào” - chú Tám Bình nói.
Đúc kết lại câu chuyện “trời đánh”, các lão nông ở ấp 1 khẳng định khu vực ấp 1 này bị đánh nhiều nhất, cứ vài năm lại có một trận. “Mà mỗi trận không chỉ đánh 1-2 phát, đánh rất nhiều phát nên tình hình nuôi cá bổi của bà con ở đây thêm một nguy cơ lớn. Tui tính rủ anh em hùn hạp nhau làm cột thu lôi. Nhưng nghe đâu mỗi cột đến 20 triệu đồng, cũng căng” - chú Tám Bình nói.