Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo (bìa phải), và bà Trần Ngọc Danh - phó chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM, thành viên ban giám khảo (bìa trái) - trao giải cho các tác giả, đại diện tác giả... ngày 2-1-2021 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: GIA TIẾN
Thực hiện báo Xuân Tân Sửu 2021, Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi thiết kế bìa báo từ ngày 26-10 đến 10-12-2020. Cuộc thi có 215 tác giả tham gia với 248 tác phẩm. Có 74 tác phẩm qua vòng sơ tuyển, 20 tác phẩm được chọn vào chung khảo.
Trong vòng chung khảo, hội đồng giám khảo chọn top 5 bao gồm 1 giải nhất, 4 giải khuyến khích.
Kỳ vọng mới lạ và phá cách
Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nói về mục đích cuộc thi: "Đây là lần đầu tiên Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi bìa báo xuân. Chúng tôi muốn làm mới mình, mời gọi các chuyên gia, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp ý tưởng bìa báo xuân. Chúng tôi kỳ vọng sự mới lạ, phá cách hoàn toàn so với trước đây".
Để đảm nhận chất lượng chuyên môn, báo Tuổi Trẻ mời các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, mỹ thuật chấm chung khảo.
Hội đồng giám khảo bao gồm: ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bà Trần Ngọc Danh - phó chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP.HCM (VDAS), bà Ngô Thị Thu Trang - PGS.TS mỹ thuật, trưởng khoa mỹ thuật công nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vinh - giám đốc sáng tạo Công ty truyền thông NVV và ông Trần Như Khanh - họa sĩ thiết kế, tổ trưởng tổ họa sĩ báo Tuổi Trẻ.
Ông Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm truyền thông báo Tuổi Trẻ - giám sát cuộc thi.
Về tiêu chí, ông Lê Xuân Trung cho biết: "Có 3 tiêu chí chính. Đầu tiên, bìa phải thể hiện chủ đề "Tân Sửu an vui" - cái Tết an vui sau một năm biến động. Đó cũng là thông điệp năm 2021 của báo Tuổi Trẻ. Thứ hai, bìa phải đảm bảo tính thời sự, là bìa báo chứ không phải tác phẩm nghệ thuật. Thứ ba, bìa phải có tính mỹ thuật".
Trên thang điểm 10, hội đồng giám khảo sẽ chấm theo các mục: chủ đề "Tân Sửu an vui" (tối đa 4 điểm), tính thời sự (tối đa 3 điểm), tính mỹ thuật (tối đa 3 điểm). Như vậy, tổng điểm tối đa của 5 giám khảo là 50 điểm.
Ở những nền báo chí phát triển, tính thông điệp và sức lay động của bìa báo cũng rất quan trọng. Hội đồng giám khảo mong tìm được bìa báo xuân cân bằng giữa nội dung và hình thức: vừa chú trọng tính thời sự, vừa gây ấn tượng về hình ảnh.
Theo ông Cao Huy Thọ, Tuổi Trẻ Xuân luôn có sự biến hóa và khó đoán về bìa báo thay vì bám sát một phong cách cố định qua nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Vinh nhận định: "Báo xuân là giai phẩm văn hóa. Hằng năm, báo Tuổi Trẻ Xuân luôn là lựa chọn hàng đầu của bạn đọc. Tờ báo có đẳng cấp, bạn đọc có niềm tin".
Tác giả Trần Lê Thuần - Ảnh: GIA TIẾN
Nhiều ý tưởng thú vị, hình ảnh công phu
Quá trình chọn top 20 và top 5 diễn ra sôi nổi. Các giám khảo tranh luận để đi đến thống nhất về tác phẩm chiến thắng.
Những tác phẩm có nhiều ưu điểm, được hội đồng giám khảo thảo luận, góp ý để hướng đến tính toàn diện. Chẳng hạn: ý tưởng thú vị, thiết kế đẹp, đồ họa ấn tượng, có tính cổ động, vẽ công phu...
Khi xem xét top 20 để chọn ra top 5, hội đồng giám khảo tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng về từng tác phẩm, qua đó nhìn nhận các xu hướng thiết kế trong cuộc thi.
Khá nhiều tác phẩm khai thác chủ đề COVID-19 với hình ảnh chủ đạo là chiếc khẩu trang hay lực lượng y tế, mang thông điệp nhân văn. Mặc dù vậy, theo hội đồng giám khảo, những thiết kế nhấn mạnh ảnh hưởng của đại dịch không phù hợp lắm với chủ đề của cuộc thi là "Tân Sửu an vui".
Có những tác giả thiết kế nhiều phiên bản với cách phối màu khác nhau để có nhiều phương án cho trang bìa. Đặc biệt, một bạn đọc lớn tuổi vẽ tay một bức tranh công phu để gửi cho Tuổi Trẻ.
Qua thảo luận, PGS.TS Ngô Thị Thu Trang cho hay: "Tác phẩm đoạt giải không chỉ đáp ứng các tiêu chí năm nay mà còn mang tính dự báo, dẫn dắt xu hướng của năm sau". Hội đồng giám khảo mong muốn cuộc thi mang đến làn gió mới và sức trẻ trong những ý tưởng thiết kế bìa báo của Tuổi Trẻ những năm về sau.
Ông Trần Như Khanh nhận định: "Tác phẩm đoạt giải phải là một bìa báo thực thụ, không phải là một poster, thể hiện xu hướng mới về đồ họa".
Giải nhất bìa "Tân Sửu an vui" của tác giả Trần Lê Thuần
Chiến thắng thuộc về bạn đọc 15 năm của Tuổi Trẻ
Kết quả, giải nhất (trị giá 50 triệu đồng) thuộc về tác phẩm của anh Trần Lê Thuần (32 tuổi, làm nghề thiết kế đồ họa, bao bì tại TP.HCM). Tác phẩm của anh là chuyến tàu chở những người dân Việt Nam về quê ăn Tết.
Tác phẩm được hội đồng giám khảo đánh giá cao vì ý tưởng và ý nghĩa, mang thông điệp thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt Nam để vượt qua khó khăn hoạn nạn, cùng nhau đón Tết an vui.
"Con tàu được cách điệu thành hình con trâu vì năm 2021 là năm con trâu. Đoàn tàu sẽ đi từ miền núi tới đồng bằng, đến mọi miền Tổ quốc. Đi đến đâu, đoàn tàu cũng mang tới niềm vui, mang tới không khí Tết. Các chi tiết như múa lân, Thần tài, bánh chưng, bánh giầy là những yếu tố quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Tôi xếp những hình ảnh này xung quanh đoàn tàu để thể hiện sự quây quần" - anh Trần Lê Thuần lý giải.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Xuân, tác giả đoạt giải nhất cho biết gia đình anh là bạn đọc thường xuyên của Tuổi Trẻ trong 15 năm nay. Mẹ anh đặt báo Tuổi Trẻ hằng ngày, anh trưởng thành cùng những trang báo.
Bốn tác phẩm đoạt giải khuyến khích thuộc về các tác giả: Phạm Quốc Hưng, Nguyễn Xuân Lam, Bùi Hoàng Hà Giao và Phạm Quang Phúc.
Cuộc thi quy tụ bạn đọc Tuổi Trẻ từ dưới 20 tuổi đến trên 70 tuổi. Mỗi thế hệ đều có cách thể hiện riêng về trình độ thẩm mỹ, phong cách sáng tạo và đều đồng hành với Tuổi Trẻ trong thời gian dài.
Thông qua cuộc thi, nhiều bạn đọc bày tỏ tình cảm dành cho tờ báo gắn bó với họ trong suốt những năm tháng qua. Có thể nói, chính tình yêu thương của bạn đọc đã cùng Tuổi Trẻ Xuân hoàn tất trang bìa năm nay. Một bạn đọc tuổi 20 chia sẻ, bạn mong muốn Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Xuân ngày càng có nhiều bạn đọc thế hệ Y và thế hệ Z.
Bà Trần Ngọc Danh cho rằng sức hút nằm ở thương hiệu uy tín của báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Xuân. Bà Ngọc Danh hi vọng cuộc thi sẽ nâng cao tầm quan trọng của báo giấy trong đời sống hôm nay, nhấn mạnh tính báo chí, thông điệp và thẩm mỹ của bìa báo xuân.
Con gái xúc động vì tranh của cha
Đến nhận giải thay cha, bạn Phạm Trần Thảo Nhi - con gái tác giả Phạm Quốc Hưng - cho biết cả hai cha con đều mê nghề vẽ, thiết kế đồ họa. Khi nghe cha báo tin vào chung khảo, cô rất vui mừng. Cô cho biết cha mình là người tuổi Sửu, tính tình rất cần cù, chịu khó.
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Quốc Hưng là hình vẽ đầu trâu với cặp sừng tạo nên trục đối xứng và dòng chữ 2021 phía trên. Tác phẩm được đánh giá cao vì sự cân xứng, cân bằng, thể hiện một năm mới vững vàng hơn.
Thảo Nhi rơi nước mắt khi xem tác phẩm vì cô hiểu rõ phong cách vẽ của cha. Cô nhận ra trong những bức tranh gần đây của cha, áp lực vất vả mưu sinh đã không còn đè nặng. Ông vẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn. "Tôi thực sự tự hào vì cha mình" - cô xúc động nói.
Thiết kế mang phong cách trẻ thơ
Điều thú vị là một trong bốn tác giả đoạt giải khuyến khích, anh Phạm Quang Phúc (sinh năm 1989) từng là giám khảo trong một cuộc thi có anh Trần Lê Thuần tham gia. Cả hai tôn trọng và đánh giá cao tác phẩm của nhau.
Anh Phạm Quang Phúc từng là biên tập viên đồ họa của NXB Kim Đồng. Do đó, anh tự nhận có phong cách vẽ và thiết kế trẻ thơ, đáng yêu, hướng về chủ đề gia đình. Bức vẽ gia đình trâu ngày Tết mang lại cảm giác ấm áp, thân tình.
Quang Phúc cho biết anh đi thi để… kiếm tiền chữa răng cho mẹ. "Các cuộc thi còn cho tôi cơ hội thoải mái sáng tạo" - anh chia sẻ.
Tác giả thế hệ Z mong Tuổi Trẻ ngày càng trẻ
Bùi Hoàng Hà Giao, tác giả sinh năm 1998, là độc giả của Tuổi Trẻ từ năm 12 tuổi. Cô gái đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa ở nước ngoài. Với kiến thức về tiếp thị của mình, cộng với tình yêu sâu thẳm dành cho tờ báo Tuổi Trẻ, cô muốn đóng góp ý tưởng cho trang bìa ngày càng trẻ trung, thu hút hơn.
Hà Giao chia sẻ về thiết kế của mình: "Bản thiết kế này lấy chú trâu, linh vật của năm 2021 làm chủ thể chính. Trâu là hình ảnh rất quen thuộc với người Việt Nam và văn hóa Việt. Trâu cùng dân ta cày cấy, là bạn của mọi nhà, hiền hòa nhưng mạnh mẽ.
Tôi kết hợp hình ảnh chú trâu mặc khố Việt Nam đang đá thế võ có tên là võ Nhất Nam, một loại võ cổ truyền, với hàm ý: Tinh thần người Việt mạnh như võ Việt, người Việt sẽ kiên cường chiến đấu với đại dịch và khó khăn hậu đại dịch".
Cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống
Tác giả Nguyễn Xuân Lam (Hà Nội) gửi gắm thông điệp về tác phẩm từ Hà Nội. Bìa báo của anh lấy cảm hứng chủ đạo từ tranh "Thất đồng" của dòng tranh Hàng Trống. Bên cạnh đó, anh sử dụng một số chi tiết cách điệu từ các tranh Đông Hồ "Chăn trâu thổi sáo", "Chăn trâu thả diều" và "Rước rồng". Anh cách tân bức tranh với hình ảnh 21 đứa trẻ ứng với Xuân Tân Sửu 2021.
Theo tác giả, tranh "Thất đồng" thường được treo trong nhà dịp Tết bởi là "lời chúc tụng con đàn cháu đống, cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, từ hình ảnh cây đào cành lá xum xuê, quả sai trĩu cành cùng bảy chú bé bụ bẫm, hồng hào đều gợi nên khung cảnh đầm ấm và tương lai tươi sáng".
TTO - "Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui…"