- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Singapore
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
Theo báo cáo của Bình Phước, năm 2020, tỉnh có 21/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%, thuộc nhóm cao của cả nước; thu ngân sách đạt 11.608 tỷ đồng, đạt 169% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5-9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 29.000 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, Bình Phước nêu một số kiến nghị như tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh làm đầu mối để triển khai khởi động các dự án giao thông kết nối liên vùng, như dự án đường cao tốc Chơn Thành-TP Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt xuyên Á, trước mắt giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép đi Chơn Thành; dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý chí vươn lên mạnh mẽ của địa phương cùng sự đoàn kết quyết tâm cao của Ban thường vụ và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước, qua đó giúp tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, với nhiều cách làm mới trong việc thực hiện triển khai các nghị quyết của Đảng, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong một năm 2020 bộn bề khó khăn của cả nước.
Thủ tướng cũng cho rằng, đến thời điểm này Bình Phước vẫn là một tỉnh nghèo, trong đó nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần phải phấn đấu vươn lên, khắc phục những tồn tại, hạn chế một cách triệt để hơn nữa, để xứng đáng với tiềm năng lợi thế của địa phương.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng đề nghị, Bình Phước cần trở thành một tỉnh tiên phong đổi mới, giàu có của vùng Đông Nam Bộ, dựa trên nền tảng nông nghiệp đa dạng, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, tập trung sản xuất, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Tỉnh phải là một địa phương có nhiều thương hiệu nông nghiệp Việt Nam nổi tiếng.
Thời gian tới tỉnh cần hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo khâu chế biến tiêu thụ, tạo giá trị gia tăng lớn, tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm năng lượng lớn của cả nước, tạo bước đột phá trong liên kết vùng, để giữ vai trò quan trọng hơn nữa trong hành lang kinh tế mới. Đi liền với đó tập trung nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông, các vấn đề về thuỷ lợi đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cũng cần tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để thực hiện 10 dự án trọng điểm đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cùng với đó nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết vấn đề lao động chất lượng cao để chính người dân địa phương được hưởng lợi từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Bình Phước chú trọng hơn nữa khâu liên kết phát triển, liên kết vùng và liên kết hạ tầng, nhất là với khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt liên kết với cảng Cái Mép-Thị Vải cũng như các sân bay. Ngoài ra, tỉnh giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Campuchia. Do đó, Cửa khẩu Hoa Lư phải giữ vai trò kết nối các tuyến du lịch quốc tế với các nước láng giềng.
Cùng với đó, với diện tích rừng, đất đai nông nghiệp lớn, Bình Phước có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái vùng Đông Nam Bộ, bảo vệ, điều hòa dòng chảy các con sông và bảo vệ nguồn tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình và phát triển rừng bền vững.
Bình Phước cũng cần bảo vệ cho được phong tục văn hóa đặc sắc các dân tộc, tạo nền tảng xã hội vững chắc, đủ sức giải quyết và đối phó với các nguy cơ về mâu thuẫn dân tộc, tệ nạn xã hội, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, các loại tội phạm, không để xảy ra những điểm nóng về an ninh nông thôn.