Ngày 13/1 vừa qua, CEO của nhà sản xuất vaccine Covid-19 Moderna, ông Stephane Bancel đã cảnh báo rằng virus corona chủng mới – thứ đã đưa nền kinh tế thế giới đi vào bế tắc như hiện nay, có thể sẽ tồn tại "mãi mãi".
Cụ thể, các quan chức y tế cộng đồng và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết nhiều khả năng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh dịch đặc hữu. Điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ xuất hiện trong cộng đồng mọi lúc, dù không nghiêm trọng như hiện tại.
Ông Stephane Bancel bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên và chia sẻ quan điểm tại Hội nghị chăm sóc sức khỏe JPMorgan: "SARS-CoV-2 sẽ không biến mất đi đâu cả. Chúng ta sẽ phải chung sống với loại virus này mãi mãi".
Theo vị CEO, quan chức y tế ở khắp nơi trên thế giới sẽ phải liên tục theo dõi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để các nhà khoa học có thể nghiên cứu và sản xuất ra vaccine ngăn chặn chúng.
Các nhà nghiên cứu của Pfizer cho biết vaccine được phát triển cùng BioNTech của họ đã tỏ ra có hiệu quả chống lại một biến thể được tìm thấy ở Nam Phi. Vaccine của Moderna đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng với người từ 18 tuổi trở lên. Những nghiên cứu bổ sung vẫn cần được hoàn thiện ở trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch có thể phản ứng với vaccine khác với người trưởng thành.
Thời điểm hiện tại, Mỹ đang chạy đua để phân phối hai loại vaccine đã được cấp phép. Tuy nhiên, sẽ mất vài tháng trước khi quốc gia này có thể tiêm chủng cho đủ số người để đạt được miễn dịch cộng đồng (virus không có đủ vật chủ mới để lây lan). Mặc dù vậy, Bancel nói rằng ông hy vọng Mỹ sẽ là một trong những nước lớn đầu tiên đạt được "sự bảo vệ đầy đủ" trước virus SARS-CoV-2.
Ngày 13/1, một nhóm nghiên cứu ở Ohio cho biết họ đã phát hiện ra hai biến thể mới có thể có nguồn gốc từ Mỹ và một trong số đó đã nhanh chóng trở thành chủng thống trị ở bang này, trong giai đoạn từ cuối tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Nga đã tìm thấy 18 biến thể của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể một nữ bệnh nhân mắc Covid-19 hơn 4 tháng qua. Việc liên tục phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không khỏi khiến thế giới lo ngại dù hàng loạt chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã được tiến hành tại nhiều quốc gia.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock đã bày tỏ sự quan ngại trước việc vaccine phòng Covid-19 có thể không ngăn ngừa hiệu quả các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Do lo ngại về biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan tại Anh, một số nước châu Âu đã áp đặt những biện pháp quyết liệt để chặn đứng đà lây lan của biến thể của virus này.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy biến thể SARS-CoV- 2 (được phát hiện đầu tiên tại Anh vào giữa tháng 12/2020) đến nay đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể tương tự được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 20 nước và vùng lãnh thổ. Cả hai biến thể đều được xác định là có khả năng lây nhiễm cao. Những điều này cho thấy cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài. Theo thống kế của Worldometer, đến nay thế giới ghi nhận hơn 92,6 triệu ca mắc, trong đó đã có trên 1,98 triệu trường hợp tử vong.
Nguồn: CNBC
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị