Khách hàng làm hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: L.ANH
Ông Phạm Quang Thanh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho hay bệnh viện ông vẫn tiếp nhận bệnh nhân từ các huyện Bắc Quang (Hà Giang), Đoan Hùng (Phú Thọ), Yên Bình (Yên Bái) chuyển đến.
"Nếu đi từ Bắc Quang về bệnh viện chúng tôi sẽ nhanh hơn lên Bệnh viện Đa khoa Hà Giang chừng 20km, người bệnh vẫn được thanh toán chi phí như đúng tuyến mà quãng đường lại nhanh hơn, có thể đó là lý do họ chọn" - ông Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, để được bệnh nhân chọn, bệnh viện phải tự đổi mới về trang thiết bị, cơ sở vật chất, danh mục kỹ thuật và thông tuyến bảo hiểm y tế chính là "cú hích" để đổi mới nhanh hơn.
"Cú hích" cho đổi mới dịch vụ y tế
Để chuẩn bị cho tự chủ tài chính và từ 1-1-2021 là thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế, ông Thanh chia sẻ Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang đã chuẩn bị từ rất lâu.
"Chúng tôi đã sửa lại khu phòng khám, đào tạo cán bộ, sẵn sàng về cơ sở vật chất, về kỹ thuật chúng tôi đã chụp được mạch vành, đặt stent tim, thay khớp gối, khớp háng, bơm ximăng sinh học vào cột sống, hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư… Những kỹ thuật này không nhiều bệnh viện tỉnh làm được" - ông Thanh cho biết.
Chính vì vậy thời điểm cuối năm thông thường không phải là thời điểm nhiều bệnh nhân, nhưng hiện mỗi ngày bệnh viện vẫn đón 750-800 bệnh nhân tới khám ngoại trú, trong khi thông thường các năm chỉ 500-600 bệnh nhân. Thông tuyến bảo hiểm y tế đã giúp những bệnh nhân ở khu vực giáp ranh đến bệnh viện điều trị với chi phí như bệnh nhân đúng tuyến.
Ông Đàm Hiếu Trung, giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết việc bệnh nhân khu vực lân cận lựa chọn đến đây một phần là do thuận lợi hơn về quãng đường. "Các bệnh viện đã phải tự đổi mới trong thời gian thực hiện tự chủ tài chính, nhưng thông tuyến cũng là cú hích để các bệnh viện đổi mới thêm, nếu không bệnh nhân sẽ đến các bệnh viện tỉnh khác có chất lượng hơn" - ông Trung nhận xét.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, cũng chung ý kiến này. Theo ông Hùng, bệnh viện ông vẫn đón bệnh nhân từ Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương đến, một phần do bệnh nhân ở gần bệnh viện này hơn là bệnh viện tỉnh họ, một phần vì những đổi mới và kỹ thuật mà bệnh viện đã thực hiện.
Bắt đầu có cạnh tranh chất lượng dịch vụ y tế
Trước 1-1-2021, bệnh nhân ở tỉnh muốn về điều trị nội trú tại bệnh viện hạng 1 của TP.HCM chỉ được thanh toán 60% phí điều trị, nhưng với quy định về thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế, bệnh nhân từ Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long… muốn chữa bệnh tại TP.HCM, hay bệnh nhân Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… muốn điều trị tại bệnh viện hạng 1 của Hà Nội đều được thanh toán chi phí như đúng tuyến.
Với quy định này, sẽ thấy rõ nếu chất lượng bệnh viện tỉnh khác cao hơn thì bệnh nhân sẽ đến đó điều trị, thay vì buộc phải chữa trị ở tỉnh nhà khi muốn được hưởng chi trả đúng tuyến.
Quy định này khích lệ các bệnh viện thay đổi nếu không muốn bệnh nhân chuyển bệnh viện khác điều trị. Bệnh viện phải tự thay đổi để thu hút, nếu không muốn đứng ngoài cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ bắt đầu manh nha hình thành.
Người bệnh còn nhầm lẫn
Nhiều người chưa hiểu rõ về quy định thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế. Có bệnh nhân không vào tuyến huyện mà lên thẳng tuyến tỉnh, bệnh nhân vất vả nhưng không được thanh toán (trường hợp bệnh nhân muốn sang tỉnh khác điều trị buộc phải khám từ bệnh viện thuộc tuyến huyện của tỉnh mình trước). Trường hợp bệnh nhân khám ngoại trú trái tuyến cũng không chi trả, vì quy định này chỉ áp dụng với điều trị nội trú…
"Cần phải tuyên truyền ngay từ tuyến xã phường để người bệnh đỡ vất vả" - ông Thanh góp ý.
TTO - Theo thông báo mới của Bảo hiểm xã hội, bệnh nhân tỉnh không cần có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tin này được nhiều bệnh nhân vui mừng đón nhận…