Những điểm sáng kinh tế năm 2020
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của trường đại học Ngân hàng TP.HCM do PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng nhóm, đã chính thức công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2020”.
Đồng thời, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trên cả nước đã trao đổi các vấn đề liên quan đến kinh tế Việt Nam năm 2020 và đánh giá triển vọng cho năm 2021.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 đã trải qua khó khăn thử thách chưa từng có: Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nước ta và tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều điểm sáng. Thứ nhất, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuy chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong thập niên 2011-2020, nhưng đây lại là con số cực kỳ ấn tượng và thuộc nhóm cao nhất toàn cầu.
Trái với sự sụt giảm trong doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì được mức tăng 6,8%, chiếm 79% tổng mức hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng nhờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh bán hàng trực tuyến.
Thứ hai, dù đầu tư toàn xã hội có sự tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 ở mức 5,7% nhưng chi đầu tư phát triển tính đến 15/12/2020 đạt 356,01 nghìn tỷ đồng, tương đương 75,65% dự toán năm, và là tỉ lệ so với dự toán cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kết quả này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.
Thứ ba, thể hiện ở thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục là 19,1 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với thặng dư thương mại năm 2019. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại, với xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Thứ tư, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng là một thành quả của nền kinh tế Việt Nam năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 2% lãi suất điều hành. Đây là mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực châu Á, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường, đẩy mạnh huy động trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức. Với các tiếp cận dựa trên các mô hình học sâu (Deep Learning), tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo ở mức 6%. Với mức tăng trưởng này, năm 2021 sẽ là năm bản lề mà kinh tế Việt Nam tận dụng thời cơ trong nguy khó, hướng đến phát triển mạnh mẽ trong 2 năm tới, khi mà thế giới phục hồi tăng trưởng trở lại.
Nền kinh tế Việt Nam phục hồi lạc quan
Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch hội đồng trường đại học Kinh tế quốc dân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, theo dự báo các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên thế giới mới nhất, nếu chọn hai chữ tiêu biểu để nói về kinh tế năm 2021 thì đó là “phục hồi”. Và, phục hồi như thế nào, phục hồi đến đâu là tùy thuộc nhiều yếu tố... Nhưng có lẽ, nền kinh tế thế giới khó phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch.
Theo tính toán của các tổ chức kinh tế thế giới, mức độ phục hồi kinh tế thế giới ước tính khoảng 4% vào năm 2021, nhưng sự phục hồi này tùy thuộc vào lộ trình thế giới kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 tốt hay không, kiểm soát đến đâu, hiệu quả vắc xin sản xuất như thế nào, triển khai đến đâu, các nước mở cửa kinh tế thế giới như trước đại dịch hay không?... Hiện, sự phục hồi các nước trên thế giới không đồng đều và có thể có nhiều kịch bản khác nhau.
“Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, là đối tác của nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á... Các nước này có nền kinh tế phục hồi không đồng đều, thường xuyên thay đổi do ảnh hưởng dịch Covid 19. Phải mất vài năm nữa các nước mới phục hồi hoàn toàn.
Từ đó, Việt Nam cần lưu ý đặc điểm không đồng đều như thế nào ở các nước này, để từ đó có chiến lược xuất khẩu phù hợp. Các kịch bản hiện nay Việt Nam đều được dự báo phục hồi trên 6% -7%, cao hơn mức trung bình các nước Đông Nam Á.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu & cạnh tranh nhận định, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo khá lạc quan. Tất cả dự báo đều cho là Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6,5 đến trên 7%.
Thậm chí, có người cho rằng có thể tăng trưởng trên 8%. Dự báo này bắt nguồn từ sức chống chịu Việt Nam 2020 vừa qua tương đối tốt. Trong đó, nền kinh tế vĩ mô ổn định, công tác chống dịch tốt, và linh hoạt từ doanh nghiệp với nền kinh tế trong ứng xử với cú sốc thiên tai đại dịch. Để nền 2021 phát triển hơn, TS Võ Trí Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục vượt khó nửa đầu năm 2021, nhất là những ngành du lịch, dịch vụ, lữ hành....
Tận dụng cuộc cách mạng kỷ nguyên số để thực hiện chuyển đổi số thành công, tiếp tục hội nhập, tiếp cận thị trường đầu tư trở thành cú hích tốt hơn, ký kết các hiệp định thương mại tự do... Tiếp đến, quá trình cải cách kinh tế Việt Nam tiếp tục hy vọng đẩy mạnh, tiếp tục hoàn thiện pháp lý, những lĩnh vực đầu tư công, Nhà nước, mở cửa chuyển dịch chuỗi cung ứng đầu tư...
Một số chuyên gia cho rằng, để nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, Chính phủ phải cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng đến nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp, từ đó giúp họ phát triển. Đồng thời, những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân cần kịp thời hơn, để đạt hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Lành