Vũ Ngọc Dũng, 29 tuổi, là một trong những chàng trai có profile khủng tại chương trình "Cơ hội cho ai?". Dũng tốt nghiệp Đại học Exeter (Anh Quốc), 3 năm liên tiếp xếp loại giỏi tại ngân hàng công tác.
Trước chủ đề tranh luận "Có người khẳng định rằng: Giới trẻ ngày nay đi làm quan tâm đến lương hơn là cơ hội phát triển", Dũng cho rằng với một bạn trẻ, lương khi bắt đầu apply vào một công việc có thể nói là rất quan trọng, nhưng đó là ngày trước.
"Khi mới ra trường, bạn khó có thể có kinh nghiệm để có một mức lương cao như bạn đang kỳ vọng. Với bản thân tôi, khi ra trường và học ở nước ngoài về, tôi có một ảo mộng. Ảo mộng rằng tôi có một profile rất đẹp, hồ sơ cũng như nền học vấn rất cao từ nước ngoài về, tôi phải được một vị trí tốt và được một mức lương tốt. Tôi đã nhầm!", Dũng tâm sự.
Ảnh minh họa.
"Muốn được nhận vào làm việc và để có một mức lương tốt, tôi phải có kinh nghiệm, có sự trải nghiệm, và áp dụng những cái mới từ nước ngoài vào những cái cũ của doanh nghiệp đó để cùng doanh nghiệp đó chuyển đổi dần dần thì mới phát triển được, chứ không thể mong muốn một mức lương cao thì đến và xin. Ảo mộng đó là nút vấp đầu tiên khi tôi về nước. Thực sự rất khó khăn với thời gian đầu khi hòa nhập với Việt Nam".
Dũng cho biết anh đã phải học hỏi rất nhiều từ mức lương thấp, sau đó đến mức lương tầm trung, mức lương khá hơn để hiểu được giá trị của đồng lương, giá trị mà mình có thể mang lại cho doanh nghiệp và giá trị của kinh nghiệm.
"Khi mình tìm một mức lương thấp, thì có nhiều cơ hội tìm doanh nghiệp hơn để có thể tìm ra doanh nghiệp phù hợp và học hỏi nhiều hơn, để có thể trong một ngày không xa, mình sẽ có một mức lương phù hợp với khả năng mình có", Dũng nói.
Để có thể xác định được đâu là môi trường phù hợp và có thể thăng tiến trong tương lai, Dũng cho biết bí quyết của anh là "nhảy việc".
Ảnh: Alo Media.
"Chúng ta đang trẻ mà apply vào vị trí nhân viên, thì không thể nào hình dung được toàn bộ bức tranh hay hệ thống vận hành của doanh nghiệp đó như thế nào. Chúng ta phải vào đó. Bạn trẻ mà, bạn có quyền thay đổi. Sau khi vào đó một vài tháng, cảm thấy môi trường không phù hợp, bạn sẽ đi. Đó là ý kiến của tôi", Dũng nói.
Khi được sếp Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc - đề nghị đưa lời khuyên cho các du học sinh mới từ trải nghiệm bản thân, Dũng nhắn nhủ các bạn du học sinh nên làm theo chính mình.
"Các bạn hãy hiểu được giá trị của bản thân mình, hiểu được những gì mình cần, mình mong muốn, và đừng chịu sự áp đặt theo suy nghĩ của gia đình. Con đường đến thành công hiện tại không bao giờ chỉ là một con đường bố mẹ định hướng".
"Khi ra khỏi nhà trường, bạn sẽ chọn một nghề, nghề đó sẽ đi theo bạn. Lúc đó, bạn sẽ thấy làm những gì bạn thích thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn rất nhiều", Dũng nhắn nhủ.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị