Pablo Picasso từng nói rằng "mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ". Thế nhưng, nhiều năm làm việc và cơ duyên được biết nhiều nghệ sĩ, tôi cũng phát hiện ra một điều dù có lẽ là rất cũ: Thực ra trong tâm hồn của mỗi nghệ sĩ đích thực cũng đều luôn tồn tại một đứa trẻ.
Với nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân, tôi thấy ở trong anh tâm hồn thơ trẻ ấy, dù anh đã có "Hơn một nửa thế kỷ/ Rút ruột chữ tơ tằm"...
Sự hồn nhiên, thơ trẻ, như "đứa trẻ" ẩn náu trong tâm hồn Huỳnh Dũng Nhân, thổ lộ khá rõ ở thơ ca, lại dường như có gì đó đối ngược với sự gan góc, "giang hồ", phóng túng của anh trong báo chí trong phóng sự.
Nhưng cả hai đều cùng điểm chung, là năng lực nhìn ra những điều khác biệt giữa vô vàn những điều tưởng như thói thường, vì "anh thế nào thì cứ thế mà đến" (Tagore). Cũng như, dù ở thơ ca hay phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân luôn trung thành lối diễn đạt với nhãn quan của chính mình, tự nhiên sống động, không rườm rà, không màu mè hoa lá, cũng không cần phải tẩm ướp gia vị cao xa.
Có lẽ vì thế mà các phóng sự của anh đã được tập hợp trong Ký sự xuyên Việt, Ăn Tết trong rừng chó sói, Tôi đi bán tôi, Kính thưa Osin… vừa đẫm chất đời, cuốn hút mọi độc giả một thời, vừa tồn tại được qua thời gian và không gian để trở thành những tác phẩm báo chí đậm chất văn học.
Tương tự, những tác phẩm thơ của anh, được ra mắt trong quãng thời gian chừng 15 năm trở lại đây, với Dã quỳ tím (2016), Tự tình với Facebook (2017), Ký ức chao nghiêng (2019) và nay là Bỗng lại hờn lại nhớ (2020) vẫn luôn ngồn ngộn chất liệu đời sống, hòa lẫn những yếu tố sự kiện, thời cuộc, những "đây đó quanh tôi" gần gũi.
Và trong tiếng reo của tâm hồn thơ trẻ trước ngồn ngộn đời sống dưới lăng kính của một gã "phu chữ" lão luyện giữa rất nhiều bộn bề câu chữ, mà đôi khi cá nhân tôi có cảm giác rất cần thêm cái phễu gạn lọc, sẽ thánh thót vang lên câu thơ hay, những tứ thơ như vỉa vàng nhú mạch giữa nguyên mỏ đá xám dày thô.
Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân
Rất nhiều câu thơ hay của một thi sĩ Huỳnh Dũng Nhân luôn phát lộ như thế.
Chia sẻ về cá nhân, bài Tự bạch, là một Huỳnh Dũng Nhân nỗi niềm:
Niềm vui lặn mà nỗi buồn lại mọc
Mặt trời mỗi ngày cứ thế vô tình.
Viết về Hà Nội của hôm nay, vùng trời thân thương, máu thịt nơi anh cùng gia đình và bạn bè đã từng "một thời mũ rơm mũ cối", Huỳnh Dũng Nhân Chạy trốn như sợ rớt lại ở ký ức mùa xưa trước ngổn ngang xa lạ:
Hà Nội bây giờ của những người khác
Hiện đại, trẻ trung, thời trang
Pha trộn
Gánh hàng rong, nón lá, mũ cối…
Mùa thu muộn.
Hay đó là câu thơ sáng lên trong nỗi u buồn thời gian:
Tháng 8 ngơ ngác vụt qua rất nhanh
Quanh tôi rất nhiều người nằm xuống
Cây nhang này vừa tàn
Cây nhang khác đã cháy lên.
(Tháng 8)
Hoặc lý giải chính các tựa đề anh chọn cho tập thơ vừa nhẹ nhàng, triết lý đời, lại muôn vàn tình:
Quen bao người thiên hạ
Yêu thương ngập kiếp người
Bỗng lại hờn lại nhớ
Đời là một mình thôi
(65 tôi).
Anh bảo: Trong 5 năm nghỉ hưu anh đã viết và biên soạn được 5 cuốn sách, cộng thêm 2 cuốn tái bản... trong khi vẫn cộng tác với các báo, đi giảng dạy và làm cố vấn cho Trung tâm báo chí của TP.HCM. Một người luôn biết nhìn lại để đi tới.
Tôi đặc biệt thích 7 đoản khúc của bài Thay lời kết.
Có những lúc nhìn lên trần nhà
Tôi thấy con thạch sùng bò ngược
Nhưng con thạch sùng lại nhìn tôi cười cợt
Thằng người kia đi ngược, lạ đời.
Vóc dáng của một Huỳnh Dũng Nhân thi sĩ với đứa trẻ trong tâm hồn luôn tự nhắc mình: "Hãy sống như ngày mai tận thế/ Cháy hết mình khao khát bao dung" và cả một Huỳnh Dũng Nhân nhà báo sắc sảo lắm, cô đơn nhiều lắm xuất hiện trong những câu thơ xuất thần.
Đôi khi, đời thi sĩ lãng mạn mộng mơ, tự tình, hờn nhớ, có lẽ chỉ cần một số câu thơ, bài thơ hay như thế, đã là xứng đáng với quãng nửa thế kỷ làm phu chữ một chiều.
Bởi thực ra vẫn luôn còn có chiều ngược lại, nơi Huỳnh Dũng Nhân đã, đang ngày càng có nhiều độc giả cũng muốn được "hờn, nhớ", muốn tìm tòi khám phá hơn nữa trong kho tàng câu chữ của anh.
40 năm cầm bút với 30 đầu sách các thể loại, anh vẫn đắm đuối "hờn và nhớ" với cuộc đời vốn rất bao la này.
Và từng ấy với anh, thế thôi, là đủ.
TTO - Câu thơ 'Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời' của tác giả Thục Linh đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2004, về sau lại được dùng làm tên sách dịch ngôn tình Trung Quốc và nổi tiếng trên mạng.
Xem thêm: mth.93772158051101202-ohn-ial-noh-ial-gnob-nahn-gnud-hnyuh-tub-mac-ihk/nv.ertiout