Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tân chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia - Ảnh: THÚY ANH
Phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Y khoa quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia là xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới đào tạo y khoa phù hợp với nhu cầu công việc hiện nay, nâng cao năng lực và trình độ nhân lực y tế tuyến cơ sở... "Đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện đào tạo y khoa" - ông Long nhấn mạnh.
Y bác sĩ phải thi mới được hành nghề
Theo ông Lê Quang Cường - phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, ý tưởng thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia đã có gần 10 năm trước nhưng có nhiều người phản đối. Năm năm gần đây bắt đầu manh nha hình thành lại ý tưởng này để thúc đẩy thành lập hội đồng.
"Đây là một tổ chức hoàn toàn mới, độc lập để báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước việc có hay không cấp chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ" - ông Cường giải thích.
Theo ông Tạ Thành Văn - chủ tịch hội đồng quản lý Đại học Y Hà Nội, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia cho thấy việc quản lý và đánh giá trước khi cho phép hành nghề ở Việt Nam gần tiến đến chuẩn mực thế giới.
Theo giải thích của các chuyên gia, trước đây người tốt nghiệp bác sĩ và điều dưỡng nghiễm nhiên được hành nghề, không cần trải qua kỳ thi đánh giá năng lực. Từ năm 2016, bắt đầu cấp chứng chỉ hành nghề nhưng chỉ căn cứ trên hồ sơ, vẫn chưa phải thi.
Tuy nhiên, Luật khám chữa bệnh sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2022, có hiệu lực vào 2023) quy định y bác sĩ phải thi năng lực mới được hành nghề. Dự kiến kỳ thi chính thức đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Những băn khoăn
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Trần Bình Giang phát biểu tại buổi ra mắt của hội đồng - Ảnh: THÚY ANH
Để đánh giá chính xác năng lực hành nghề của y bác sĩ, quốc gia nào cũng cần một mô hình để đánh giá năng lực chuyên môn. Nhiều quốc gia có hội đồng y khoa quốc gia, độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng ở Việt Nam mô hình này lại không độc lập, mà chủ tịch hội đồng là bộ trưởng Bộ Y tế, một thứ trưởng và hai cục trưởng của Bộ Y tế là phó chủ tịch hội đồng.
Chính vì thế vẫn còn những băn khoăn về "tính độc lập" khi đánh giá năng lực y bác sĩ, nhất là khi Việt Nam đang có hơn 200 trường đào tạo ngành sức khỏe, trong đó có hơn 30 trường y khoa, nhiều trường mới thành lập hoặc đào tạo y khoa gần đây theo Luật giáo dục.
Từ sự chênh lệch về chất lượng đào tạo, điểm số đầu vào đầu ra, nên người dân cũng còn băn khoăn khi giao tính mạng, sức khỏe cho y bác sĩ điều trị.
Theo ông Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong hội đồng y khoa ở Mỹ có cả đại diện của người dân. Việc có Hội đồng Y khoa quốc gia, theo ông Giang, là "có một chuẩn để dần dần bác sĩ Việt Nam không chỉ hành nghề ở Việt Nam mà còn hành nghề ở nhiều nước trên thế giới".
Xem thêm: mth.45485247151101202-is-cab-mal-coud-iom-iht-iahp-gnourt-ar-aohk-y-coh-iot-pas/nv.ertiout