Chiều 15-1, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và năm năm 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm năm 2021-2025 ngành tài nguyên và môi trường TP.HCM.
Tại hội nghị, Sở TN&MT đã có báo cáo tổng kết đánh giá tình hình công tác ngành tài nguyên và môi trường năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Nguyên Hiền, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT TP.HCM), cho biết: Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, UBND các quận, huyện cùng xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
Sở cũng triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực môi trường, các dự án vệ sinh môi trường. Các chương trình này đã góp phần kiểm soát, giảm thiểu, ngăn chặn ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.
Theo báo cáo, Sở TN&MT đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại sở cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, công tác quản lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi phương tiện thu gom, hạ tầng kỹ thuật cho việc chất thải rắn chưa hoàn chỉnh. Chất lượng vệ sinh môi trường tại một số trạm trung chuyển, điểm hẹn chưa đạt yêu cầu.
Liên quan đến việc chuyển đổi công nghệ của các nhà máy xử lý rác sinh hoạt, hiện nay tiến độ đầu tư chuyển đổi công nghệ của các đơn vị xử lý rác còn chậm do một số thủ tục pháp lý vẫn còn đang được bổ sung hoàn thiện, trong đó một số thủ tục pháp lý không thuộc thẩm quyền của TP.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Thay mặt UBND TP.HCM, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận và biểu dương những thành quả đạt được của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề quản lý rác thải, ông Lê Hòa Bình cho biết: Mặc dù chúng ta đã xóa được nhiều điểm đen về rác thải, nhưng cũng cần có giải pháp để duy trì.
Ông cho hay: Chúng ta đã xóa được nhiều điểm đen về rác thải nhưng xóa rồi liệu có trở lại hay không? Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao vừa xử lý, vừa tuyên truyền vừa vận động và cần có giải pháp xử lý.
"Chúng tôi nhận thức rằng, rác thải phải là nguồn tài nguyên để tạo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chúng ta cần thực hiện phân loại rác tại nguồn để thực hiện đốt rác phát điện. Đốt rác phát điện là một giải pháp công nghệ mà có thể đáp ứng được ba nhiệm vụ là không tốn đất chôn lấp, cung cấp nguồn năng lượng cho quốc giá và bảo về môi trường. Cho đến một lúc nào đó chúng ta phải nhận thức rằng rác là một trong những nguồn tài nguyên” - ông nói.
Theo đó, ông Lê Hòa Bình chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan cần tập trung quản lý môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiểm soát các nguồn thải lớn. Các đơn vị cần quản lý tốt hệ thống thu gom rác thải, tiếp tục vận động các đường dây rác dân lập còn lại vào hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp đảm bảo tỉ lệ 100%, thực hiện tốt việc vận động người dân phân loại rác tại nguồn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, đánh giá cao những kết quả mà ngành TN&MT TP.HCM đã đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Việc giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực còn trễ hẹn do nhiều nguyên nhân khách quan; Công tác phối hợp trong triển khai, cụ thể hóa các quy định pháp luật hiện hành thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường liên tỉnh còn hạn chế, chưa đồng bộ…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, ông Nhân đề nghị: Cần tập trung xây dựng kế hoạch, tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đề xuất nội dung xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi. Ông Nhân đề nghị Sở TN&MT rà soát, tham mưu hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến việc quản lý chất thải rắn; công bố và triển khai Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và trình UBND TP phương án chuyển đổi công nghệ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, trong đó ưu tiên các công nghệ tái chế, xử lý chất thải, hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp (ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện). |