Phó thủ tướng yêu cầu giám sát y tế khép kín, không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nhiễm bệnh nào như đã từng xảy ra - Ảnh: ĐÌNH NAM
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chiều 15-1, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo cho biết Hệ thống quản lý thông tin về dịch COVID-19 và thông tin về những người nhập cảnh (Hệ thống) đã được hoàn thiện, bắt đầu thực hiện quy trình giám sát y tế khép kín.
Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và hàng không để về nước. Tất cả trường hợp này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu.
Từ đó, lực lượng phòng chống dịch bệnh trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón - đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung và sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
"Hệ thống thông tin đã hoàn thiện và trở thành một vòng giám sát y tế khép kín. Tôi đề nghị phải tập huấn kỹ, không để lọt thêm bất kỳ một trường hợp nhiễm bệnh nào như từng xảy ra. Đồng thời, dứt khoát không để xảy ra tình trạng người nhập cảnh về đến sân bay mới phát hiện chưa khai báo y tế, gây ùn tắc tại sân bay", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tại Việt Nam, đây là thời điểm gần tới Tết Nguyên đán và sự kiện quan trọng của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy, từ rất nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ giữ an toàn chống dịch nói chung và đặc biệt trong thời kỳ cao điểm hiện nay.
Theo đó, Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng trước sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chủ trương chung là hạn chế tối đa các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam, chưa tính toán đến việc khôi phục các chuyến bay thương mại.
Ban Chỉ đạo thống nhất là với các chuyến bay giải cứu, công dân, chuyên gia vào Việt Nam phải được cách ly và đặc biệt là quản lý sau thời gian cách ly nghiêm ngặt, với tinh thần cảnh giác cao nhất khi chưa có những nghiên cứu và kết luận cụ thể về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, một số chuyến bay từ các vùng đã xuất hiện biến thể mới của virus sẽ phải kéo dài thời gian cách ly tập trung.
Đặc biệt, những trường hợp trước đây có quy định có thể cách ly dưới 14 ngày thì hiện nay phải cách ly tối thiểu 14 ngày. Các lực lượng y tế và quân đội sẽ xem xét cụ thể những trường hợp người ở nước ngoài về và có thể quyết định cách ly trên 14 ngày. Thực tế vừa qua, đã có những trường hợp sau 14 ngày cách ly vẫn xác định ca dương tính với virus SARS-CoV-2 - Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Miễn phí cách ly tập trung với người nhập cảnh qua đường bộ
Đối với vấn đề nhập cảnh qua đường bộ, Ban Chỉ đạo đề nghị các trường hợp nhập cảnh hợp pháp vẫn phải tuân thủ cách ly tập trung và ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp. "Trong mọi trường hợp, người Việt Nam nhập cảnh qua đường bộ và được cách ly tại các khu cách ly tập trung của quân đội thì không phải đóng phí" - Ban Chỉ đạo khẳng định.
Để ngăn chặn triệt để nhập cảnh bất hợp pháp bằng đường bộ, gần đây xuất hiện nguy cơ từ đường biển, đường thủy, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngoài việc tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an…, chính quyền cơ sở cần tích cực tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì phải động viên những người này thực hiện khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly.
Trường hợp, người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho bà con ngư dân để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hay có người đi nhờ thuyền về thì lập tức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và thông tin ngay cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương từ trên thuyền.
"Đây là trách nhiệm phòng chống dịch cho toàn cộng đồng. Nếu cá nhân nào lơ là thì vô hình trung sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và có thể gieo rắc mầm bệnh trong cộng đồng. Tôi đề nghị chúng ta phải làm rất chặt", Phó thủ tướng yêu cầu.
TTO - 'Tôi xin nhắc lại, chỉ công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết', người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh về tình hình đưa công dân Việt Nam về nước dịp Tết Nguyên đán.
Xem thêm: mth.13762100251101202-iod-nauq-os-oc-o-yl-hcac-ihp-neim-coud-ob-gnoud-auq-hnac-pahn/nv.ertiout