Sự thiếu hụt chip đã khiến giá một số chất bán dẫn tăng lên, các đặt hàng bị chậm trễ và các nhà sản xuất ôtô gián đoạn sản xuất. Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, người tiêu dùng có thể thấy các đơn hàng ôtô và một số thiết bị điện tử có thể chậm hơn, với giá cao hơn.
Tình hình cũng dẫn đến nhiều biến động trong ngành bán dẫn gần đây. Intel tuần này đã sa thải Giám đốc điều hành Bob Swan vì sự chậm trễ sản xuất. Trong khi đó, Qualcomm tung 1,4 tỷ USD mua lại công ty khởi nghiệp chip Nuvia (Mỹ), do các cựu kỹ sư Apple sáng lập.
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, hôm 14/1 cho biết đang làm việc với ngành công nghiệp xe hơi để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Giám đốc điều hành C.C. Wei cho biết khách hàng của họ có khả năng tăng tích trữ chip để tránh thiếu hụt trong tương lai. TSMC đang tăng đầu tư vốn lên ít nhất 47% trong năm nay kể từ năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia - công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ theo giá trị và NXP Semiconductors NV - nhà cung cấp chip ôtô, công nghiệp và truyền thông của Hà Lan, cũng đang chịu tác động bởi khan hiếm nguồn cung.
Nhu cầu về máy tính xách tay đã tăng vọt bởi xu hướng làm việc từ xa. Kỷ nguyên Covid-19 cũng làm tăng nhu cầu với các dịch vụ điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu. Trên hết, nhu cầu về chip dành cho điện thoại 5G mới tăng vọt, khiến năng lực sản xuất bị hạn chế. Ngoài ra, những hạn chế của Mỹ đối với Huawei khiến các đối thủ cạnh tranh cố gắng giành thị phần.
Nvidia đang phải đối mặt với một loạt thách thức khác. Nhu cầu về chip của họ nóng đến mức vượt quá khả năng tăng sản lượng. Các nhà sản xuất ôtô và điện tử tiêu dùng đang giành nhau để xí phần đặt hàng của các nhà máy chip chất lượng.
Khách mua chip thường phải đặt trước số lượng lớn một khoảng thời gian nhất định, và thời gian chờ đang kéo dài. Elsie Neoh, Giám đốc hàng hóa tại nhà phân phối linh kiện điện tử Fusion Worldwide, cho biết thời gian chờ toàn ngành đã tăng lên đến 6 tháng, so với mức 8-10 tuần hồi trước đại dịch.
Stephen Oliver, một giám đốc tại Navitas Semiconductor, chuyên cung cấp chip dùng cho bộ sạc điện thoại, cho biết công ty ông không gặp phải những gián đoạn lớn, nhưng một số đơn vị đã phải vật lộn với thời gian từ 26 tuần trở lên.
Sự gia tăng nhu cầu dự kiến thúc đẩy doanh số cho các nhà sản xuất chip theo hợp đồng, vốn chiếm thị phần chính trong ngành bán dẫn thế giới. Doanh số dự kiến tăng 6% trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục. TSMC đang chạy khoảng 90% công suất cho các chip tiên tiến nhất của mình, theo hãng phân tích TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc
Globalfoundries, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn có trụ sở tại Mỹ, đang tăng gấp đôi vốn đầu tư trong năm nay so với 2020 để mở rộng công suất, theo Mike Hogan, Phó chủ tịch cấp cao của công ty.
Tình trạng thiếu chip diện rộng tác động không nhỏ lên ngành xe hơi, vốn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nguồn cung do gián đoạn sản xuất bởi Covid-19. Trung Quốc, nơi nhu cầu phục hồi sớm, là một trong những thị trường đầu tiên cảm thấy áp lực. Và ngành công nghiệp xe hơi là một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng.
Ford cho biết sẽ ngừng hoạt động một nhà máy ở Kentucky trong tuần này vì thiếu chip. Tháng trước, General Motors đã yêu cầu các nhà cung cấp dự trữ lượng chip đủ dùng trong một năm. Nhiều nhà sản xuất ôtô đã thay đổi kế hoạch sản xuất cho đến hết tháng 1/2021. Toyota dự kiến tình trạng thiếu xe có thể tiếp tục diễn ra trong suốt mùa xuân.
NXP, một nhà cung cấp chip lớn cho ngành công nghiệp ôtô, nói với khách hàng vào tháng 11/2020 rằng họ thấy "thiếu hụt nghiêm trọng" chip và cho biết sẽ tăng giá tất cả sản phẩm.
Steve Sanghi, Giám đốc điều hành Microchip Technology, cho biết hôm 19/1 rằng lượng hàng đặt trước của công ty ở mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực. Thời gian giao hàng một số sản phẩm là 40 tuần hoặc hơn, và công ty cũng định tăng giá.
Ông Puhakka của VLSIresearch cho biết, ngành công nghiệp ôtô phải chịu trách nhiệm về việc không đặt hàng đủ sớm với dự đoán nhu cầu phục hồi. Khi việc sử dụng chip trên ôtô ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu về các hệ thống giải trí mạnh mẽ hơn và các chức năng hỗ trợ người lái.
Không có cách nào khắc phục được nhanh chóng tình hình này. Việc bổ sung máy móc sản xuất chip mới có thể khá tốn kém và mất thời gian. "Hiện toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn có rất ít công suất dự phòng. Chúng ta đang có một năm đầu tư kỷ lục và nhu cầu tiếp tục tăng", Risto Puhakka, Chủ tịch của VLSIresearch, một công ty phân tích ngành, cho biết.
Cùng với đó, trong nhiều trường hợp, tình trạng thiếu hụt chip không phải ở công nghệ tiên tiến, mà là những loại chip sử dụng quy trình sản xuất cũ hơn và rẻ hơn, vốn không được các nhà sản xuất mặn mà đầu tư nhiều nữa.
Cụ thể, các nhà sản xuất chip đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất để tạo ra chip hiện đại hơn, lợi nhuận cao hơn. Nhưng vấn đề là, họ không bắt kịp với việc mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu vẫn đang tăng đối với các các loại chip sản xuất trên tiêu chuẩn tấm bán dẫn silicon (silicon wafer) cũ hơn.
Ngành công nghiệp chip cảnh báo rằng tình hình sẽ không được giải quyết trong ngắn hạn. Bruce Kim, Giám đốc điều hành SurplusGlobal, nhà môi giới Hàn Quốc về thiết bị sản xuất bán dẫn đã qua sử dụng, cho biết hầu hết nhà sản xuất chip theo hợp đồng sử dụng tấm silicon thế hệ cũ đã kín đơn hàng cho đến cuối năm nay. Ông nói, sự thiếu hụt chip có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2022.
Nvidia cũng cho rằng sẽ tốn thời gian để khắc phục các vấn đề. "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy những cải thiện, nhưng sẽ mất một vài tháng để chúng tôi ổn định nguồn cung tổng thể so với nhu cầu", Giám đốc tài chính Colette Kress, nói.
Phiên An (theo WSJ)