Ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin là một chương trình trọng điểm do Ban chỉ đạo ngầm hóa của TP.HCM chỉ đạo và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) được giao là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện. Chương tình này nhằm đảm bảo an toàn điện, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội và nâng cao mỹ quan đô thị.
Đảm bảo an toàn cung cấp điện
Ông Bành Đức Hoài, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết đơn vị đã triển khai xây dựng đề án “Ngầm hóa lưới điện TP.HCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020”. Đề án này được UBND TP thông qua và chính thức triển khai từ tháng 5-2011.
Công tác ngầm hóa được triển khai vào ban đêm. Ảnh: CTV.
Đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giám sát trực tiếp của UBND TP.HCM nên tạo được sự phối hợp nhuần nhuyễn, xuyên suốt giữa các bên. Từ đó, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác ngầm hóa trên địa bàn TP.
Tính đến thời điểm hiện tại, EVNHCMC đã phối hợp cùng các chủ đầu tư cáp viễn thông như: Viettel, VNPT, FPT, SCTV,… thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế.
Giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế. Đồng thời, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP liên tục tăng từ 25% (năm 2011) lên 32% (năm 2015) và đạt 45% (tính đến tháng 9-2020, vượt xa kế hoạch đề ra là 35%).
Theo đó, đã hoàn tất cải tạo ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường chính trong khu vực nội thành, các tuyến đường liên quận và hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại tất cả các tuyến đường có tên trong khu vực trung tâm TP thuộc quận 1 và quận 3. Khu vực nội thành gồm các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp có tỉ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt tỷ lệ 60%. Lưới điện, dây thông tin trong các dự án giao thông cải tạo sửa chữa mở rộng đường được thực hiện ngầm hóa đồng bộ.
Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2020, các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin được thực hiện hoàn tất đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao mỹ quan đô thị TP. Hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại. Từ đó, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới
Ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM chia sẻ trong quá trình triển ngầm hóa lưới điện, EVNHCMC cũng như các đơn vị phối hợp vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, tồn tại cần được tập trung tháo gỡ trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, rất nhiều tuyến đường có vỉa hè chật hẹp, không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Một số tuyến khác thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí nhiều hệ thống hạ tầng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị.
Ngoài ra, một số hộ dân không muốn lắp đặt các trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà, dẫn đến việc thương lượng, thỏa thuận kéo dài, làm chậm tiến độ chung của dự án.
Chính vì điều đó, EVNHCMC rất mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt giữa các Sở Ban ngành TP và sự đồng thuận của người dân để tạo điều kiện cho công tác ngầm hóa thời gian tới được triển khai thuận lợi.
Các đơn vị phối hợp, xem bản vẽ trước khi thi công. Ảnh: CTV.
Ông Bành Đức Hoài cho biết trong giai đoạn 2021 – 2025, EVNHCMC đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Ngầm hóa dứt điểm các tuyến đường liên quận và đã thực hiện ngầm hóa 1 số cung đoạn, các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm hành chính, các tuyến đường chính đã được quy hoạch ổn định của các quận, huyện. EVNHCMC cũng hoàn tất các dự án có trong danh mục ngầm hóa khởi công giai đoạn trước và các dự án tái bố trí lưới điện ngầm đồng bộ với các dự án nâng cấp, mở rộng đường, các hạ tầng kỹ thuật khác (viễn thông, cấp, thoát nước…).
Khi thực hiện xây dựng mới, EVNHCMC phát triển lưới điện khu vực nội thành ưu tiên đầu tư lưới điện ngầm đồng bộ với các dự án ngầm hóa lưới điện. Trong đó hướng tới các chỉ tiêu cụ thể như sau: Khối lượng thực hiện ngầm hóa đạt 500 km lưới điện trung thế (bình quân 90 km/năm), 800 km lưới điện hạ thế (bình quân 150 km/năm). Tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế đạt từ 50-60%. Tỉ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế đạt từ 35% đến 40%, trong đó khu vực Trung tâm TP đạt tỷ lệ ngầm hóa 80%.
Các dự án cải tạo ngầm hóa lưới điện được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch sẽ góp phần giúp EVNHCMC đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của TP vào năm 2025 với tổng công suất khoảng 7.000 MW; sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 36,4 tỉ kWh với tăng trưởng bình quân 6,8 ÷ 7,1%/năm. Từ đó tiến tới đạt được mục tiêu phát triển ngang tầm các Công ty Điện lực của các nước phát triển trên thế giới.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ thực hiện ngầm hóa như thực hiện cách mạng bằng cách thay cái cũ bằng cái mới. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP.
“Đã là cuộc cách mạng thì làm điều gì cũng khó khăn song đây cũng là kinh nghiệm để chúng ta đầu tư và phát triển trong thời gian tới. Thông qua công tác ngầm hóa đã mang lại ưu điểm vượt trội, chất lượng điện được nâng cao rõ rệt. Đồng thời giảm thiểu các sự cố về điện, tạo ra nguồn điện ổn định, không bị gián đoạn.
Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa với nhiều con đường nhỏ, tuyến hẻm, tôi đề nghị các đơn vị nghiên cứu cần có sự chuẩn bị chu đáo. Trong đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo ngầm hóa và các đơn vị cần trao đổi thường xuyên để mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.