Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến cắt ngang đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Đồ họa: TTO
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công văn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai với nội dung kiến nghị liên quan hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Theo Bộ GTVT, trước đây do dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP), do địa phương huy động vốn đầu tư thực hiện. Vì vậy Bộ GTVT không xây dựng nhu cầu vốn cho dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ.
Trong quá trình triển khai lập báo cáo tiền khả thi, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nêu các khó khăn trong trường hợp giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án. Vì vậy, ngày 23-10-2020, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư điều chỉnh lại dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT.
Trong đó bổ sung dự kiến nguồn ngân sách nhà nước tham gia dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bố trí qua Bộ GTVT khoảng 6.770 tỉ đồng.
Đến ngày 4-11-2020, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có văn bản ghi nhận đề xuất của Bộ GTVT. Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng thông báo sẽ xem xét, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và phụ thuộc vào khả năng cân đối.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương và ý kiến Bộ ngành liên quan, ngày 7-12-2020, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền thực hiện rà soát, cập nhật trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định. Sau khi có kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư cụ thể, Bộ GTVT sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong đó Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối đối với phần vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ dự án”, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết.
Tháng 10-2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tờ trình gửi Thủ tướng bổ sung một số nội dung về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Thủ tướng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tổ chức thực hiện dự án. Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Thủ tướng, dự án dài 53,7km với điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa (quốc lộ 56).
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đề xuất đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, quy mô 4 - 6 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 - 34,5m tùy theo từng đoạn. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 19.012 tỉ đồng (chi phí xây dựng 9.115 tỉ đồng, chi phí giải phóng 5.985 tỉ đồng).
TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 2 dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công không có nhà đầu tư.