Ngày 16.1, tại hội nghị Đà Nẵng tổng kết thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020, ông Nguyễn Đắc Bình – Chủ tịch Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần tính đến việc xây dựng thương hiệu hàng Việt cho các sản phẩm đặc trưng địa phương. Bởi khi có chất lượng và thương hiệu thì tự khắc người tiêu dùng sẽ tìm tới sản phẩm.
Ông Bình chỉ ra rằng xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia là một trong những công cụ giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Vậy nên, chúng ta nên có suy nghĩ ngược lại một chút là cần tìm ra các sản phẩm đặc trưng, đạt được các tiêu chuẩn và tạo thương hiệu. Từ đó, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng sẽ sử dụng hàng Việt Nam.
“Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam cũng là khát vọng của người dân Việt Nam, của mọi doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt chất lượng cao để phát triển kinh tế tự cường trong điều kiện hội nhập quốc tế” – ông Bình nêu ý kiến.
Từ nhận định trên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề nghị, để xây dựng thương hiệu Việt cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua sản phẩm song hành cùng với phát triển thương hiệu điểm đến du lịch.
Các tỉnh thàmh cần xây dựng chiến lược cho sản phẩm địa phương bằng cách mỗi địa phương cần xác định lĩnh vực, sản phẩm chủ lực dựa trên những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như: du lịch, ẩm thực, giải trí; đổi mới sáng tạo…
Sản phẩm nổi tiếng sẽ có khả năng kéo theo sự quan tâm của công chúng đến nơi sản sinh ra nó, khiến người ta yêu mến tất cả những gì thuộc về nơi này. Đây cũng chính là gợi ý cho việc dùng các sản phẩm có sẵn tiếng tăm để xây dựng thương hiệu địa phương.
Ngoài việc truyền thông về sản phẩm và thương hiệu, doanh nghiệp cần đảm bảo tính xác thực đối với thông tin, sản phẩm; trong đó, doanh nghiệp chú trọng sự xác thực thông qua trải nghiệm khách hàng được xem là quan trọng nhất.
Việc tham gia những chương trình truy xuất nguồn gốc, tổ chức tập thể, xây dựng thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận và những xác thực của các tổ chức độc lập thường có giá trị cả về pháp lý bên cạnh những giá trị cảm nhận từ phía khách hàng.
Hiện nay rất nhiều tổ chức và chính quyền đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận, hoạt động truy xuất, chứng thực cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện đúng hướng các chiến lược về thương hiệu - từ việc xây dựng lại hệ thống nhận diện thương hiệu, đổi mới và nâng cấp hình ảnh logo và các thông điệp theo hướng chuyên nghiệp và chuyên sâu.
Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu thì các cơ quan liên quan cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất những mặt hàng có tỷ lệ giá trị thặng dư cao, mẫu mã đa dạng để tăng sức cạnh tranh và không lệ thuộc các thị trường nước ngoài, lồng ghép các nội dung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam và khách hàng toàn thế giới…