Chính sách tiền tệ tạo động lực cho tài khóa
Phạm Minh
(TBKTSG) - Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng. Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công cụ chính sách tài khóa với kết quả là bội chi ngân sách gia tăng. Việc duy trì các gói tài khóa mở rộng có hỗ trợ không nhỏ từ động thái giảm lãi suất từ chính sách tiền tệ.
Ngân sách thu ít hơn nhưng phải chi nhiều hơn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu thu ngân sách, thu nội địa từ đầu năm đến thời điểm 15-12-2020 đạt 1.101.600 tỉ đồng; thấp hơn mức 1.146.200 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy dịch bệnh làm giảm thu nhập của cả nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm nguồn thu thuế cũng như thu nội địa - nguồn thu chủ lực trong cơ cấu thu ngân sách.
Ngoài ra, cần kể thêm gói giảm, gia hạn thời gian nộp thuế cũng làm ngân sách hụt đi nguồn thu chính này và gây áp lực lên thâm hụt ngân sách tại nhiều thời điểm. Tính từ đầu năm tới thời điểm 15-12-2020, tổng thu ngân sách đạt 1.307.400 tỉ đồng, thấp hơn 106.900 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tương đương với mức giảm 7,6%, trong khi cuối năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 11,1%.
Năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 324.351 tỉ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2019 và gấp 1,25 lần kế hoạch đề ra ban đầu. Để phát hành thành công lượng lớn TPCP này có đóng góp không nhỏ từ chính sách tiền tệ với các đợt cắt giảm lãi suất phân bổ đều trong cả năm. Bởi lẽ biến động lợi suất TPCP phản ánh kỳ vọng về lãi suất điều hành. |
Về phía tổng chi, lũy kế từ đầu năm tới ngày 15-12-2020 ghi nhận mức chi lớn hơn 116.100 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 8,8%, trong khi cuối năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng gần 3,5%.
Tổng chi tăng xuất phát từ việc tăng chi thường xuyên và đẩy mạnh chi đầu tư. Trong đó, cần kể tới gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị định 42/NĐ-CP có quy mô theo dự kiến gần 62.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong cơ cấu tổng chi có ghi nhận đà tăng mạnh của chi đầu tư, chiếm gần 25%. Chi đầu tư tăng mạnh theo chủ trương của Chính phủ như một biện pháp kích thích tăng trưởng thông qua chính sách tài khóa.
Có thể thấy, đồ thị biểu hiện chi đầu tư công dốc mạnh, thể hiện đà tăng đáng kể từ tháng 3 tới hết năm. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến hết ngày 15-12 chi đầu tư đạt 356.000 tỉ đồng, cao nhất trong năm năm qua và tăng 109.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tương đương mức tăng mạnh 44,3%. Tăng chi đầu tư công góp phần cải thiện tăng trưởng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lũy kế từ đầu năm tới thời điểm 15-12-2020 ngân sách bội chi 125.100 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận thặng dư gần 98.000 tỉ đồng. Tình trạng thâm hụt có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tháng 5-2020, giai đoạn ghi nhận thâm hụt thường xuyên cao khoảng từ tháng 8 đến tháng 12. Đây cũng là giai đoạn Chính phủ tung các gói gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời giải ngân đầu tư công cũng tăng mạnh.
Hạ lãi suất thúc đẩy nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ
Tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là biện pháp cần thiết để tài trợ thâm hụt ngân sách đang trong tình trạng gia tăng. Năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 324.351 tỉ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2019 và gấp 1,25 lần kế hoạch đề ra ban đầu. Để phát hành thành công lượng lớn TPCP này có đóng góp không nhỏ từ chính sách tiền tệ với các đợt cắt giảm lãi suất phân bổ đều trong cả năm. Bởi lẽ biến động lợi suất TPCP phản ánh kỳ vọng về lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ba lần giảm mạnh bộ lãi suất, với mức giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm các mức lãi suất cho vay, kéo theo đà giảm của lợi suất TPCP và đẩy giá TPCP tăng, đã thúc đẩy dòng tiền chuyển vào kênh đầu tư này nhiều hơn, giúp Kho bạc Nhà nước dễ huy động vốn với chi phí thấp hơn. Như vậy, có thể nói chính sách tiền tệ năm vừa qua đã góp phần hỗ trợ tài khóa trong việc huy động vốn để tài trợ thâm hụt và đẩy mạnh đầu tư công. Ngoài ra, chúng ta có thể nhìn nhận sự việc này theo hai điểm như sau:
Một là, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn ngân hàng suy giảm, dòng vốn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, biểu hiện qua lãi suất liên ngân hàng giảm về mức thấp kỷ lục, việc hạ lãi suất điều hành giúp kéo dòng tiền sang kênh TPCP, tạo vốn để Chính phủ thực hiện các gói mở rộng tài khóa.
Hay nói cách khác, việc hạ lãi suất điều hành giúp phân phối lại dòng tiền, giúp dòng vốn chảy sang các kênh đầu tư có thể mang lại hiệu quả lớn hơn cho nền kinh tế, giảm thiểu việc ứ đọng vốn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế. Ngoài ra, nó cũng mang lại doanh thu đáng kể từ việc kinh doanh TPCP cho các ngân hàng - đối tượng mua TPCP chính, giúp cải thiện lợi nhuận và tăng trưởng của khu vực tài chính, ngân hàng. Năm 2020, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,78%, hơn đáng kể so với mức tăng chung của cả nền kinh tế.
Điểm thứ hai là việc hạ lãi suất của NHNN không đi kèm bơm tiền qua nghiệp vụ mua TPCP theo cả hình thức mua hẳn và mua kỳ hạn. Khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), những ngân hàng trung ương thường xuyên mua TPCP trong các gói nới lỏng định lượng, NHNN không tung các gói mua TPCP quy mô lớn nào do lạm phát của Việt Nam tương đối cao và đã có diễn biến tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2020.
Kênh cho vay các ngân hàng trên thị trường mở thông qua mua kỳ hạn TPCP năm qua hầu như cũng không có số dư do thừa vốn. Như vậy, nếu coi tài khóa là chính sách hiệu quả cải thiện tăng trưởng trong năm 2020, thì chính sách tiền tệ đã gián tiếp góp sức, tạo động lực cho tài khóa mà không phải in thêm bất cứ đồng tiền nào để trực tiếp mua TPCP, hạn chế được rủi ro lạm phát.
Dĩ nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc NHNN không bơm thêm tiền trong năm qua, vì NHNN có thể đưa nội tệ vào thị trường qua nhiều kênh tài sản khác nhau.
Chính sách tiền tệ đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tài khóa trong năm 2021
Với các điều kiện vĩ mô như tỷ giá đang khá ổn định, thiên về xu hướng giảm do dòng đô la Mỹ vào Việt Nam tăng cao, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đô la Mỹ) liên tục giảm; lạm phát được kiềm chế; lập trường sẽ duy trì lãi suất mục tiêu cho đô la ở mức thấp trong nhiều năm của Fed, thì NHNN đang có điều kiện để duy trì lãi suất thấp như năm ngoái, nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Việc duy trì lãi suất thấp, hoặc không tăng lãi suất điều hành, sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường TPCP. Kho bạc Nhà nước có thể tiếp tục huy động được nguồn vốn với chi phí thấp để mở rộng chi đầu tư, đồng thời giảm áp lực trả nợ cho ngân sách trong tương lai. Năm 2020, chi trả nợ và lãi trong cơ cấu chi ngân sách đạt gần 98.800 tỉ đồng, tương đương tới 30,5% mệnh giá TPCP phát hành được trong năm. Chi trả lãi và gốc nợ đáo hạn sẽ gia tăng trong tương lai do hệ quả từ các gói phát hành TPCP lớn trong quá khứ.
Xem thêm: lmth.aohk-iat-ohc-cul-gnod-oat-et-neit-hcas-hnihc/826213/nv.semitnogiaseht.www