Hiểu thế nào là trường hợp “đặc biệt”?
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 15 đã “thông qua nhân sự là ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao”.
Không quá bất ngờ nếu người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ Đại hội XII là trường hợp “đặc biệt” được Bộ Chính trị, Trung ương giới thiệu tái cử ở Đại hội XIII. Bởi trong nhiều hội nghị gặp gỡ Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, cử tri đã bày tỏ mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ trọng trách thêm nhiệm kỳ nữa vì uy tín rất cao cả trong Đảng, trong nhân dân ở nhiệm kỳ thứ hai…
Về trường hợp “đặc biệt”, PGS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: “Đặc biệt” được nêu rõ trong Kết luận 75 của Trung ương về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành tháng 5-2020, sau Hội nghị Trung ương 12.
Theo đó, có hai căn cứ để xác định trường hợp “đặc biệt”: Người có phẩm chất, năng lực uy tín nổi trội; căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của lĩnh vực, vị trí cụ thể.
“Để đi đến quyết định này, Bộ Chính trị đã phải chuẩn bị rất kỹ với nhiều vòng, nhiều lượt thăm dò, lấy ý kiến Trung ương, rồi thảo luận, thống nhất cao mới trình ra Hội nghị Trung ương 15 quyết định” - ông Thông nói.
Còn theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản - cơ quan lý luận của Trung ương Đảng, thì việc giới thiệu nhân sự Tổng bí thư khóa tới, Hội nghị Trung ương 15 phải cân nhắc rất kỹ lưỡng tình hình toàn Đảng, nhất là những gì đã trải qua, bộc lộ ở nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ giai đoạn tới.
TS Nhị Lê nói: Thứ nhất, về tính chất, nhiệm kỳ khóa XII là sự tiếp tục chuẩn bị những điều kiện căn bản của quốc gia để đi đến mục tiêu năm 2030, năm 2045. Việt Nam đã vào nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, 11 trong 16 nền kinh tế tăng trưởng dương trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Cho nên nhân sự trụ cột quốc gia phải bảo đảm sự liên tục về lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.
Thứ hai, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đặc biệt là nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng cũng cần bảo đảm sự liên tục, không đứt đoạn, không chùng xuống… Chỉ trong một nhiệm kỳ mà riêng Bộ Chính trị đã một người bị xử lý hình sự, hai người bị kỷ luật; cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải xử lý tới 110 người.
Thứ ba, nhân dân vui mừng với kết quả ấy nhưng chưa hài lòng, tin tưởng nhưng chưa tuyệt đối. Uy tín của Đảng với nhân dân, với quốc tế lên cao nhưng cần tiếp tục củng cố để bền vững hơn. Điều đó cho thấy nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng còn rất nặng nề.
“Thực tiễn ấy đòi hỏi việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là cán bộ tầm chiến lược, rường cột như tứ trụ phải rất thận trọng” - TS Nhị Lê nói.
“Đường lối đúng đã có thì nhân tố quyết định là công tác cán bộ. Nhưng bản thân sự chuẩn bị của Ban chấp hành Trung ương mà rường cột là Bộ Chính trị gặp không ít khó khăn, thiếu nguồn lực lượng.
Trong một nhiệm kỳ, ngoài số ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, kỷ luật như thế còn có một đồng chí mất khi đang giữ trọng trách, một ốm bệnh đến mức không thể tiếp tục làm nhiệm vụ. Vậy thì cần có quyết định phù hợp để tiếp tục chuẩn bị nhân sự chủ chốt không chỉ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII mà cả các nhiệm kỳ tiếp theo” - TS Nhị Lê nêu.
Xem thêm: lmth.701269-gnad-el-ueid-av-iiix-aohk-tohc-uhc-oad-hnal-us-nahn/us-ioht/nv.olp