Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người cao tuổi - Ảnh: AFP
Chắc chắn là có những người phải bị phản ứng phụ, nhưng vắcxin là con đường đáng tin cậy nhất để thoát khỏi đại dịch này. Không thể nào có nguy cơ bằng 0 được.
Benoît Barbeau (nhà virus học, giáo sư ĐH Québec, Canada)
Ngày 5-1, Cơ quan Dược phẩm Na Uy đã thông báo về việc hai người tử vong sau khi được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở nước này. Thông báo nêu rõ: "Ngày 5-1, chúng tôi nhận được báo cáo về hai trường hợp tử vong xảy ra vài ngày sau khi tiêm chủng".
Chính quyền Na Uy tiêm chủng cho người dân bằng loại vắcxin của Pfizer/BioNTech, bắt đầu từ ngày 27-12-2020. Nhà dưỡng lão ở Oslo là nơi đầu tiên được tiêm chủng.
Ghi nhận dị ứng ở Mỹ
Đến ngày 15-1, số ca tử vong sau tiêm vắcxin đã lên con số 23, và chính quyền Na Uy phải phát đi cảnh báo. Thông báo cho biết trong số trường hợp tử vong nêu trên có 13 ca đã được giải phẫu tử thi để tìm hiểu nguyên nhân tử vong. Các kết quả ban đầu cho thấy những tác dụng phụ từ vắcxin nêu trên có thể đã gây ra những phản ứng mạnh hơn ở những người cao tuổi có bệnh nền.
Theo Viện Sức khỏe cộng đồng của Na Uy, "với những người cao tuổi yếu ớt, thậm chí những tác dụng phụ tương đối nhẹ cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Với những người gần đất xa trời, hiệu quả của vắcxin có thể cũng không đáng kể".
Do vậy, Viện Sức khỏe cộng đồng của Na Uy đã đưa ra điều chỉnh cho hướng dẫn tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19, trong đó bổ sung các chỉ dẫn thận trọng hơn khi tiêm chủng cho người cao tuổi.
Cũng trong thời gian này, vào ngày 6-1, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết khoảng 1/100.000 người được thử nghiệm vắcxin của Pfizer/BioNTech đã bị sốc mẫn cảm nặng. Tuy nhiên, CDC khẳng định các lợi ích miễn dịch lớn hơn nhiều so với các nguy cơ tác dụng phụ.
Số liệu của CDC cho thấy 21 trường hợp sốc mẫn cảm sau khi được tiêm vắcxin thử nghiệm trong số gần 2 triệu liều tiêm từ ngày 14 đến 23-12-2020, tương đương với trung bình 11,1 ca dị ứng trên 1 triệu liều tiêm.
Nếu so sánh, các vắcxin ngừa cúm gây ra 1,3 ca dị ứng trên tổng số 1 triệu liều tiêm, thì tỉ lệ bị sốc mẫn cảm đối với vắcxin của Pfizer cao hơn khoảng 10 lần. Các triệu chứng sốc mẫn cảm bao gồm phát ban, nổi mề đay, phồng lưỡi, khó thở, khản giọng, rộp môi, buồn nôn và khô cổ.
Một quan chức cấp cao của CDC - bà Nancy Messonnier cho biết các ca dị ứng vẫn "đặc biệt hiếm" và việc tiêm vắcxin vẫn đem lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang gây ra những mối nguy hiểm lớn hơn đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, bà Messonnier nhấn mạnh rằng họ đã biết cách xử lý bệnh dị ứng và có cung cấp thuốc chữa (epinephrine) tại nơi tiêm chủng.
WHO đã phê duyệt
Cơ quan chức năng Mỹ từng phát cảnh báo đối với cả hai vắcxin mà nước này phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp, một của Pfizer và một của Moderna, đồng thời khuyến cáo những người có lịch sử dị ứng với các thành phần của vắcxin không nên đi tiêm. Người nào có phản ứng nặng sau liều đầu tiên cũng được khuyên không nên tiêm liều thứ hai. Mỹ đang điều tra để xác định nguyên nhân dẫn đến dị ứng.
Vắcxin Pfizer/BioNTech đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn lưu hành khẩn cấp vào ngày 31-12-2020, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt nhập khẩu và phân phối loại vắcxin này.
WHO đã triệu tập các chuyên gia của tổ chức này và chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới để đánh giá tính "an toàn, hiệu quả và chất lượng", đồng thời cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc tiêm vắcxin Pfizer/BioNTech. Theo đó, xác định vắcxin Pfizer/BioNTech đáp ứng tiêu chí bắt buộc về an toàn và hiệu quả theo quy định của WHO, trong khi lợi ích của việc tiêm vắcxin này vượt trội những rủi ro tiềm tàng.
WHO cho biết, việc phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp vắcxin của Pfizer/BioNTech mở đường cho các cơ quan quản lý ở các nước phê duyệt việc nhập khẩu và phân phối vắcxin này. Quyết định này cũng tạo điều kiện cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tổ chức đóng vai trò hậu cần quan trọng trong phân phối vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19, cũng như Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) mua vắcxin cho những quốc gia có nhu cầu.
95 triệu
Đó là số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tính đến 15h30 chiều 17-1 (giờ Việt Nam), theo trang thống kê worldometers.info. Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 24.306.043 ca nhiễm, khiến 405.261 người tử vong. Châu Âu vẫn là khu vực có tốc độ lây nhiễm cao nhất, với 27.338.980 ca, trong đó 623.738 ca tử vong.
TTO - Ít nhất 29 người đã chết sau khi tiêm mũi vắcxin (vaccine) COVID-19 đầu tiên tại Na Uy. Nhà chức trách cảnh báo vắc xin (vaccine) nguy hiểm cho người già, yếu, có bệnh nan y.
Xem thêm: mth.81575431271101202-91-divoc-augn-nixcav-meit-uas-gnov-ut-ac-32-oab-hnac-tahp-yu-an/nv.ertiout