- Thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng
- Công bố 7 luật đã được Quốc hội thông qua
Tiếp tục phiên họp thứ 52, sáng 12/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 dự thảo Nghị quyết gồm: dự thảo Nghị quyết thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; dự thảo Nghị quyết thành lập phường Quỳnh Lâm, phường Trung Minh thuộc TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; dự thảo Nghị quyết thành lập 5 phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và dự thảo Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Nông.
4 Nghị quyết sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/2/2021 nhằm phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các đại biểu tại phiên họp. |
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với đề nghị của Ủy ban Pháp luật về việc tạm dừng xem xét, quyết định các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ tháng 2/2021 đến khi tổ chức xong bầu cử Quốc hội Khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trước đó, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật cho rằng, thời gian sắp tới (từ tháng 2 đến tháng 5/2021) là cao điểm phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu ở từng đơn vị hành chính cần căn cứ vào đặc điểm (miền núi, vùng cao, hải đảo), quy mô dân số và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của từng đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì nhiều công việc liên quan đến bầu cử lại căn cứ theo đơn vị hành chính như thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử (Điều 21), phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử (Điều 9), xác định đơn vị bầu cử (Điều 10), nộp hồ sơ ứng cử (khoản 2 Điều 36)…; một số công việc khác liên quan đến quy mô dân số, số lượng cử tri và đặc điểm của các đơn vị hành chính (miền núi, vùng cao, hải đảo).
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 133/2020/QH14 của Quốc hội thì ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày 23/5/2021 nên các cơ quan, tổ chức hữu quan đang khẩn trương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm tiến độ theo quy định.
Cụ thể, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 7/2/2021), phải hoàn thành việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 4/3/2021), Ủy ban bầu cử ở các cấp hoàn thành việc ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị,...
Vì vậy, để các cấp, các ngành và chính quyền địa phương yên tâm, tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử, tránh gây xáo trộn, phức tạp trong quá trình thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri, chia đơn vị bầu cử,... do sự thay đổi giữa đơn vị hành chính mới và đơn vị hành chính cũ, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tạm dừng việc xem xét, quyết định các đề án về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ tháng 2/2021 đến khi tổ chức xong công tác bầu cử.