Thông qua các nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua các nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Ủy ban Pháp luật, bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giữ nguyên quy định về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri tại nơi cư trú như hiện hành và không bổ sung quy định về việc chia nhỏ số hộ thuộc thôn, tổ dân phố thành các cụm dân cư để tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri như đã thể hiện tại dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 51.
Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 11.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung và Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Về Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo hướng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ký rồi gửi văn bản tới Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký, không tổ chức hội nghị ký nghị quyết liên tịch.
Thông qua Nghị quyết chuyển đổi phương thức đầu tư cao tốc Bắc Nam phía Đông
Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần (Dự án). Trong đó có 6 dự án đầu tư công và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với mức vốn nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án là 78.461 tỷ đồng.
Về công tác lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến ngày 5/10/2020, bên mời thầu đã thực hiện đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Chính phủ đề nghị chuyển đổi từ đầu tư PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Các nội dung khác như mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của Dự án. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến lựa chọn loại ý kiến thứ nhất tức là đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22.11.2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19.6.2020.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ.