Cái chết của Caesar cuối cùng lại trở thành bậc thang đầu tiên mở ra, đưa con nuôi ông ta - Octavianus - tiến lên đài đăng quang, phế bỏ chế độ cộng hòa, trở thành hoàng đế La Mã đầu tiên - Gaius Julius Caesar Augustus.
Tam đầu chế
Julius Caesar không tự nhiên trở thành đối tượng mà các Nguyên lão cảm thấy cần phải bị trừ khử bằng mọi giá, kể cả thông qua giải pháp cuối cùng: ám sát. Những nấc thang quyền lực mà ông lần lượt bước qua tạo nên mối hiểm họa ấy, khi trong cả đế chế La Mã, dường như không ai còn đủ khả năng trở thành đối thủ xứng tầm của Caesar nữa.
Xuất thân danh giá của dòng họ Julius quyền quý, thực ra, cũng không giúp ích được cho ông nhiều trong việc đạt đến đỉnh cao danh vọng ấy, nếu tự Caesar không tỏ ra quá xuất sắc trong việc thăng tiến và lựa chọn thời điểm thăng tiến. Bởi vì, những sóng gió chính trường đã sớm cuốn Caesar vào giông bão, và dạy cho ông những bài học đắt giá. Dượng của Caesar - Gaius Marius, một vị tướng nổi danh và một chính khách - lại là kình địch của nhà độc tài khét tiếng xuất chúng Lucius Cornelius Sulla.
Vào thời điểm đó, trong nội tại La Mã, cũng đang hiện rõ những rạn nứt về tư tưởng. Trên chính trường, có hai phái đối lập nhau rõ rệt: Phái Quý tộc (Optimate) và phái Đại chúng bình dân (Populare) - những người muốn quyền lực được chia sẻ rộng rãi hơn thông qua bầu cử trực tiếp. Sulla thuộc phái Quý tộc, còn Marius thuộc phe Bình dân. Do đó, gia đình Caesar mang họa. Sau khi tận diệt các đội quân của Marius trong cuộc xung đột trực tiếp, Sulla tiến hành thanh trừng đẫm máu những kẻ thù chính trị.
Nếu không có những sự can thiệp mạnh mẽ từ nhiều phía, cả từ những gia đình có công giúp đỡ Sulla, Caesar cũng có thể đã bị giết. Sulla miễn cưỡng bỏ qua, nhưng vẫn nói rằng ông "thấy quá nhiều Marius trong Caesar". Chỉ sau khi Sulla chết, Caesar mới dám trở lại La Mã.
Và đó là một bài học xương máu về sự khốc liệt của chính trường. Bị tước chức thầy tế, Caesar chuyên tâm phục vụ quân đội, cũng như mài giũa những khả năng chính trị của mình. Từ một chức quan hộ quân, ông trở thành quan coi quốc khố (năm 69 trước Công nguyên), rồi thành quan thị chính (năm 65 TCN), trước khi chính thức tham gia cuộc chạy đua bầu cử vào danh hiệu Đại giáo chủ (Pontifex Maximus) - một chức vụ quan trọng có thực quyền cả về thế tục lẫn tôn giáo. Đắc cử, cho dù có những cáo buộc gian lận phiếu, Caesar xem như chính thức có mặt trên đỉnh cao vũ đài chính trị. Năm 62 TCN, con người ấy nhận chức Pháp quan (praetor) La Mã.
Julius Caesar là một chính khách xuất sắc về hùng biện, và rất "dân túy". |
Suốt quãng đường đó, Caesar ngày càng chứng tỏ khả năng hùng biện cũng như khuynh hướng dân túy của mình. Nói cách khác, vượt trên các đồng liêu, ông luôn biết cách xuất hiện như một minh tinh điện ảnh thời hiện đại. Không chỉ vậy, ở lĩnh vực quân sự, Caesar cũng giành được những chiến công đáng kể, đủ để củng cố vững vàng ngôi vị.
Tam đầu chế (Triumviratus) La Mã thứ nhất ra đời năm 59 TCN. Đó là một thời điểm mà Caesar mắc kẹt giữa khá nhiều mối quan hệ, mâu thuẫn, xung khắc….chồng chéo, nhưng ông biết cách dàn xếp tất cả theo hướng có lợi cho mình. Năm đó, Caesar nhận chức quan Chấp chính tối cao (Consul), sau một cuộc bầu cử bị đánh giá là đầy gian trá. Vị trí Consul còn lại, theo quy định pháp luật La Mã, thuộc về Marcus Calpurnius Bibulus - một người thuộc phe Quý tộc.
Caesar tìm sự hậu thuẫn ở Gnaeus Pompeius Magnus (thường được gọi tắt là Pompey) - vị tướng quân bách thắng lừng lẫy nhất của La Mã vào thời điểm đó, cùng Marcus Linicius Crassus - người giàu nhất La Mã, cũng là người sau này dẹp tan cuộc khởi nghĩa Spartacus. Hai người đó rất ghét nhau, và đều vượt trội hơn Caesar về danh tiếng, nhưng bằng một cách nào đó, Caesar vẫn có thể dùng lợi ích gắn kết họ lại với nhau.
Những đồng xu cổ in hình Caesar. |
Tổng tài duy nhất
Crassus có tiền, Pompey có thực lực quân sự, và Caesar có khả năng chính trị. Họ là một tam giác bổ sung cho nhau hoàn hảo. Tính chất dân túy trong tư tưởng chính trị của Caesar thể hiện rõ ở dự luật phân phối lại đất công cho người nghèo - dự luật hiển nhiên bị phe Quý tộc xem là cái gai trong mắt, trái ngược với sự hoan nghênh hồ hởi của phe Đại chúng bình dân. Quan chấp chính đồng cấp - Bibulus - cố gắng gây khó dễ cho Ceasar, song thậm chí ông ta còn bị tấn công, xua đuổi và gần như bị vô hiệu hóa.
Vấn đề là, Pompey cũng thuộc phe Quý tộc, và Pompey càng ngày càng "bằng mặt không bằng lòng" với Caesar, đặc biệt là sau những chiến công vang dội mà Caesar thực hiện trong cuộc chinh phục xứ Gaul (gồm nước Pháp ngày nay, một phần nước Đức, phần lớn Thụy Sĩ và Bỉ), cũng như lần vượt biển đánh sang xứ Britain (Anh) hay tiến vào xứ Germany. Crassus khi đó đã tử trận trên đường chinh phục Ba Tư, và La Mã ở vào thế "một rừng hai cọp".
Năm 50 TCN, đại diện Viện Nguyên lão, Pompey yêu cầu Caesar giải tán quân đội và trở về La Mã, với lý do nhiệm kỳ tổng trấn của Caesar ở xứ Gaul đã kết thúc.
Ngày 10-1 năm 49 TCN, Caesar xua quân bản bộ vượt sông Rubicon trở về đất La Mã, chính thức phát động cuộc nội chiến nhằm tranh giành quyền lực. Vào thời điểm đó, ngoài ông, có lẽ không tướng lĩnh nào mạo hiểm "động binh" như vậy, bởi giới quân sự La Mã xem những ngày đầu xuân vẫn còn thuộc quãng thời gian khó hành quân nhất trong năm. Bởi vậy, phe Quý tộc đã bị bất ngờ, và không thể chống đỡ. Đến cả Pompey lừng lẫy cũng chỉ có thể chạy trốn cầu thoát thân. Để rồi sau đó, trong thế thắng như chẻ tre, Caesar thừa thắng truy đuổi tới tận Ai Cập, nơi Pompey bị ám sát bởi một số thủy thủ thuộc hạ, để rồi gặp mối tình huyền thoại cuối đời: Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.
Vụ ám sát được kỳ vọng sẽ cứu vãn nền cộng hòa, nhưng thực tế lại đẩy nhanh hơn tiến trình La Mã thực sự có một hoàng đế. |
Từ đó, Caesar trở thành Tổng tài duy nhất, mà thực chất đúng là một nhà độc tài trọn đời - Dictator, như một trong vô số danh hiệu kêu loảng xoảng được xưng tụng gắn liền với ông. Ông thậm chí không buồn đếm xỉa đến Viện Nguyên lão (có vai trò như một kiểu Quốc hội hay Nghị viện) nữa, mà toàn quyền đích thân bổ nhiệm các chức danh quan trọng. Ông lập chúc thư chỉ định những người kế vị. Và ông vẫn điều hành La Mã theo những xu hướng được phe Đại chúng bình dân yêu thích.
Hố sâu ngăn cách giữa Caesar cùng Viện Nguyên lão - nghĩa là phe Quý tộc thủ cựu càng lúc càng lớn. Kế hoạch ám sát ông được đề ra và thực hiện, như một điều phải đến. Các Libertatores cho rằng họ cần phải làm điều đó, để cứu vãn nền cộng hòa.
Song, sau khi Caesar ngã xuống dưới những nhát dao, mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Những lực lượng xã hội ủng hộ Caesar dễ dàng được đoàn ngũ hóa và sắp xếp lại dưới tay những thủ hạ của Caesar, tiêu biểu là Mark Anthony, để bẻ gãy mọi âm mưu quật khởi. Sau đó, cũng như người cậu - cha nuôi của mình, Octavianus lập nên Tam đầu chế thứ hai (với Mark Anthony và Lepidus - một cận tướng khác của Caesar), đánh bại quân đội phe đối lập, rồi lại đích thân triệt hạ Mark Anthony. Octavianus trở thành Augustus Đại đế - hoàng đế đầu tiên của La Mã. Nền cộng hòa bị xóa sổ. Caesar, từ một cái tên riêng, trở thành danh hiệu thiêng liêng gắn liền với tên của các bậc quân chủ.
So sánh là khập khiễng, nhưng dường như những gì diễn ra ở La Mã trước Công nguyên ấy cũng hoàn toàn có thể lặp lại ở một siêu cường hiện đại của thế kỷ XXI. Nhà Trắng đổi chủ, nhưng tâm trạng xã hội Mỹ có thực sự thay đổi hay không?
* Theo sử gia cổ đại Plutarchus, sau khi đâm chết Caesar, các Nguyên lão rời khỏi tòa nhà với sự phấn khích tột độ. Brutus, đứa con nuôi phản bội của Caesar góp mặt trong âm mưu ấy, còn hô lớn: "Hỡi nhân dân La Mã, một lần nữa chúng ta lại tự do". * Mặc dù thuộc phe Quý tộc, và mặc dù cũng nhận danh hiệu Dictator, nhưng Sulla không hề hành xử giống như Caesar về sau. Sau hai năm chấp chính với quyền hành tuyệt đối, ông giải tán quân đội của mình, thiết lập lại chính quyền trực thuộc Viện Nguyên lão, bãi bỏ chế độ độc tài. |
Xem thêm: /980726-ig-al-aseaC-suiluJ-uaS/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna