- Việt Nam thiệt hại hơn 33.500 tỷ đồng vì thiên tai
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai
Từ rất lâu rồi, tôi đã muốn thực hiện một cuộc đối thoại về chủ đề “đất”. Bởi, với một quốc gia có truyền thống nông nghiệp ngàn năm như Việt Nam thì đất là một thứ gắn bó máu thịt, gợi lên nhiều suy tưởng thẳm sâu. Mùa màng đất, thu hoạch đất, tồn đọng đất, cằn cỗi đất, sạt lở đất…, chắc chắn là những biến động vi mô nhất của đất đều tạo ra những tác động trực tiếp và sâu xa tới đời sống người Việt, dẫn tới những biến thiên trong cảm xúc Việt, tâm hồn Việt.
Quan sát báo chí nhiều năm nay, tôi thấy cứ hễ xảy ra một biến động nào đó liên quan tới đất, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, ví dụ như đợt sạt lở đất ở miền Trung cuối năm 2020 là PGS.TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản lại xuất hiện dày đặc trên các trang báo. Ông giải mã các biến động của đất bằng con mắt của một nhà khoa học lâu năm trong nghề. Cho nên tôi đã tìm đến ông, để lắng nghe chia sẻ của một người “luôn luôn nghe đất, luôn luôn hiểu đất, luôn luôn thấu cảm những buồn vui của đất”.
Đổi đời nhờ “công viên địa chất”
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa PGS.TS. Trần Tân Văn, nói về người Việt Nam ngày xưa, chúng ta thường nhắc tới hình ảnh những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Câu thành ngữ đủ cho thấy dân tộc chúng ta gắn bó máu thịt với đất đai như thế nào. Là một người cả cuộc đời nghiên cứu về đất, không biết ông có cảm xúc gì khi tôi nhắc tới chủ đề này?
- PGS.TS. Trần Tân Văn: Đất là một khái niệm rất rộng, gắn liền với nhiều phạm trù khác nhau, chẳng hạn như đất nước, đất đai... Ở phương diện đất đai, về mặt diện tích, “đất” là lĩnh vực của ngành địa chính; về “chất”, phục vụ trồng trọt lại là việc của ngành nông nghiệp. Còn với chúng tôi, đất có nghĩa là một vùng đất nào đấy, một đối tượng xem xét, nghiên cứu của khoa học địa chất. Khoảng 20-30 năm trước, đối với ngành địa chất thì đất chủ yếu gắn liền với các khoáng sản: từ khoáng sản trên mặt đất đến khoáng sản trong lòng đất. Nhưng, giờ đây, lĩnh vực hoạt động của chúng tôi đã mở rộng rất nhiều. Giờ đây, chúng tôi quan tâm cả về cảnh quan, về những vùng đất đẹp, phong thủy tốt. Và, thực tế, hoạt động của chúng tôi trong những năm vừa rồi là hỗ trợ các địa phương thành lập một loạt công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
- Thực sự là tôi cũng đã nghe loáng thoáng về chuyện có một vài chỗ ta được UNESCO phê chuẩn là công viên địa chất toàn cầu. Nhưng, cụ thể thì nó như thế nào, thưa ông?
- (Cười lớn...). Chẳng riêng gì anh, có lẽ nhiều người cũng chưa hiểu rõ về câu chuyện này. Có một bác lãnh đạo đã nói với chúng tôi rằng tại sao không làm công viên hoa hồng hay công viên phong lan mà lại đi làm công viên địa chất? Công viên địa chất là mô hình rất mới của UNESCO. Thực ra, vào khoảng những năm 95-96 của thế kỉ trước nó là một sáng kiến rất tự phát của các nhà địa chất thế giới. Sau đó nó lan mạnh và được UNESCO bảo trợ. Nhưng, cũng phải đến cuối năm 2015 thì UNESCO mới thực sự công nhận công viên địa chất toàn cầu là một danh hiệu, tương đương với 2 danh hiệu khác mà UNESCO đang có là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong 3 danh hiệu ấy thì di sản thế giới sẽ xếp nhỉnh hơn một chút vì nó đòi hỏi sự độc đáo, duy nhất và có giá trị toàn cầu. Còn công viên địa chất chỉ yêu cầu giá trị tầm cỡ quốc tế mà không nhất thiết phải độc đáo hay duy nhất.
- Tôi hiểu nôm na công viên địa chất trong góc nhìn của UNESCO là những vùng đất thực sự có ý nghĩa với địa chất quốc tế, cần được khoanh lại để gìn giữ, bảo tồn, đúng không ạ? Theo căn cứ này thì nghe đâu cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang cũng được UNESCO phê chuẩn là một công viên địa chất toàn cầu...
- Thực tế thì mô hình công viên địa chất toàn cầu có khác 2 mô hình di sản đầu tiên của UNESCO. Trong khi di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu bảo tồn thực sự, có vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt, tức là cơ bản, trong đó không được phép triển khai các hoạt động phát triển, và vùng đệm, nơi vừa bảo tồn vừa phát triển, thì toàn bộ công viên địa chất toàn cầu lại không phải là một khu bảo tồn mà chỉ một số diện tích trong đó được bảo tồn, ở những diện tích còn lại vẫn cho phép các hoạt động phát triển, thí dụ các khu công nghiệp, các đô thị, các trung tâm dân cư lớn, thậm chí, cả các khu khai thác khoáng sản. UNESCO chỉ khuyến cáo là những hoạt động phát triển này rất nên đồng điệu, thân thiện với các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường. Mô hình công viên địa chất toàn cầu rất quan tâm đến việc cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và du khách về các giá trị di sản và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học... UNESCO cho rằng, các công viên địa chất toàn cầu là những nơi thích hợp nhất để triển khai các hoạt động hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất cấp tỉnh vào năm 2009 và năm 2010 được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đến năm 2015, Cao Bằng thành lập công viên địa chất “Non nước Cao Bằng” và năm 2018 thì được UNESCO công nhận. Có một chuyện hậu trường thế này: Khi Cao Bằng đề xuất thì UNESCO hỏi ngược lại là: “Non nước Cao Bằng” và “Cao nguyên đá Đồng Văn” có gì khác nhau? Họ hỏi thế là đúng, bởi hai nơi chỉ cách nhau chưa đầy 200km và về cơ bản cũng đều là những vùng đá vôi. Như tôi vừa nói ở trên, các công viên địa chất không nhất thiết phải độc đáo, phải duy nhất nhưng các công viên địa chất không thể giống nhau, ít nhất cũng từ góc độ các di sản địa chất chủ đạo. Để tôi nói thêm một ý thế này. Có thể thành lập các công viên địa chất cấp tỉnh, cấp quốc gia nhưng một trong những điều kiện tiên quyết để được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu là khu vực đó phải có các giá trị di sản địa chất tầm cỡ quốc tế.
Do vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và chứng minh với UNESCO rằng “Cao nguyên đá Đồng Văn” hùng vĩ, dữ dội, khô khát như một nam thanh niên, còn “Non nước Cao Bằng” lại xanh mượt, mềm mại, ướt át như một người phụ nữ. Điều đó cho thấy không những nó khác biệt nhau mà còn bổ trợ cho nhau. Chính vì thế UNESCO đã đồng ý công nhận “Non nước Cao Bằng”.
- Chúng ta được gì, sau khi UNESCO công nhận, thưa ông?
- Cũng giống như di sản thế giới hay khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu là một danh hiệu quốc tế, thuộc loại cao quý nhất, chứ không phải là một giải thưởng hay một khoản tài trợ nào đó. UNESCO không cho chúng ta tiền, UNESCO chỉ mang lại cho chúng ta các cơ hội để từ đó có được rất nhiều lợi ích. Mặc dù vậy, đã có nhiều đánh giá quốc tế, mặc dù không chính thức, rằng một danh hiệu quốc tế như vậy mang lại cho địa phương, cho quốc gia sở hữu nó một giá trị bằng khoảng 500 triệu đô la Mỹ.
Chẳng hạn khi được UNESCO công nhận thì Nhà nước sẽ chú ý đầu tư hơn. Ngay sau khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận thì lập tức xuất hiện hàng loạt quy hoạch quan trọng. Thứ nhất là quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản công viên địa chất toàn cầu. Thứ hai là quy hoạch xây dựng vùng công viên địa chất. Thứ ba là quy hoạch khu du lịch quốc gia công viên địa chất. Những quy hoạch ấy đều phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án lớn của các bộ, ngành, như đường sá, cầu cống, điện, bệnh viện, trường học, du lịch... được ưu tiên hơn. Sau những đầu tư của Nhà nước thì các tổ chức quốc tế cũng đổ vào để triển khai các dự án bảo tồn, giáo dục cộng đồng, cấp thoát nước, xử lí vệ sinh, nước thải, rác thải, môi trường... Cuối cùng là làn sóng của các nhà đầu tư xây dựng resort, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở sản xuất, từ đó giúp địa phương thúc đẩy kinh tế rất mạnh mẽ. Bản thân chính quyền và cộng đồng địa phương cũng trở nên năng động hơn, sáng tạo hơn. Chẳng hạn chính quyền tỉnh Hà Giang đã chủ động tạo ra các cuộc thi chạy marathon hay lễ hội hoa tam giác mạch... Tôi lên cao nguyên đá Đồng Văn hàng trăm lần, lần đầu tiên từ năm 2000 và tính đến bây giờ là 20 năm nên đã được chứng kiến những thay đổi rõ rệt này. Có một hiện tượng kể ra thì không được lành mạnh lắm, mặc dù cũng khá thú vị, đó là người dân và các cấp chính quyền quan tâm đến cao nguyên đá Đồng Văn tới mức mà các huyện khác không thuộc cao nguyên đá đâm ra ghen tị.
- Ông có thể nói rõ hơn về quá trình thay da đổi thịt này được không?
- Anh phải biết khi chúng tôi lên cao nguyên đá Đồng Văn vào năm 2000 thì đó là một vùng nghèo xơ nghèo xác. Đến mùa đông thì phải nói là chỉ có một màu xám xịt, làm gì có màu xanh tươi của cây cỏ. Sinh kế chủ yếu của đồng bào ở đó chỉ là tự phát. Mùa khô, họ phải gùi đất đổ vào những hốc đá, sau đó thả vào đó vài hạt ngô rồi chờ. Đến khoảng tháng 5, tháng 6 là mùa mưa thì ngô sẽ nảy mầm. Nhưng, mỗi năm chỉ được một vụ thôi, vì nước làm gì có đủ. Chúng tôi đã nhiều lần thảo luận với các chuyên gia quốc tế và thống nhất rằng, nếu cứ phát triển theo kiểu tự canh tự phát nông nghiệp như thế này thì sẽ không bao giờ thoát khỏi đói nghèo. Và, thực tế vùng đất ấy cho đến bây giờ vẫn thuộc vào diện nghèo nhất nước ta. Mặc dù vậy, đây lại là một nơi rất có giá trị về mặt cảnh quan, di sản địa chất và di sản văn hóa... Vì vậy, cần phát huy những thế mạnh này và lối thoát duy nhất chỉ có thể là phát triển du lịch và những dịch vụ đi kèm.
Thật sự là lúc ấy chúng tôi còn chưa biết tới khái niệm “công viên địa chất” nên chỉ đưa ra ý tưởng về chuyển đổi cơ cấu, phát triển du lịch... Nhưng, ngay sau đó, chúng tôi đã tìm hiểu các mô hình trên thế giới và đến năm 2004 thì lần đầu tiên biết về mô hình công viên địa chất. Năm 2009, chúng tôi báo cáo kết quả với tỉnh Hà Giang. Phải nói là lãnh đạo tỉnh Hà Giang khi đó đã rất tin tưởng các nhà khoa học và quyết tâm thành lập công viên địa chất. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010.
Bây giờ cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành khu du lịch rất nổi tiếng. Trước đây, mỗi năm cả tỉnh Hà Giang chỉ đón được khoảng 200 ngàn lượt khách du lịch nhưng bây giờ, chỉ riêng cao nguyên đá Đồng Văn đã đón gần 2 triệu lượt khách. Hiện, cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích khoảng 2.360km2 gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đang nghĩ đến phương án mở rộng công viên địa chất để bao lấy ít nhất là toàn bộ thành phố Hà Giang. Ngoài ra, vùng phía Tây tỉnh Hà Giang với Hoàng Su Phì, Xín Mần cũng có cảnh quan rất đẹp, triển vọng du lịch rất tốt nên chúng tôi đang nghĩ đến phương án xây dựng hồ sơ để trở thành một trong ba danh hiệu của UNESCO.
Chưa thấy hậu quả thì chưa sợ
- Nghe ông nói thì tôi thấy công viên địa chất ở Việt Nam được công nhận khá nhiều, không biết tỉ lệ công nhận đó so với thế giới có cao không?
- Tỉ lệ ấy chưa nhiều đâu. Khoảng những năm 2008-2010, chúng tôi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho một nhiệm vụ là đánh giá các giá trị di sản và triển vọng thành lập công viên địa chất ở miền Bắc Việt Nam. Sau đó chúng tôi đã xây dựng đề cương một đề án Chính phủ và đánh giá sơ bộ một số khu vực khác ở miền Nam Việt Nam. Tổng cộng chúng tôi đã đưa ra một danh sách khoảng 50-60 khu vực và đưa ra kết luận sơ bộ là trong số đó có từ 20-30 khu vực có triển vọng thành lập công viên địa chất cấp tỉnh, cấp quốc gia và có khoảng 10 khu vực có triển vọng trở thành công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Bây giờ, chính xác là chúng ta mới có 3 công viên địa chất toàn cầu thôi, kể cả công viên địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận vào tháng 7-2020. Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi mới trình UNESCO hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh và đang chờ được thẩm định trên thực địa. Một số địa phương khác như Phú Yên, Gia Lai, Sơn La... cũng đang đi những bước đầu tiên hướng tới thành lập công viên địa chất.
PGS.TS. Trần Tân Văn trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT - CT. |
- Thưa ông, chỉ cần nhắc tới những công viên địa chất đã và sẽ được UNESCO công nhận - hy vọng thế, là chúng ta đủ hình dung về sự giàu có cũng như vẻ đẹp đất đai của chúng ta. Nhưng, theo tôi, sẽ là không đầy đủ nếu chúng ta không nhắc tới quá trình con người tác động tiêu cực tới đất, làm thay đổi hoặc biến chất đất đai?
- Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Con người càng ngày càng lấn sân tự nhiên. Trước đây, khi dân ít, người thưa, ta có thể lựa chọn những vùng đất đẹp để sinh sống, còn những khu vực hay xảy ra thiên tai bão lũ thì sẽ tránh xa. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có chuyến công tác đầu tiên tới khu vực miền Tây Thanh Hóa và tôi thấy nơi đó hết sức vắng vẻ, có khi đi cả ngày mới gặp người. Còn bây giờ trở lại, nơi đó đã rất sầm uất. Bây giờ đất nước mình đã trở thành một nơi đất chật người đông. Mật độ dân số ở Việt Nam thậm chí còn lớn hơn Trung Quốc, bởi dân số Trung Quốc tuy đông nhưng diện tích đất Trung Quốc lại rất rộng. Cho nên, câu “rừng vàng biển bạc” bây giờ không còn đúng nữa.
- Cuối năm 2020 ở miền Trung xảy ra tình trạng sạt lở đất khiến nhiều người thương vong. Tôi đã đọc nhiều bài phân tích của ông về hiện tượng này nhưng tôi không muốn gói gọn tình trạng ở miền Trung mà muốn nói tới những nguy cơ rình rập từ rất nhiều vùng đất khác ở Việt Nam. Giới khoa học đang nhìn nhận và cảnh báo điều này như thế nào, thưa ông?
- Cách đặt vấn đề này hoàn toàn chính xác, vì không chỉ miền Trung mà vùng Tây Bắc cũng thường xảy ra lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất và đặc biệt là bây giờ ngay ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra tình trạng sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển. Bình thường, ở Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta chỉ nói đến tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển, thế nhưng rất bất ngờ là năm ngoái Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra một trận hạn hán lịch sử nặng còn hơn cả năm 2016. Rất may mắn là họ đã được cảnh báo trước và chuyển đổi thời vụ cơ cấu cây trồng, vật nuôi kịp thời nên thiệt hại của năm 2019 không lớn bằng năm 2016. Chúng tôi đã được tỉnh Cà Mau mời vào tham dự một hội thảo để tham vấn việc công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp về hạn hán. Người ta thống kê rằng chỉ riêng tỉnh Cà Mau đã có khoảng gần 1.000 điểm sạt lở bờ sông, mất đường, mất đê. Anh thấy có lạ không? Bình thường chúng ta hay nói sạt lở là do mưa bão, đất đá bị quá sũng nước nhưng năm 2019 thì sạt lở đường, sạt lở đê, bờ sông nguyên nhân chính lại là do quá thiếu nước. Mặc dù nó không gây ra những thiệt hại về người ghê gớm như ở miền Trung nhưng anh thử tưởng tượng xem: Chỉ trong 1 tỉnh mà có tới gần 1.000 điểm sạt lở, có điểm cả một đoạn dài đường đê bê tông dài hàng trăm mét sập hẳn xuống thì giao thông ảnh hưởng, kinh tế đứt quãng như thế nào.
- Rất khách quan, mong ông giải đáp nguyên nhân gây sạt lở đất chủ yếu là do thiên tai hay nhân tai?
- Đây là một câu hỏi rất hay! Dưới con mắt của các nhà khoa học, không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, người ta không biết có nên gọi là thiên tai nữa không, hay phải chuyển sang gọi là “nhân tai”. Vì các hoạt động nhân sinh đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc gây ra và làm trầm trọng thêm các thiên tai. Xin lấy một ví dụ đơn giản: khi làm đường giao thông, người ta phải cắt chân các sườn dốc, tạo thành các ta-luy. Do đó các sườn tự nhiên bình thường có độ dốc khá thoải, chỉ khoảng 15-20 độ, giờ đây đã trở thành 60-70 độ, có khi còn trở thành những sườn dựng đứng luôn. Sườn dốc do vậy trở nên mất ổn định. Bình thường, mùa khô thì không sao cả nhưng đến khi mưa lũ, sườn dốc bị bão hòa nước khiến chúng trở nên nặng hơn và nước còn làm giảm sức bền của đất đá, gây ra hiện tượng sạt lở hết sức khủng khiếp.
- Khi làm đường, chắc chắn là người ta cũng phải tính đến những nguy cơ này chứ?
- Quan sát rất nhiều cung đường, chúng tôi thấy là khi làm đường, thường là phải đến 1-2 km, người ta mới khảo sát 1 điểm, tức là khoan 1 lỗ khoan để tìm hiểu tính chất cơ lí của đất đá. Nhưng, đặc điểm địa chất lại thay đổi liên tục, cho nên 1-2 km mới khoan 1 lỗ thì không thể đủ được. Tiếp đến là khâu thiết kế, khi 1-2 km mới khảo sát 1 điểm mà lại áp cho toàn bộ đoạn đường đó thì chắc chắn là không đảm bảo. Cuối cùng là khâu thi công, nếu làm vội, làm ẩu thì công trình càng không đảm bảo chất lượng.
- Khi thấy những chuyện như vậy, những người làm khoa học như ông có lên tiếng cảnh báo không?
- Có chứ! Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần. Nhưng, tôi có cảm giác khi chưa xảy ra hậu quả thì người ta chưa sợ. Có đơn vị thi công còn nói với chúng tôi là họ đã có tiền bảo hiểm cho ta-luy đường, cho nên khi sạt lở xảy ra thì đơn vị bảo hiểm sẽ tới đo đạc để khắc phục.
- Theo ông, với hàng loạt hậu quả vừa rồi, người ta đã thấm thía và từ đó thay đổi cách làm hay chưa?
- Năm 2010-2012, Thái Lan cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng như Việt Nam, sau đó họ đã xây dựng một chương trình lớn trên phạm vi toàn quốc. Ngoài việc điều tra khảo sát, xây dựng bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo thì họ còn quyết liệt hơn mình một bước, đó là làm những bản đồ phân vùng cảnh báo tỉ lệ lớn 1/10.000 cho hơn 1.000 xã trọng điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao. Bây giờ họ đã làm gần xong và lên những phương án phòng ngừa rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam, để phòng ngừa những thảm họa tương tự hoặc thậm chí còn lớn hơn trong tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Nhà nước chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chiến lược phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, trong đó có sạt lở đất và lũ quét. Chính phủ đã và đang thực sự làm việc đó. Thứ nhất là học tập Thái Lan, chúng ta sẽ triển khai điều tra khoảng 1.500 xã trọng điểm trên toàn quốc về sạt lở đất và lũ quét. Thứ hai là thay đổi rất nhiều trong công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Trước đây mới chỉ để ý đến việc nhận dạng những khu vực có nguy cơ, bây giờ phải xác định cả những vị trí tương đối an toàn, không trong diện nguy cơ. Tức là phải lường trước khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra thì dân ở những vị trí có nguy cơ cao sẽ chạy đến những vị trí an toàn hơn như thế nào. Thứ ba là phải tổ chức diễn tập, thường xuyên, định kỳ, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Nhưng, quan trọng nhất là Nhà nước đang có chủ trương tái định cư cho những người dân hiện đang sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao. Tôi cho rằng, vì sinh mạng con người, dẫu có tốn kém đến mấy cũng phải thực hiện bằng được chủ trương này!
- Xin cảm ơn ông!
Thuận thiên để sống “Mình sống ở đâu, phải hiểu vùng đất ấy, cả ưu thế và nhược điểm của nó. Nghĩa là phải có tư duy để thích ứng với thiên nhiên một cách hợp lí. Khoảng 30 năm trước, bác Nguyễn Ngọc Trân là chủ nhiệm một chương trình khoa học, công nghệ về Đồng bằng sông Cửu Long cùng một loạt nhà khoa học đã có những cảnh báo vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long thực ra là một nơi rất mong manh, dễ tổn thương. Chúng ta nên khai phá một cách cẩn trọng và “thuận thiên”. Càng ngẫm nghĩ càng thấy ý tưởng “thuận thiên” là rất chính xác. Ngày xưa chúng ta cứ nghĩ là phải chinh phục thiên nhiên hoặc phòng chống thiên tai nhưng thực ra, có chống được đâu. Sức mạnh của thiên nhiên là không thể chống được. Ngay cả quốc tế bây giờ họ cũng có dùng khái niệm “phòng chống” nữa đâu mà từ lâu đã chuyển sang “phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai”. Từ “phòng chống” đến “phong tránh, giảm nhẹ hậu quả” thể hiện những thay đổi lớn trong cách nghĩ về thiên nhiên và mối tương tác giữa con người với thiên nhiên. Nhà nước ta cũng đang triển khai theo hướng “thuận thiên” như vậy”. PGS.TS. Trần Tân Văn |
* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.
Phan Đăng (thực hiện)