Tất bật chuẩn bị bán hàng online Tết Nguyên đán
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Các nhà bán lẻ, sàn thương mại điện tử (TMĐT), đơn vị vận chuyển, giao nhận đang tất bật chuẩn bị để phục vụ mua bán hàng online dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến.
Nhân viên công ty Giao Hàng Nhanh đang sắp xếp các đơn hàng để giao đến cho khách. Ảnh: GHN |
Mở thêm kho, tích hợp công nghệ mới
Theo nghiên cứu của Nielsen, từ khi đại dịch bùng phát, nhu cầu mua sắm trên các sàn TMĐT tăng mạnh. Đến năm 2020 có 70% người dân Việt Nam tiếp cận với internet, 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, hoạt động TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm đến 70% giao dịch TMĐT của cả nước.
Trước Tết Nguyên Đán luôn là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó nhiều nhà bán hàng, thương hiệu cũng tăng cường triển khai các hoạt động ưu đãi, thúc đẩy mua sắm trong dịp này. Các nhà bán lẻ, sàn TMĐT cho rằng thị trường mua sắm online sẽ rất sôi động và ghi nhận sự tăng trưởng trong dịp Tết Tân Sửu sắp tới.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội ghi nhận người dùng có xu hướng ưu tiên các loại hình mua sắm trực tuyến. TMĐT trở thành phương tiện có thể đáp ứng, tích hợp tất cả nhu cầu của người dùng trong cùng một nền tảng, các thương hiệu, doanh nghiệp và nhà bán hàng cũng tập trung phát triển các kênh bán hàng trực tuyến của mình. Có thể nói, Covid-19 đã góp phần làm thay đổi thói quen xu hướng tiêu dùng của nhiều người, thúc đẩy hoạt động số hóa của các thương hiệu và doanh nghiệp thông qua TMĐT.
Ông Đinh Liêm Khiết, Giám đốc kho vận của Shopee cho biết, Shopee vừa chính thức đưa vào hoạt động kho hoàn tất đơn hàng thứ ba tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM. Đây là khu vực không bị cấm xe tải vào giờ cao điểm, đáp ứng lưu lượng giao nhận hàng 24/24. Vị trí kho hàng này cũng rất thuận tiện để chuyển hàng đến các tỉnh miền Trung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Shopee đang làm việc chặt chẽ với các nhà bán hàng và đối tác vận chuyển để triển khai chương trình giao hàng xuyên Tết (từ 11-2 đến 16-2-2021) nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên Đán của người dùng.
Công ty Giao Hàng Nhanh cho biết đã mở thêm 1.000 bưu cục mới, kéo dài thời gian hoạt động tại một số bưu cục trọng điểm hoạt động 24/24 để khách hàng có thể tới gửi nhận hàng bất kỳ thời gian nào trong ngày. Đơn vị này cũng khai trương kho phân loại tự động thứ ba tại Hà Nội với khả năng xử lý hàng lên đến 30.000 đơn/giờ và bổ sung thêm 200 xe tải, nâng tổng số xe tải lên hơn 1,000 xe. Trong thời gian cao điểm Giao Hàng Nhanh thuê nguyên chuyến máy bay của để rút ngắn thời gian vận chuyển Bắc - Nam xuống chỉ còn 2 giờ.
Năm 2020 dù nền kinh tế bị thiệt hại nặng nhưng TMĐT lại lội ngược dòng. Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á. Báo cáo khảo sát của Nielsen cho thấy, 63% người tiêu dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, 30% người Việt tham gia mua sắm online, đạt doanh số bình quân 350 USD/người trong năm 2020. Quy mô tăng trưởng về thị trường của TMĐT có thể đạt 15 tỉ đô la Mỹ /năm trong tương lai gần. |
Theo đại diện sàn TMĐT Sen Đỏ (Sendo.vn) cho biết, sàn này đã xây dựng chức năng Chợ Tết Sendo giúp khách hàng có thể mua sắm các mặt hàng bánh mứt, lạp xưởng, bia, nước ngọt... đến quần áo Tết, sản phẩm chăm sóc bản thân và nhà cửa. Sen Đỏ đã hoàn thiện ví thanh toán điện tử Senpay, liên kết với Zalopay, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV... mang lại các ưu đãi lớn nhất trong năm cho khách hàng mua sắm dịp Tết.
Đại diện nhà bán lẻ FPT Shop cho hay, Tết này khách hàng mua sản phẩm qua website FPT Shop có thể hoàn tất đơn hàng và thanh toán online trong vòng vài phút. Thông tin đơn hàng cùng lúc được chuyển tự động đến shop gần nhất với địa chỉ khách hàng và trong vòng bình quân ba phút sẽ có nhân viên gọi cho khách để xác nhận việc đặt hàng và giao hàng. FPT Shop cũng đã triển khai hình thức TV Commerce qua nền tảng truyền hình FPT Play.
Không để “nghẽn” đơn hàng
Hằng năm đến dịp mua sắm Tết Nguyên đán một vấn đề thường xuyên làm đau đầu khách hàng, nhà bán lẻ, đơn vị giao nhận đó là xảy ra tình trạng nghẽn đơn hàng, giao hàng chậm. Do khách hàng đặt quá đông nên giao nhận không theo kịp dẫn đến tình trạng khách hàng trả hàng hay khách hàng về quê ăn Tết và không nhận kịp hàng.
Để giải quyết vấn đề này Shopee cho hay đã liên tục cải tiến các tính năng, dịch vụ trên nền tảng, nâng cấp hệ thống vận hành và hậu cần, đồng thời làm việc chặt chẽ với các đối tác để tăng cường khả năng cung ứng sản phẩm. Sàn TMĐT này triển khai các biện pháp hỗ trợ các nhà bán hàng theo dõi và quản lý kênh bán hàng trực tuyến của họ ở tất cả các khâu từ kho vận đến thanh toán.
Nhân viên Viettel Post đang xử lý đơn hàng của khách hàng. Ảnh: VTP |
Trong khi đó, FPT Shop có kế hoạch từ trước về việc luân chuyển hàng đi tỉnh với các đối tác vận chuyển để đảm bảo hàng hoá luôn đầy đủ tại từng cửa hàng FPT Shop ở khắp 63 tỉnh thành.
Đại diện Sendo thì cho biết, để xử lý triệt để hiện tượng “nghẽn” về giao hàng trong dịp tết, từ ngày 4-1-2021, Sendo đã tăng thêm một nhà vận chuyển mới là SpeedEX, nâng tổng số đối tác vận chuyển của Sendo lên 11. Đồng thời nhằm giúp các nhà bán thêm phần chủ động gửi các đơn hàng gấp, từ cuối tháng 12-2020, Sendo ra mắt thêm 11 điểm gửi hàng tại TPHCM và Hà Nội, giúp các nhà bán hàng gửi hàng thuận tiện và nhanh chóng nhất có thể.
Là nhà bán lẻ dựa vào nền tảng công nghệ, đại diện Thế Giới Di Động cho hay đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cho nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm. Nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, Thế Giới Di Động không sử dụng đơn vị giao nhận thứ ba. Việc giao hàng đều do nhân viên của công ty đảm nhiệm, mỗi khi nhu cầu tăng cao, việc điều chuyển nhân viên từ bán hàng để đi giao hàng cũng trở nên linh hoạt. Do có một đội ngũ giao hàng lớn, đông đảo nên việc giao nhận sẽ được đảm bảo theo cam kết.
Để mua sắm online an toàn, nhanh chóng, tiện lợi trong dịp Tết Nguyên đán các nhà bán lẻ, giao nhận, sàn TMĐT cũng khuyến cáo các giải pháp cho người dùng. Theo đó trong dịp Tết này, chắc chắn ngoài việc mua sắm thì người tiêu dùng cũng sẽ bận rộn với nhiều việc khác nên đôi khi không thể tránh khỏi việc nhân viên giao hàng tới mà người mua lại không thể nhận. Vì vậy để việc giao nhận diễn ra tốt hơn, người tiêu dùng nên có những chuẩn bị như luôn xem lại thông tin về tên, sđt, địa chỉ nhận hàng khi đặt hàng để tránh sai sót và dẫn đến việc không giao được hàng.
Khách hàng cần kiểm tra với người bán về sản phẩm có chấp nhận kiểm tra hàng khi nhận hay không (đồng kiểm) để tránh mất thời gian khi nhận hàng. Với một số hàng hóa đặc biệt như cây cảnh, thức ăn tươi sống... cần kiểm tra về quy định hàng cấm vận chuyển từ nhà vận chuyển hay hàng hóa không vận chuyển bằng đường hàng không để tránh hàng hàng bị từ chối vận chuyển ngoài ý muốn.
TMĐT có tốc độ tăng trưởng kép Theo ông Đặng Hồng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hoá qua TMĐT tăng từ 10% đến 30%, có đơn vị tăng đến 50%. Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỉ đô la Mỹ, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Lượng truy cập mua sắm trên sàn TMĐT hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Một phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytics cho thấy, doanh số TMĐT tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 18,8% từ năm 2020 đến năm 2024, qua đó đạt mức 604,6 ngàn tỉ đồng (26,1 tỉ đô la) vào năm 2024. |
Xem thêm: lmth.nad-neyugn-tet-enilno-gnah-nab-ib-nauhc-tab-tat/287213/nv.semitnogiaseht.www