Tại phiên tòa sáng nay có mặt đại diện Bộ Công Thương với tư cách là nguyên đơn dân sự; có mặt đại diện UBND TPHCM với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 13 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Có mặt tại phiên tòa còn có đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương, giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nhưng vắng mặt giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước việc vắng mặt nhiều người tham gia tố tụng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị hoãn phiên tòa. Nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để triệu tập những người này đến phiên xử. Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng việc vắng mặt của những cá nhân này sẽ làm ảnh hưởng tới các nội dung quan trọng của vụ án. Bày tỏ mong muốn được đối chất với những cá nhân này tại phiên tòa, bị cáo Hoàng đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận định, trước đó, ngày 7/1, phiên tòa xét xử vụ án này đã phải hoãn một lần do thiếu nhiều người liên quan. Tại phiên tòa ngày 18/1, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt. Đại diện Viện Kiểm sát, một số luật sư và bị cáo đều đề nghị hoãn phiên tòa. Căn cứ vào đề nghị này, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa thêm một lần nữa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.
Cáo trạng truy tố 10 bị can gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (SN 1953), Phan Chí Dũng (SN 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM), Lâm Nguyên Khôi (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM), Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), Lê Văn Thanh (SN 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM), Lê Quang Minh (SN 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM), Trương Văn Út (SN 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), Nguyễn Lan Châu (SN 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM).
Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Có 21 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 10 bị cáo trong vụ án này. Trong đó, có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, 2 luật sự bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín, 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Quang Minh…
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín đã có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế. Bị cáo Tín hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 522/2019/HSST ngày 31/12/2019 của TAND TPHCM xử phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
"Thủ thuật" biến đất công thành đất tư
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (viết tắt là Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, các bị cáo Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện đã bỏ trốn) và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" ở khu đất tại địa chỉ trên.
Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TPHCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định, mặc dù không đúng đối tượng cho thuê đất chỉ định, nhưng bị cáo Nguyễn Hữu Tín cùng với các bị cáo khác là cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TPHCM đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê đất không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái quy định của pháp luật đối với khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Cố ý vi phạm, bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, hầu hết các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND TPHCM, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác.
Tuy nhiên vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ đó, chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo Viện Kiểm sát, thủ đoạn của các bị cáo là dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, vi phạm các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước. Do vậy, Viện Kiểm sát cho rằng cần phải xét xử nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, từ năm 2011-2012, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng, nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.
Từ năm 2012 đến năm 2016, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng ký các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, bị cáo Vũ Huy Hoàng đã không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt mà chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh liên kết để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.
Cáo trạng kết luận, hành vi của bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm đã gây thiệt hại, làm thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng của Nhà nước.
Xem thêm: lmth.901601_aot-neihp-naoh-cut-peit-gnaoh-yuh-uv-gnourt-ob-uuc-ux-tex/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc