Anh Vé vui vẻ trong ngôi nhà tạm của một người dân tại khu vườn của mình - Ảnh: TRẦN MAI
"Tôi cảm ơn Vé nhiều lắm. Vé cho mượn đất, mượn tôn, mượn gỗ dựng nhà nên mẹ con tôi mới có chỗ ngủ.
Chị ĐINH THỊ HẤT
Xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi sau hàng chục lần sạt lở liên tục, đất đá xé toạc núi rừng. Hàng chục điểm sạt lở từ đường đi, vào giữa làng, lên tận núi... Nhiều đến mức người ta gọi Sơn Long với danh xưng mới "thung lũng sạt lở" thay cho cái tên thơ mộng bao đời "xứ ngàn cau".
Sạt lở nặng nhất ở đỉnh Ngọc Prây, tính từ điểm sạt lở đến con suối, vụ sạt lở kéo dài hơn 1km, rộng khoảng 300m. Hàng trăm ngàn khối đất đá đổ sập, 56 hộ dân mất nhà.
Sau thảm họa, chính quyền khảo sát, tìm vị trí lập làng mới. Trong khi người dân cần nơi ở giữa lúc mưa rét và tết đang cận kề, đúng lúc này anh Đinh Văn Vé (35 tuổi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long) xung phong hiến đất cho người dân dựng tạm nhà.
Tấm lòng ấy, chính quyền, người dân cảm kích, nhất là khi anh Vé cũng chẳng còn nhà sau sạt lở ở đỉnh Ngọc Prây.
Bóng ma sạt lở
"Lên Sơn Long đi, anh giới thiệu cho em một nhân vật rất tuyệt vời. Người đó đã giúp bao gia đình trong khốn khó và giúp luôn chính quyền giải quyết bài toán nan giải" - ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, nói qua điện thoại khiến chúng tôi tò mò.
Gần 30 năm ông Vượt từ miền xuôi lên vùng đất từng heo hút này giúp bà con thay đổi cuộc sống.
Rồi giờ, ông trở thành người làng sống với bà con Ca Dong, có chuyện gì ở vùng đất xa xôi nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi này mà chúng tôi chưa được ông Vượt "chỉ điểm" để viết bài trong cả chục năm qua.
Nhưng nghe giọng điệu hồ hởi của ông, chúng tôi hiểu đây phải là người ông Vượt rất cảm phục.
Đến Sơn Long, chúng tôi choáng khi đứng trên đường Trường Sơn Đông, ngay điểm lưng chừng ngọn núi Ngọc Prây nhìn xuống thung lũng từng thơ mộng khiến bao người đắm say, nay là một cảnh hoang tàn.
Xóm làng quần cư cũng biến mất, chỉ còn lại một vệt sạt lở dài thăm thẳm chẳng khác nào một dòng sông, nối đến tận con suối phía xa mờ.
Ông Vượt bảo rằng ở đây năm nào cũng có sạt lở, nhưng gần 30 năm ông chẳng thấy trận sạt lở nào kinh hoàng như năm nay. "56 hộ dân mất nhà, ngôi làng dưới đỉnh Ngọc Prây bị xóa sổ" - ông Vượt nói.
Ông Vượt quả quyết người dân sợ sạt lở đến mức chỉ cần nghe tiếng động lớn là tháo chạy. Chính quyền ngày nào cũng cắt cử người đến những điểm có nguy cơ khảo sát tình hình sạt lở, thấy bất ổn là cấm người qua lại, nhà dân trong bán kính 500m cũng phải dời đi.
Để chứng minh cho độ nguy hiểm, ông Vượt lấy cuốc đào một lỗ nhỏ, nước lập tức trìu đến lấp đầy.
Trong lòng đất đã no nước, bất kể khu vực nào có sườn dốc đều có nguy cơ sạt. Điểm an toàn và có bình địa ổn định nhất là đồi Măng Lăng, khổ nỗi quả đồi là rẫy của người dân, vừa xuống giống trồng cây ăn quả được 2 năm.
Anh Đinh Văn Vé, người hiến đất cho người dân dựng nhà, luôn cười vui - Ảnh: TRẦN MAI
Xung phong hiến đất
Giữa lúc khó khăn, chính quyền đang đau đầu tìm phương án thuyết phục chủ đất cho mượn đất dựng nhà tạm thì anh Đinh Văn Vé đến xã xin hiến đất cho bà con dựng nhà.
Lời ấy đã gỡ bỏ áp lực ổn định cuộc sống người dân đè nặng trong những cuộc họp tại UBND xã Sơn Long từ khi sạt lở xảy ra.
"Chúng tôi trân trọng tấm lòng của anh Vé, nhất là chính anh cũng mất nhà sau sạt lở ở đỉnh Ngọc Prây. Đây là người tôi gọi giới thiệu hôm trước" - ông Vượt nói.
Tìm đến đồi Măng Lăng quả thật là hành trình thót tim, khi phải đi qua điểm cuối cùng của thảm họa sạt lở xuất phát từ đỉnh Ngọc Prây, đất sét xé toạc mảng xanh, những khối đá lớn cả chục tấn nằm chênh vênh bên triền đất đang bị nước ngoạm chân.
Đến đồi Măng Lăng, những ngôi nhà sàn được dựng tạm trên nền đất vẫn còn dấu tích của vườn cây ăn quả vừa bị phá bỏ. Trong ngôi nhà sàn của mình gần cuối xóm, anh Vé đang nhai trầu để xua đi cái rét mướt nơi miền tây xứ Quảng.
Kể về chuyện xung phong hiến đất, anh Vé cười hiền lành, những lời nói mộc mạc lại ấm áp đến lạ thường.
Khi quyết định hiến đất cho người dân dựng nhà tạm, nhìn vườn cây ăn quả bị chặt bỏ, anh Vé có đôi lần tiếc nuối. Nhưng chàng trai Ca Dong này không thể nhìn bọn trẻ trong làng co ro trong giá lạnh.
"Mình giữ lại vườn cây mà người khác chẳng có nhà để ở thì giữ làm gì. Chẳng may người làng dựng tạm hoặc về nơi cũ ở có chuyện gì tôi sẽ buồn lắm" - anh Vé nói. Suy nghĩ ấy đủ để một người nghèo khó sống vì mọi người.
Mong có khu tái định cư
Ngồi trong căn nhà sàn ở đồi Măng Lăng của anh Vé có thể nhìn thấy rõ điểm sạt lở kéo dài ở đỉnh Ngọc Prây. Chỉ tay về phía nham nhở, anh Vé nói làng anh hai tháng trước còn ở đó, giờ chỉ toàn đất đá thôi.
Khu vườn anh Vé bỏ công trồng 500 cây cau đến hồi cho quả giờ nằm đâu đó dưới đất đá. "Nói chung là nhà tôi và 55 hộ nữa mất sạch tài sản.
Cũng may nghe lời cán bộ di chuyển trong buổi chiều hôm trước, nếu không thì tối hôm đó sẽ có nhiều người chết. Không ai chạy kịp đâu, sạt lở, lũ bùn chảy ầm ầm mà" - anh Vé chia sẻ.
Đồi Măng Lăng từ trước giờ là triền đất ổn định, chưa từng xảy ra sạt lở. Chính quyền cũng đang nhắm đến khu vực này để làm khu dân cư mới, di dời cả ngôi làng dưới đỉnh Ngọc Prây về đây sinh sống.
Nếu tính theo bản đồ khảo sát ban đầu thì khoảng vườn nhà anh Vé sẽ trở thành trung tâm của làng mới. Anh Vé vừa biết thông tin này và mong muốn dự án sớm triển khai. Chàng trai người Ca Dong cũng sẵn sàng hiến đất phục vụ cái chung.
"Làm sớm ngày nào dân khỏe ngày đó, giờ ở nhà tạm cực lắm" - anh Vé nói. Trong mưa lạnh, gió luồn qua kẽ hở lọt vào nhà lạnh cóng, chúng tôi hiểu mong muốn của anh Vé.
Người làng cũng ngóng chờ khu tái định cư mới, chấm dứt những ngày nơm nớp. Nhưng nói như anh cán bộ xã đi cùng và thời tiết lúc này, nếu thủ tục thông qua nhanh thì muốn làm khu dân cư mới cũng phải đợi qua tết. Lúc đó nắng ấm, nguy cơ sạt lở "hạ cấp" mới tiến hành đưa xe cơ giới vào thi công.
Chị Đinh Thị Hất, vừa dựng ngôi nhà tạm trong rẫy của anh Vé, rất cảm kích nghĩa cử đẹp này. Người phụ nữ đơn thân này ngẩn ngơ khi nghĩ về ngôi nhà trước đây của mình giờ thành dòng chảy mới.
Chị mất tất cả tài sản chỉ sau một đêm. Ngôi nhà hiện tại của hai mẹ con có sự giúp đỡ của anh Vé dựng lên. Bây giờ mỗi đêm, giấc ngủ của hai mẹ con không còn mang nỗi sợ sạt lở nữa.
"Tôi cảm ơn Vé nhiều lắm. Vé cho mượn đất, mượn tôn, mượn gỗ dựng nhà nên mẹ con tôi mới có chỗ ngủ" - chị Hất nói.
Đáp lại lời cảm ơn, anh Vé chỉ nhìn con chị Hất cười và chọc ghẹo bằng tiếng Ca Dong khiến đứa trẻ cười phá lên. Rồi anh chỉ nhà của từng hộ để giới thiệu người làng: "Kia là nhà của Đinh Văn Điều, bên kia là Đinh Văn Pần, còn kia là nhà Đinh Văn Thỏ, đó là nhà Đinh Văn Chăng... ai cũng chẳng còn nhà".
Nối theo lời anh Vé, một xóm làng được dựng lên từ tình người. Sau thảm họa sạt lở, tết này người dân tạm ổn định cuộc sống, trong lúc chờ những chính sách lớn hơn...
Nhiều người cùng chia sẻ
Ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết sau khi anh Vé xung phong hiến đất cho người dân dựng nhà tạm, nhiều hộ khác cũng "gật đầu" khi chính quyền đến xin mượn đất dựng nhà cho dân vùng sạt lở.
Từ nghĩa cử của một người, tạo nên sức mạnh đoàn kết của tập thể. Bây giờ ai cũng sẵn lòng phá đi cây cối trong vườn nhà, chào đón người trong hoạn nạn đến dựng lên cuộc sống mới.
"Chúng tôi rất cảm ơn anh Vé giúp chính quyền vơi đi khó khăn. Hiện nhiều đoàn từ thiện đã giúp bà con lương thực đủ ăn đến qua tết. Nhà cửa cũng tạm ổn, sau khi thời tiết ổn định, địa phương sẽ nhanh chóng xây dựng khu dân cư cho bà con" - ông Vượt nói.
TTO - 9 công trình thanh niên tình nguyện mang mùa xuân đến với các em nhỏ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Trà Vinh đang được triển khai.
Xem thêm: mth.10635348081101202-iom-yagn-gnort-iougn-hnit-gnud/nv.ertiout