Thanh toán không dùng tiền mặt được nhắc đến nhiều những năm gần đây bởi những thuận tiện và lợi ích đem lại. Đây là mục tiêu mà Chính phủ muốn hướng tới. Công nghệ ngày càng phát triển, hiện nay khách hàng chỉ cần quét mã QRcode hay sử dụng thẻ không tiếp xúc, trong vài giây, giao dịch đã thanh toán xong.
Nở rộ thanh toán không dùng tiền mặt
Chị Mai Chi (32 tuổi) có nhu cầu mua bộ quần áo mới cho con diện Tết. Tại shop quần áo trẻ em trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), chị thanh toán bằng mã QRcode và được giảm giá 10%. Tại một shop quần áo khác trên phố Xã Đàn (Hà Nội), nếu thanh toán bằng ví AirPay sẽ được hoàn tiền 15.000 đồng/giao dịch. Như vậy, trong một buổi chiều mua sắm, chị Mai Chi đã tiết kiệm gần 100.000 đồng chỉ nhờ việc thanh toán qua ví điện tử thay vì dùng tiền mặt.
Anh Thanh Toàn (Hà Nội) cho biết anh có thói quen trước khi thanh toán tiền tại nhà hàng, siêu thị, cửa hàng quần áo... đều hỏi nhân viên hình thức thanh toán nào có khuyến mại. Mở di động, anh Toàn khoe cài đủ các app ví điện tử như MoMo, AirPay, VNPAY, ViettelPay, ZaloPay, VinID... Đến cửa hàng nào có khuyến mại là anh dùng ví điện tử đó. “Tôi không cần rút tiền mặt. Tôi thậm chí không có ví. Mỗi ngày tôi chỉ đút túi ít tiền mặt để lỡ có gửi xe. Tôi chỉ cần điện thoại và thẻ ngân hàng để trả tiền điện nước, hóa đơn... Thanh toán cách này vừa nhanh, tiện lợi, an toàn mà lại còn có khuyến mại giảm giá. Tội gì!” - anh Toàn chia sẻ.
“Tôi toàn chuyển khoản tiền học phí của con cho cô giáo chủ nhiệm nhờ đóng hộ. Tôi đi làm cả ngày, cơ quan xa, không có điều kiện để đến trường đúng giờ hành chính nộp tiền học mỗi tháng. Vì vậy chuyển khoản là tiện nhất”, chị Linh Oanh - một bà mẹ có con đang học tiểu học - cho biết.
Nắm bắt tâm lý khách hàng, nhiều công ty fintech, ngân hàng liên tục tung ra các khuyến mại, giảm giá để lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ.
Từ thanh toán tiền điện, nước, Internet, thẻ điện thoại, đóng học phí, viện phí... tất cả đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt liên tục phát triển mạnh.
Nói về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết lợi ích lớn nhất là sự thuận tiện, tiện lợi của cá nhân và tổ chức. Hơn nữa, việc thanh toán theo cách này giúp tăng tính minh bạch và khả năng thu thuế hiệu quả, phòng chống tham nhũng. Đặc biệt tại các quốc gia có khu vực phi chính thức lớn. Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm được chi phí in và quản lý tiền mặt. Các ngân hàng giảm chi phí giao dịch. Thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết “Sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc”. Theo số liệu mới nhất từ Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt cuối tháng 10.2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỉ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỉ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Thay đổi thói quen người dân, doanh nghiệp
Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đánh giá: “Trong năm 2020, suốt thời gian giãn cách xã hội tại thành phố nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng và đi lại của người dân qua các phương thức 25 vận chuyển (Grab, Bee, mua hàng trên mạng…) phải thanh toán không bằng tiền mặt đã và đang thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư - đây là hiệu ứng tích cực”.
Theo PGS-TS Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng - trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thực hiện cách ly xã hội, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, liên tục, thông suốt. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Tô Duy Lâm cho rằng việc mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với giải pháp phát triển tài chính toàn diện. Trong đó, đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó, sẽ tạo sự phát triển toàn diện hoạt động này trong toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Vẫn còn thách thức không nhỏ
Nói về những khó khăn trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng thách thức lớn nhất là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài ra, vấn đề bảo mật, an toàn vẫn là mối lo ngại của không ít khách hàng. Thêm vào đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam vẫn còn lớn (ước tính khoảng 15-20% GDP). Trong khi đó, hành lang pháp lý cho các phương thức hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thực sự đầy đủ, kể cả những quy định mang tính khuyến khích thử nghiệm. Tính đồng bộ của các nền tảng công nghệ, hệ sinh thái, khả năng công nhận lẫn nhau (gồm cả kết quả e-KYC…).
Xem thêm: odl.896178-nad-iougn-neuq-ioht-iod-yaht-gnad-gnohc-hnahn-iol-neit-us/et-hnik/nv.gnodoal