Ông Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, đến dự phiên xét xử tại tòa án Seoul sáng 18-1-2021 - Ảnh: REUTERS
Ngày 18-1, Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc) đã tuyên ông Lee Jae Yong (52 tuổi), phó chủ tịch tập đoàn Samsung, tội hối lộ bà Park và người bạn thân lâu năm Choi Soon Sil để giành được sự ủng hộ của chính phủ trong việc kế vị và đảm bảo quyền kiểm soát Samsung.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết ông Lee, có mặt tại phiên tòa sáng 18-1, đã bị bắt giam ngay sau khi tòa tuyên án. Như vậy, chưa đầy 3 năm sau khi được trả tự do cùng với bản án treo, nay người thừa kế của tập đoàn Samsung lại phải quay vào tù.
Reuters dẫn lời một quan chức trại giam cho biết nhiều khả năng ông Lee sẽ quay lại Trung tâm giam giữ Seoul ở ngoại ô thủ đô Hàn Quốc. Sau khi đến nơi, ông sẽ được làm xét nghiệm COVID-19.
Nếu kết quả âm tính, ông sẽ được chuyển đến phòng biệt giam để cách ly trong 3 tuần. Nếu dương tính, ông Lee sẽ đến trung tâm điều trị.
Quan chức trại giam cho biết phòng giam của ông Lee là một căn phòng rộng 5m2, có một nhà vệ sinh, một bồn rửa mặt và một tấm nệm trên sàn. Sau khi kết thúc 3 tuần cách ly, ông Lee sẽ được xét nghiệm thêm lần nữa.
Tháng 2-2017, các công tố viên cáo buộc ông Lee đã đưa hối lộ tổng cộng 29,8 tỉ won (27,4 triệu USD) và hứa sẽ đưa thêm sau đó.
Trong phán quyết năm 2017, ban đầu tòa án tuyên ông Lee 5 năm tù vì đã cung cấp 7,2 tỉ won (6,6 triệu USD) cho việc huấn luyện cưỡi ngựa cho con gái bà Choi và khoản tài trợ 1,6 tỉ won (1,5 triệu USD) cho một quỹ thể thao do gia đình bà Choi điều hành.
Cựu Tổng thống Park cũng bị luận tội và cách chức vì tội danh tham nhũng và lạm quyền trong vụ án này.
Ông Lee được trả tự do vào năm 2018 sau khi tòa phúc thẩm giảm thời hạn xuống còn 2 năm rưỡi tù treo. Tháng 8-2020, tòa tối cao Hàn Quốc cho rằng tòa phúc thẩm đã đánh giá thấp số tiền hối lộ và yêu cầu xử lại vụ này.
Phán quyết sáng 18-1 đã làm tiêu tan hi vọng của những người ủng hộ ông Lee cũng như các lãnh đạo khác của Samsung, theo Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.
Họ là những người đã yêu cầu tòa án khoan hồng với tập đoàn Samsung, với lý do vai trò của ông Lee trong việc giúp khắc phục những khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngược lại, các nhà hoạt động chống tham nhũng ở Hàn Quốc rất hoan nghênh phán quyết trên của tòa án Seoul. Các nhà hoạt động đã yêu cầu cơ quan tư pháp thể hiện sự cứng rắn trong việc giải quyết các mối quan hệ mờ ám giữa ngành công nghiệp và giới tinh hoa chính trị.
TTO - Khi một người lãnh đạo đại gia tộc như ông Lee Kun Hee qua đời, vấn đề đầu tiên sẽ được nhiều người nghĩ đến là phân chia tài sản. Cố chủ tịch Samsung có 3 người con và vợ hiện vẫn còn sống.