Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, báo cáo thưởng Tết năm 2021 dù chưa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố chính thức, nhưng mức thưởng ở một số địa phương đã được tiết lộ. Còn theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nhìn chung bức tranh thưởng Tết năm 2021 chắc chắn không như kỳ vọng của các năm trước.
NƠI THƯỞNG TIỀN TỶ, NƠI CHỈ VÀI TRĂM
Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương lớn đã công bố thưởng Tết. Như trước đó VnEconomy thông tin, tại Tp.HCM, thưởng Tết Dương lịch 2021 bình quân là 3,4 triệu đồng/người, bằng năm 2019. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 cao nhất là 1,076 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI ngành cơ điện lạnh.
Mức tiền thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 990 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp FDI và ngành tài chính ngân hàng, thấp nhất là 5,4 triệu đồng.
Tại Hà Nội, báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2021 cao nhất là 400 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh, trong khi mức thưởng thấp nhất chỉ đạt 550.000 đồng/người thuộc loại hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân thấp nhất đạt 3,5 triệu đồng cũng thuộc về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong khi mức thưởng bình quân cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 4,45 triệu đồng.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn. Nhìn vào số liệu tổng hợp của các doanh nghiệp báo cáo, tiền thưởng Tết của người lao động giảm nhẹ so với năm 2020, riêng mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất trong khối doanh nghiệp dân doanh tăng hơn so với năm 2020.
Còn tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Âm lịch 2021 cao nhất là 127 triệu đồng thuộc về nhóm doanh nghiệp FDI. Thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 83,4 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.
Chia sẻ về tình hình báo cáo thưởng Tết, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo lịch gửi báo cáo của các địa phương về cơ quan này là ngày 27/12/2020, nhưng thông thường luôn gửi chậm hơn thời hạn trên là 2 tuần. Như mọi năm, sau thời hạn báo cáo khoảng một tháng, Bộ mới tổng hợp được 50% số lượng các địa phương gửi báo cáo thưởng Tết về.
Đến nay, dù đã quá hạn hơn 2 tuần nhưng mới có khoảng trên 30 địa phương có báo cáo. Do đó, cơ quan này vẫn đang trong quá trình tổng hợp số liệu. Dự kiến, cuối tháng 1 mới có báo cáo thưởng Tết chính thức.
Theo ông Hưng, qua nắm bắt sơ bộ cho thấy mức tiền lương bình quân hằng tháng của người lao động trong năm 2020 giảm 7-8% so với mức lương bình quân 1 năm trước đó.
MỨC THƯỞNG CHẮC CHẮN KHÓ ĐƯỢC NHƯ KỲ VỌNG
Chia sẻ với VnEconomy, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những năm gần đây thưởng Tết trở thành văn hóa ở mỗi doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động bao giờ cũng cố gắng để có một khoản động viên người lao động.
"Doanh nghiệp đều sẽ có thưởng Tết nhưng có lẽ chỉ ở mức độ vừa phải, chắc chắn không được như mong muốn của người lao động. Tuy nhiên với những doanh nghiệp kinh doanh tốt thì họ vẫn thưởng tiền tỷ, có nơi vài trăm triệu đến vài chục triệu, nhưng cũng sẽ có những nơi chỉ thưởng vài triệu thậm chí vài trăm nghìn", ông Phòng nhận định.
Theo ông Phòng, bên cạnh tác động khích lệ hiện tiền thưởng Tết cũng là một yếu tố để giữ chân lao động, do đó các chủ doanh nghiệp sẽ phải tính toán để cân đối khoản thưởng cho người lao động. Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức thưởng của năm 2021 sẽ biến động không thể đạt như các năm được.
Mặc dù vậy, những ngành tăng trưởng ổn định, ít hoặc thậm chí không ảnh hưởng như lĩnh vực công nghệ, số hóa có thể vẫn duy trì mức thưởng tốt, song số này cũng chiếm tỷ lệ rất ít.
"Trong khi đó, chúng ta chủ yếu là lao động phổ thông tay nghề chưa thực sự cao, nhất là ở một số ngành như: dệt may, da giày, thủy hải sản…Đồng thời đây cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động, rõ ràng khi thị trường sụt giảm sẽ kéo theo suy giảm doanh thu. Qua khảo sát tại các nhóm doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy họ đều cố gắng tìm mọi cách khác nhau để duy trì mức thưởng Tết cho người lao động bằng năm ngoái, hoặc nếu có giảm thì ít thôi", ông Phòng thông tin.
Phó Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, duy trì thưởng Tết vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm mà doanh nghiệp phải làm, bởi vì chăm lo cho người lao động để giữ chân họ ở lại làm việc với doanh nghiệp.
"Nhìn chung với các doanh nghiệp thâm dụng lao động, năm nay thưởng Tết khó khăn hơn, nhưng chúng tôi nhận thấy sự cố gắng để duy trì thưởng ít nhất bằng tháng lương cơ bản.
Doanh nghiệp luôn mong muốn người lao động chia sẻ, nhưng chúng tôi cũng hiểu rõ ràng người lao động vẫn phải bươn chải cho cuộc sống, khi lương thưởng không đáp ứng được nhu cầu thì làm sao họ có điều kiện để chia sẻ nữa, việc phải rời bỏ doanh nghiệp là khó tránh, vấn đề ở đây là hai bên rất cần nhau", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến câu chuyện thưởng Tết, trước đó, khi trao đổi với VnEconomy, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, năm 2021 thưởng Tết sẽ khó khăn hơn so với các năm trước đây, khả năng để có tiền thưởng cao là "rất khó".
Qua nắm bắt sơ bộ của tổ chức công đoàn, hầu hết các doanh nghiệp đảm bảo được việc làm thì vẫn duy trì tiền thưởng Tết, dù không tăng nhưng sẽ cố gắng ít nhất là một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản.
Còn đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 khiến người lao động phải nghỉ việc hoặc giãn việc khiến tiền lương sụt giảm như: ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải…nhưng được biết vẫn cố gắng đảm bảo một khoản để động viên người lao động.
Xem thêm: mth.75252526181101202-mart-iav-ihc-ohc-yt-neit-ion-1202-tet-gnouht/nv.ymonocenv