Tại hội thảo góp ý cho Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, dự thảo mới chỉ chú trọng khía cạnh quản lý, chưa nhìn trên góc độ phát triển bền vững và dài hạn cho kinh tế số.
Nhiều quy định rào cản cho phát triển thương mại điện tử
Dự thảo lần này cơ bản đã có những nội dung tường minh, bảo quản thuận lợi cho việc quản lý cũng như xử lý các tranh chấp trong giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung "dư thừa" có thể gây chồng chéo trong vận hành và quản lý sau này.
"Ví dụ hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ các quy định về hải quan, theo tôi không có câu đó thì đương nhiên hàng hóa thông quan là phải tuân thủ, viết vào làm gì cho thừa", ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nói.
Cũng theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, các sàn sẽ phải cung cấp công cụ tra cứu thông tin doanh nghiệp, người bán trên sàn.
"Cái cách thiết kế như thế này không hợp lý ở chỗ vi phạm an toàn dữ liệu của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ dữ liệu người dùng", ông Nguyễn Quang Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: "Ngay cả Luật An ninh mạng sẽ liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia cũng không quy định cơ quan quản lý, cơ quan an ninh được quyền truy cập theo thời gian thực vào dữ liệu của doanh nghiệp. Vì vậy tầm nghị định mà đưa nội dung đó vào là quá mức".
Trên thực tế, nghị định cũ đã quy định rất rõ trách nhiệm cung cấp thông tin trong trường hợp cơ quan quản lý yêu cầu dó đó nội dung này là không cần thiết.
Nhiều quy định đang là rào cản cho phát triển thương mại điện tử. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó quy định sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi gian lận, bán hàng giả, hàng lậu cũng được cho là chưa hợp lý khi mà các sàn, nhất là các sàn xuyên biên giới thực tế chỉ nắm được thông tin số của các loại hàng hoá. Việc đánh giá xác định hàng giả, hàng lậu là chức năng của cơ quan quản lý thị trường.
Việc quy định này chắc chắn tạo ra nhiều rào cản đối với kinh tế số - lĩnh vực đang là sức kéo lớn của nền kinh tế khi liên tục duy trì tăng trưởng ở mức cao. Đây được cho là một quy định gây tốn kém về chi phí, gia tăng nguy cơ rò rỉ dữ liệu thậm chí gây bất bình đẳng trong cạnh tranh thông tin, dữ liệu giữa các sàn.
Cần cởi mở trong thu hút đầu tư theo cơ chế thị trường
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định 52 lại có một điểm gây tranh cãi, thậm chí là gây khó khi đưa vào tiêu chí chỉ có "nhà đầu tư quốc tế uy tín" do Bộ Công Thương công bố mới được đầu tư vào thương mại điện tử Việt Nam.
Quy định này được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn ngoại đang đổ vào các sàn, các fintech nội. Nội dung này cũng cần được điều chỉnh nếu không các doanh nghiệp nội sẽ ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
Nghị định sửa đổi về thương mại điện tử với nhiều điểm mới đang thu hút sự chú ý về vai trò quyết định trong định hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới. Ảnh minh họa.
"Việc quy định chỉ nhận vốn từ các công ty công nghệ uy tín là một rào cản không công bằng với các sàn thương mại điện tử trong nước vì các sàn đa quốc gia chỉ nhận vốn từ công ty mẹ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải tiếp cận nguồn vốn từ rất nhiều nhà đầu tư khác nhau", ông Nguyễn Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Công ty Sendo cho biết.
Theo đại diện của VCCI, các quy định trong dự thảo lần này chủ yếu dựa trên cơ sở bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, người tham gia vào các sàn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận quy định đang gây khó cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, dự thảo hiện đang còn nhiều điểm bó chặt thị trường trong khi có nhiều đối tượng, dạng thức kinh doanh mới lại chưa được dự thảo đề cập tới. Do đó, dự thảo cần tiếp tục chỉnh sửa một số điểm với mục tiêu ưu tiên an toàn thông tin, bình đẳng cạnh tranh và chú trọng các yếu tố phát triển tạo động lực thúc đẩy kinh tế số giai đoạn từ nay đến năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13242206091101202-neirt-tahp-cul-gnod-nert-aud-nac-yl-nauq-ut-neid-iam-gnouht/et-hnik/nv.vtv