Malaysia ngày 18/1 công bố một gói kích cầu trị giá 15 tỷ Ringgit, tương đương 3,7 tỷ USD, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua làn sóng Covid-19 mới.
Theo tin từ Bloomberg, kế hoạch trên bao gồm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo, miễn giảm thuế, trợ cấp tiền lương… Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói các biện pháp này sẽ cộng hưởng với các sáng kiến hiện có, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch.
Gói kích cầu được công bố vào thời điểm 1 tuần sau khi Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép Chính phủ nước này kích hoạt ngay lập tức các đạo luật cần thiết để kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch và hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, động thái này cũng đặt ra lo ngại về khả năng của Chính phủ Malaysia trong việc kích thích các hoạt động kinh tế, vì dư địa tài khóa đang hạn hẹp và mức nợ công của nước này đã tương đối cao.
Giá trị gói kích cầu Malaysia vừa công bố tương đương 1,1% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto thuộc ngân hàng OCBC nhận xét "giá trị tương đối thận trọng của kế hoạch là một dấu hiệu cho thấy dư địa tài khóa để đưa ra một gói kích cầu lớn là hạn chế. Tuy vậy, ảnh hưởng nếu có đối với thâm hụt ngân sách sẽ được kiểm soát".
Làn sóng Covid-19 ở Malaysia đang đặt hệ thống y tế của nước này trước nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải. Hôm thứ Bảy tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này lập kỷ lục ở 4.029 ca. Theo dự báo, số ca nhiễm sẽ không giảm xuống trước tháng 5. Theo dự kiến, đến đầu tháng 3 Malaysia mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19.
Tình trạng khẩn cấp của Malaysia có thể kéo dài đến hết tháng 7 và có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay giảm 1,5 điểm phần trăm. Chính phủ Malaysia từng dự báo kinh tế tăng tới 7,5% trong năm nay, nhưng những khu vực đang bị phong tỏa đóng góp tới 2/3 tổng sản lượng kinh tế toàn quốc.
Kinh tế Malaysia giảm trong quý 2 và quý 3/2020, còn số liệu quý 4 hiện chưa được công bố. Chính phủ nước này dự kiến nền kinh tế giảm khoảng 4,5-5,5% trong năm ngoái.
Trong năm 2020, Malaysia đã chi tổng cộng 305 tỷ Ringgit - tương đương hơn 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) - để hỗ trợ nền kinh tế vượt đại dịch. Trong số này có 55 tỷ Ringgit là tiền kích cầu trực tiếp.
Xem thêm: mth.70951838091101202-91-divoc-touv-ed-dsu-yt-73-uac-hcik-iog-ob-gnoc-aisyalam/nv.ymonocenv