Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm ngoái, khi các nhà chức trách đóng cửa phần lớn đất nước để chống lại đại dịch. GDP nước này tăng 2,3% năm ngoái và 6,5% quý IV so với cùng kỳ năm trước đó. Các số liệu này đều cao hơn ước tính của các nhà kinh tế học.
Tuy nhiên, sự phục hồi này không cân bằng. Trung Quốc chủ yếu dựa vào chi tiêu của chính phủ và đầu tư công, trong khi chi tiêu tư nhân vẫn yếu. Báo cáo mới của IMF cho rằng, điều này đang làm trầm trọng thêm vấn đề suy giảm năng suất (sản lượng trên mỗi lao động hoặc mỗi đơn vị vốn) ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kinh tế Trung Quốc chỉ có năng suất bằng 30% so với các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản hoặc Đức. Điều này đặt ra thách thức đối với mục tiêu nâng cao mức sống và đứng vào hàng ngũ các nước giàu có của Trung Quốc.
"Trung Quốc đã thực hiện hầu hết các khoản đầu tư công truyền thống mà họ có thể. Nhưng lực lượng lao động ở đây đang giảm dần. Vì vậy, tăng trưởng thu nhập lâu dài sẽ đến từ đâu?", Helge Berger, Trưởng phái bộ của IMF tại Trung Quốc nói. Ông cho rằng câu trả lời chính là "năng suất".
Kể từ khi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình báo trước kỷ nguyên "cải cách và mở cửa" vào cuối những năm 1970, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai chữ số mỗi năm trong nhiều thập kỷ.
Các nhà máy và công nhân sản xuất hiệu quả hơn nhờ vào việc áp dụng dần các chính sách định hướng thị trường và tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây, khi khu vực nhà nước lớn hơn, áp đảo các công ty tư nhân vốn có xu hướng nhanh nhạy và làm ăn hiệu quả hơn.
"Đại dịch đã khoét sâu nhiều lỗ hổng tài chính vốn tồn tại trước cuộc khủng hoảng", báo cáo của IMF cho biết. Sự hỗ trợ của nhà nước đang kéo dài tuổi thọ cho các công ty quốc doanh năng suất thấp. IMF ước tính năng suất tại các công ty nhà nước vào khoảng 80% so với các công ty tư nhân.
Sự sụt giảm năng suất bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi chính phủ thực hiện chương trình kích thích lớn để thúc đẩy tăng trưởng. IMF ước tính tăng trưởng năng suất hàng năm chỉ đạt trung bình 0,6% từ năm 2012 đến năm 2017, giảm mạnh so với mức trung bình 3,5% trong 5 năm trước đó. Xu hướng giảm có thể tiếp tục do tăng trưởng của nước này giảm dần.
Các công ty nhà nước hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế. Năm 2018, tổng tài sản tại các công ty này được định giá bằng 194% GDP Trung Quốc, cao hơn so với đầu những năm 2000 và là tỷ lệ lớn hơn bất kỳ nước nào khác.
Nhóm này thường nhận được các khoản vay với lãi suất thấp, trong khi các công ty tư nhân gặp khó hơn trong việc đi vay, dù chính phủ đã nhiều lần cam kết tăng cung cấp tài chính. Tuy nhiên, các công ty nhà nước vẫn có lợi nhuận thấp hơn và tỷ lệ thua lỗ cao hơn, theo IMF.
Tổ chức này cho rằng, để bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải thực hiện các cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đã hứa từ lâu, chẳng hạn như cải thiện hiệu quả hoạt động của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra một số mục tiêu cải tổ khu vực nhà nước ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, bao gồm cả việc tăng cường đóng góp của khối này cho mạng lưới an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 12/1 của China Dashboard, một dự án nghiên cứu giữa công ty tư vấn Rhodium Group và Viện Chính sách Xã hội Châu Á, "Bắc Kinh còn lâu mới thực hiện được những mục tiêu này". Báo cáo lưu ý một trường hợp cụ thể là hơn 70% cổ tức mà các công ty nhà nước chi trả được tái đầu tư thay vì chi tiêu cho xã hội.
Gần đây nhất, nước này tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty công nghệ. Đây là động thái mà các nhà phân tích cho rằng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng năng suất.
IMF đưa ra kịch bản với nỗ lực lớn trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tốc độ tăng năng suất hàng năm trong 5 năm tới có thể gấp đôi, từ 0,6% lên 1,4%. Nhờ đó, GDP cũng sẽ tăng 6,5% năm 2022, thay vì 5,7%.
Tổ chức này khuyến nghị Trung Quốc nên đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các công ty tư nhân và nhà nước, loại bỏ dần các bảo đảm tài chính ngầm cho các doanh nghiệp quốc doanh, cho phép các công ty quốc doanh không thể hoạt động được tái cấu trúc hoặc rút khỏi thị trường, và cải thiện quản trị tại các doanh nghiệp còn lại.
IMF cảnh báo rằng điều quan trọng là phải thực hiện các thay đổi từng bước. Ví dụ, do doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã được chính phủ bảo đảm ngầm rằng các khoản nợ của họ sẽ được thanh toán trong trường hợp vỡ nợ, nên hệ thống ngân hàng trước tiên sẽ phải được củng cố để đảm bảo rằng nó được chuẩn bị cho những thất bại có thể xảy ra của công ty nhà nước.
"Chúng tôi không nói rằng hãy làm điều này trong một sớm một chiều. Nhưng hãy tiếp tục hướng tới nó, bởi vì điều đó sẽ giúp duy trì tăng trưởng thu nhập trong tương lai", Berger kết luận.
Phiên An (theo WSJ)