Theo anh M.Q.A, ngày 16/1 anh có đặt Grabcar từ 3 Hoàng Sa đến đường Lý Văn Phức (Q.1, TPHCM), giá cước là 25.000 đồng. Tài xế nhận cuốc xe trên ứng dụng có tên O.M.N.
Kết thúc chuyến xe, do không có sẵn tiền mặt, anh A chuyển khoản cho tài xế với số tiền 50.000 đồng (gồm 25.000 tiền cước và 25.000 tiền típ hay còn gọi là tiền boa cho tài xế), nhưng anh đã bấm nhầm 50 triệu đồng.
Vị khách sau đó mới phát hiện mình chuyển nhầm và ngay lập tức liên lạc với số tài xế, nhưng người nghe máy lại không phải tài xế đã chở mình. Anh A. liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng của Grab nhờ hỗ trợ và xin thông tin tài xế để liên hệ lấy lại tiền, nhà cung cấp ứng dụng yêu cầu anh chờ...
Cuốc xe 25.000 đồng nhưng vị khách đã chuyển nhầm 50 triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau thời gian chờ, không thấy phía Grab phản hồi, anh A. tiếp tục liên lạc và phía Grab khuyên anh hãy... báo cơ quan chức năng.
“Thật khó hiểu với cách xử lý của họ. Grab cung cấp dịch vụ vận tải kết nối khách có nhu cầu đi và tài xế có xe. Khách là người trả tiền, Grab ăn chia với tài xế. Khách mất tiền, Grab không bảo vệ khách cứ như hãng không liên quan...”, anh M.Q.A bức xúc.
Không bằng lòng với cách xử lý của Grab, anh A. đã đăng tải vụ việc trên lên Facebook cá nhân. Sáng ngày 18/1, phía Grab đã gọi cho anh thông báo hãng không liên lạc được với tài xế, đến nơi ở cũng không thấy. Grab đã khoá tài khoản của tài xế và cho đó là hỗ trợ khách hàng.
“Tôi nói rõ tôi không đồng ý từ “hỗ trợ” mà cần nhìn nhận về trách nhiệm của Grab. Tôi chủ động báo Trung tâm của Grab vì tôi tin tưởng dịch vụ của họ. Trung tâm không chủ động liên lạc lại mà chính tôi liên lạc. Lần liên lạc thứ hai của tôi được Grab trả lời hãy báo cơ quan chức năng. Tôi bức xúc vì điều này và đặt ra vấn đề tiền của tôi nếu bị chiếm đoạt vì sự kéo dài đó thì sao và tại sao Grab không tư vấn ngay ban đầu là báo cơ quan chức năng mà sau đó mới báo? Giả sử tài xế rút tiền, tiêu xài ở giai đoạn Grab bắt tôi đợi thì có phải Grab tiếp tay cho kẻ chiếm đoạt tài sản không?”, anh M.Q.A bày tỏ.
Cũng theo nam khách hàng này, trong quá trình trao đổi, Grab cho rằng giao dịch của anh với tài xế là giao dịch riêng. Theo anh M.Q.A, việc Grab có “ăn chia” % với tài xế trên cuốc xe nên cũng có trách nhiệm liên đới trong việc chuyển khoản nhầm và có nguy cơ mất của khách. Anh M.Q.A bày tỏ, anh chỉ mong nhận lại số tiền đã mất.
“Tôi không đòi Grab cung cấp thông tin tài xế cho tôi mà cần Grab cùng tôi đến trụ sở công an tại nơi ở của tài xế để trình báo cho cơ quan chức năng”, anh M.Q.A nói.
Anh M.Q.A đã tự liên hệ với ngân hàng mà anh dùng để chuyển khoản nhờ hỗ trợ và trong chiều 18/1 anh cũng đã đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc.
Sáng 18/1, phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM đã liên hệ với Grab tại Việt Nam. Phía Grab cho biết, hãng đang phối hợp cùng cơ quan chức năng có liên quan để cùng với khách hàng làm rõ, xử lý vụ việc.
Theo ý kiến một số luật sư, trong vụ việc này Grab không thể “phủi’’trách nhiệm được.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, việc chuyển nhầm tiền lỗi chính vẫn là khách hàng. Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra rồi cũng cần xác định rõ vai trò Grab là bên cung cấp ứng dụng dịch vụ (sàn môi giới) cho tài xế và khách hàng hay đơn vị kinh doanh vận tải.
Nếu là sàn môi giới, Grab không cung cấp thông tin kịp thời cho khách để lấy lại tiền thì đương nhiên nếu tiền chuyển nhầm không lấy được, Grab cũng có lỗi và phải chịu phần trách nhiệm khắc phục hậu quả. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ xem xét sàn hoạt động mà để khách hàng liên lạc, yêu cầu cung cấp thông tin mà không cung cấp là vi phạm hành chính, có thể sẽ bị xử phạt hành chính, đóng cửa, đình chỉ hoạt động…
Trường hợp nếu Grab là đơn vị taxi, kinh doanh vận tải thì buộc hãng phải đứng ra trả tiền cho khách hàng. “Quan điểm của tôi trước giờ Grab là đơn vị hoạt động vận tải, cung cấp dịch vụ nên buộc phải có trách nhiệm liên đới trả tài sản lại cho khách theo yêu cầu của khách hàng, một là yêu cầu Grab hoặc là tài xế”, luật sư Phượng bày tỏ.
Đối với tài xế, luật sư Phượng cho rằng, khi nhận tài sản mà không có căn cứ sở hữu thuộc về mình thì phải trả lại cho chủ sở hữu. Tài xế không biết được chuyển nhầm, không sử dụng thì không vấn đề. Trường hợp đã biết khách chuyển nhầm mà lấy tài sản đó tiêu thụ, chi dùng… giống như việc nhặt được của rơi mà không trả lại cho chủ sở hữu là vi phạm hành chính, thậm chí còn có thể bị xem xét các yếu tố hình sự.
*Báo Phụ Nữ TPHCM sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Quốc Thái