Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được triển khai và dần đẩy nhanh tiến độ ở các quốc gia có thu nhập cao, nhưng đối với phần lớn thế giới, tương lai có vẻ ảm đạm. Mặc dù một số quốc gia có thu nhập trung bình đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có thể tiêm chủng rộng rãi. Với các nước có thu nhập thấp, con đường này còn gập ghềnh hơn.
Vaccine COVID-19 giá thành cao có phù hợp?
Hai loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại châu Âu và Mỹ do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất không phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp. Vaccine của Pfizer phải được bảo quản ở -70°C, đòi hỏi thiết bị và cơ sở hạ tầng đắt tiền. Giá thành cũng khá cao, khoảng 20 USD. Vaccine của Moderna có thể được giữ trong tủ lạnh tiêu chuẩn đến 30 ngày, nhưng giá thành thậm chí còn đắt hơn. Do đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ giành được một số giao dịch trực tiếp để mua các loại vaccine này.
Pfizer chỉ đề nghị cung cấp 50 triệu liều vaccine COVID-19 cho 1,3 tỷ người châu Phi từ tháng 3 đến tháng 12/2021, trong khi Moderna chưa có kế hoạch phân bổ cho châu Phi trong năm nay.
Một hộp vaccine COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Reuters.
Số lượng COVAX không đủ và quá chậm
Được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sáng kiến COVAX được tạo ra để chia sẻ vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là với các nước có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, vaccine của Pfizer vẫn là vaccine duy nhất nhận được cấp phép sử dụng khẩn cấp của WHO – một yêu cầu quy định tối thiểu để phân phối thông qua COVAX.
Vaccine do Oxford/AstraZeneca phát triển về cơ bản có giá thấp hơn đáng kể, dễ bảo quản hơn và có các đối tác sản xuất quy mô lớn, cũng như thỏa thuận cung cấp COVAX, nhưng vẫn đang chờ WHO phê duyệt.
WHO đã tuyên bố COVAX sẽ cung cấp vaccine đầu tiên sớm nhất vào cuối tháng 1. Nhưng ngay cả khi lời hứa này được đáp ứng, nguồn cung vaccine được dự báo cũng sẽ không đủ. Tổng số liều vaccine COVAX cam kết cho châu Phi sẽ chỉ bao phủ 300 triệu người, tương đương 20% dân số của châu lục này.
Những lựa chọn vaccine khác
Nhà khoa học làm việc trong Viện Gamaleya ở Moscow. Ảnh: Reuters.
Ngày càng có nhiều quốc gia có thu nhập trung bình như Argentina, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang sử dụng các loại vaccine khác nhau sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nga. Ấn Độ đang cung cấp vaccine nội địa cho các nước khác như Bangladesh, Liên minh châu Phi và cả COVAX. Tuy nhiên, chỉ nói riêng Ấn Độ thì dù với năng lực sản xuất lớn cũng phải đến tháng 8 năm nay, nước này mới tiêm chủng được cho 300 triệu dân - tức là chưa đầy ¼ dân số Ấn Độ. Xét trên quy mô toàn cầu thì nhiệm vụ tiêm chủng còn thách thức hơn nhiều.
Ông Adar Poonawalla - Tổng giám đốc Viện Serum, Ấn Độ cho rằng: "Ít nhất là đến năm 2024, hầu hết dân số thế giới mới được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19".
Rõ ràng, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 trên toàn thế giới là nhiệm vụ khổng lồ, đặc biệt với các nước có thu nhập thấp, con đường này còn nhiều chông gai.
An Ngọc
VTV
Xem thêm: nhc.24090443191101202-uac-naot-gnos-uhp-iom-91-divoc-eniccav-aun-man-ueihn-tam-iahp/nv.zibefac