Luật sư tư vấn
Theo điều 650, 651 Bộ luật Dân sự, nếu cha, mẹ bạn mất đi mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế của mỗi người sẽ được chia theo pháp luật (chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết).
Trên giấy khai sinh của người anh cả ghi tên cha bạn ở mục người cha nên pháp luật xác định anh ấy là con của cha bạn, vì thế đương nhiên được hưởng thừa kế của cha bạn để lại. Trường hợp có tranh chấp việc anh ấy không phải con đẻ của cha bạn thì người đưa ra yêu cầu đó phải chứng minh.
Dù chứng minh được anh ấy không phải là con đẻ của cha bạn thì anh ấy cũng không mất quyền hưởng thừa kế của cha bạn để lại nếu như giữa cha bạn và anh ấy có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con. Bởi theo điều 654 Bộ Luật Dân sự về quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế, thì con riêng và cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại điều 652 (thừa kế thế vị) và điều 653 (thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ) của Bộ luật này.
Do vậy, với các quy định nói trên, về nguyên tắc, di sản thừa kế của cha, mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất của mỗi người tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người có tài sản chết). Trường hợp không chia được bằng hiện vật thì sẽ chia theo giá trị. Người nhận hiện vật có giá trị nhiều hơn sẽ phải thanh toán phần chênh lệch cho người không được nhận hiện vật hoặc nhận phần hiện vật ít hơn.
Bạn không nói rõ cha hay mẹ bạn mất trước hay hai người mất cùng thời điểm cũng như ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại còn sống hay đã chết, nếu chết thì chết trước hay chết sau cha, mẹ bạn nên chúng tôi không thể xác định được thời điểm mở thừa kế, từ đó không thể xác định trình tự chia di sản thừa kế. Do vậy, chúng tôi trả lời bạn về nguyên tắc: Dù chia thừa kế như thế nào thì các con của cha mẹ bạn (kể cả người anh cả mà bạn đề cập) cũng được hưởng (chia) thừa kế bằng nhau, trừ trường hợp các con có thỏa thuận khác.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội
Xem thêm: lmth.9272224-ahc-auc-ek-auht-gnouh-coud-oc-em-auc-gneir-noc/ten.sserpxenv