Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết tới đây không phải lô hàng thực phẩm nào cũng phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trao đổi với báo chí hôm 19-1, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết Thủ tướng vừa phê duyệt đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, lực lượng hải quan sẽ chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đối với các mặt hàng về lương thực thực phẩm, trừ hàng liên quan đến an ninh quốc phòng, kiểm dịch về thú y.
Để triển khai đề án, sang tuần sau Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định lấy ý kiến các bộ ngành. Trong quý 2, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt ký nghị định.
Cũng theo ông Cẩn, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành, có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ, còn hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống để các bộ, ngành lấy thông tin và trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm tra chuyên ngành để cơ quan hải quan thực hiện.
"Việc này sẽ rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho doanh nghiệp. Thời gian thông quan sẽ giảm đi rất nhiều, chưa nói đến tiền bạc liên quan đến chi phí lấy mẫu, chi phí gửi tài liệu, đi lại…
Như trước đây, doanh nghiệp phải đi 4 lần lấy kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa. Khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, theo đánh giá tác động do các chuyên gia của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thực hiện, chi phí thời gian tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm quy ra tiền là hơn 880 tỉ đồng" - ông Cẩn nhấn mạnh.
Hiện nay ông Cẩn cho biết các doanh nghiệp nhập lô nào phải đi kiểm tra chuyên ngành lô đó. Ví dụ sữa Ensure, "doanh nghiệp nhập lô nào, từ to đến nhỏ cũng phải lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm".
Nhưng tới đây khi áp dụng mô hình kiểm tra mới, các tập đoàn lớn có các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền ở Việt Nam thì hải quan "không kiểm tra theo lô, lô nào cũng kiểm tra, mà theo rủi ro", trường hợp phát hiện vi phạm thì lô hàng sẽ bị đình chỉ toàn bộ và kiểm tra ở tất cả các cửa khẩu để ngăn chặn.
TTO - Số lượng các lô hàng kiểm tra chuyên ngành lớn nhưng phát hiện rủi ro chỉ 0,14%, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi phải chăng hoạt động này đang 'hành' doanh nghiệp?