Kể từ ngày nhận vốn và mua bò về nuôi, anh Nguyễn Chí Thanh dành hết thời gian, tâm trí để chăm sóc vật nuôi của mình. Đây là niềm vui, là động lực để anh thoát nghèo - Ảnh: LÂM THIÊN
Con bò này là ao ước của tôi từ bấy lâu nay. Tôi không ngờ mình có thể mua được nó nhanh như vậy. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc và nuôi dưỡng nó để không phụ lòng chương trình và mọi người.
Anh Nguyễn Chí Thanh (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định)
Đây được xem là món quà đầy ý nghĩa đối với những hộ dân này trên con đường vươn lên thoát nghèo bền vững, tiếp tục cho con em đến trường.
Niềm vui lớn trong năm mới
Những ngày này, không khí tại gia đình anh Nguyễn Chí Thanh (38 tuổi, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định) bỗng vui tươi, rộn rã hẳn lên. Anh Thanh là một trong 40 gia đình nhận vốn của chương trình "Tiếp sức nhà nông" tại tỉnh Bình Định năm 2020.
Vợ mất cách đây 5 năm để lại 2 đứa con thơ dại, một mình anh tất tả làm đủ thứ công việc để nuôi con khôn lớn. Trong nhà hầu như không có tài sản gì đáng kể, ngoại trừ chiếc xe "cà tàng" để anh đi làm.
Anh làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con ăn học. Mùa nắng, anh trồng lúa, trồng rau, cắt cỏ nuôi bò. Mùa mưa, ai nhờ gì anh làm nấy, hết việc anh lại thuê đất trồng đậu phộng. Quanh năm suốt tháng, hầu như không một ngày anh nghỉ ngơi.
Tâm sự về bản thân, anh Thanh cho biết: "Hoàn cảnh của mình là vậy, sao nghỉ làm được. Mình mà nghỉ thì lấy đâu tiền cho con ăn học bây giờ. Tôi chỉ mong sao đừng đau bệnh để có sức đi làm lo cho hai con".
Sau khi nhận được vốn vay 20 triệu đồng từ chương trình "Tiếp sức nhà nông", anh Thanh sửa chữa lại chuồng trại và mua thêm bò để nuôi. Sau nhiều ngày làm quen, hiện tại chú bò mà anh Thanh mua đã dần thích nghi và ăn uống tốt.
Hiện tại đứa con lớn của anh Thanh đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học, còn đứa nhỏ đang học lớp 3. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời của con, vào đại học, bao nhiêu lo lắng và gánh nặng lại đè lên đôi vai của người đàn ông này.
"Tôi nghe người ta nói học đại học sẽ rất tốn kém. Tôi sẽ phải làm nhiều hơn nữa mới có thể nuôi con ăn học. Nghĩ cũng lo, nhưng không sao, tôi sẽ cố gắng", anh Thanh chia sẻ.
Theo anh Thanh, trước đây anh rất muốn mở rộng việc chăn nuôi nhưng không lấy đâu ra vốn, cuộc sống lúc nào cũng bức bối, khó khăn. Tuy nhiên, kể từ ngày nhận được vốn vay, toàn bộ tâm trí, tinh thần của anh trở nên thoải mái hẳn.
Trong khi đó, không khí những ngày này tại gia đình chị Trịnh Thị Mai ở thôn Đồng Thượng, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang (Hải Dương) cũng phấn khởi đến lạ.
Chị Mai cho biết được chương trình của báo Tuổi Trẻ và Công ty GreenFeed VN hỗ trợ, chị đăng ký mua ngay thức ăn cho heo. Chị dự định sau tết sẽ mua gà giống về nuôi, như cán bộ của công ty đã tập huấn hôm trước.
Sau khi chồng mất, một mình chị Mai làm đủ thứ nghề để nuôi con khôn lớn. Hiện tại người con lớn của chị đang là sinh viên năm 2 của Trường đại học Luật Hà Nội, con nhỏ đang học trung học phổ thông. Mấy năm nay, chị đi làm công nhật cho một đơn vị chuyên rải nhựa đường. Công việc quá vất vả so với sức lực của người phụ nữ.
Công trình lại ở xa, có đợt xa đến 40 cây số. Thương con, gia đình nhà chồng mua cho chị chiếc xe máy để chị đi làm đỡ mệt. Ấy thế nhưng chị vẫn đạp xe đạp, thỉnh thoảng mới đi xe máy cho tiết kiệm.
Khi nhận được vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông" năm 2020, chị mừng rơi nước mắt. "Đúng lúc bĩ cực nhất, tôi lại nhận được vốn vay. Số tiền 20 triệu đồng vốn vay này là động lực rất lớn để tôi vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học", chị Mai chia sẻ.
Cô con gái út học lớp 3 vui vẻ khoe thành tích học tập với anh Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: LÂM THIÊN
Mong chương trình ngày càng mở rộng
Năm nay 77 tuổi, sức khỏe yếu hẳn nhưng ông Dương Văn Sáu (ở khu phố An Lộc 2, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn) vẫn còn bao lo toan, trăn trở vì hai đứa cháu ngoại đang tuổi ăn tuổi học. Hai vợ chồng ông Sáu hằng ngày vẫn phải bươn chải, làm lụng để nuôi cháu.
Ông Sáu là một trong những người được vay vốn "Tiếp sức nhà nông" của báo Tuổi Trẻ và Công ty GreenFeed VN tổ chức năm 2018 tại Bình Định. Sau khi nhận được vốn vay từ chương trình, ông Sáu đã mua 20 con heo để nuôi.
Mặc dù trải qua một năm khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng chăn nuôi đàn heo và hoàn trả số tiền đã vay của công ty. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông đã thoát nghèo.
Nhìn đàn heo khỏe mạnh và lớn lên từng ngày, bao nhiêu mệt nhọc trong ông đều tan biến vì ông biết đây chính là nguồn thu nhập chính để ông lo cho gia đình, lo cho các cháu ăn học. Từ heo mẹ cho đến heo con, ông đều dành hết tâm sức để nuôi nấng, nâng niu, chăm chút từng ly từng tí.
"Từ ngày nhận được vốn vay, tôi chăn nuôi có dư rồi dành dụm cho cháu ăn học. Tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn chính quyền địa phương và Công ty GreenFeed VN, báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện, giúp đỡ gia đình mình.
Tôi mong chương trình sẽ ngày càng phát triển và giúp thêm nhiều gia đình hơn nữa để mọi người có được cuộc sống tốt hơn, con cái học hành đến nơi đến chốn", ông Sáu vui vẻ nói.
Chương trình có ý nghĩa và nhân văn
Theo ông Đào Minh Trung, phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, các gia đình tại 2 xã Tây An và Tây Vinh được vay vốn hỗ trợ của chương trình "Tiếp sức nhà nông" năm 2020 đều là những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là con em các gia đình này đều rất chăm học, học giỏi. Đó là điều rất đáng trân quý.
Ông Trung gửi gắm: "Hội Nông dân huyện Tây Sơn mong muốn chương trình "Tiếp sức nhà nông" tiếp tục phát triển và mở rộng hơn nữa, không những tại huyện Tây Sơn mà tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định và cả nước, để bà con nông dân có nguồn lực phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học".
Cũng theo ông Trung, chương trình "Tiếp sức nhà nông" là một chương trình rất có ý nghĩa và nhân văn. Đây thực sự là một sự động viên, khích lệ rất to lớn đối với bà con nông dân khó khăn cố gắng vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để chăm lo cho con em học hành tới nơi tới chốn.
TTO - Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Chương trình “Tiếp sức nhà nông” được đánh giá như một điển hình về tính nhân văn cũng như hiệu quả hỗ trợ cộng đồng.
Xem thêm: mth.47671258002101202-nahk-ohk-nad-oh-041-iov-aihgn-y-auq-nom-0202-gnon-ahn-cus-peit/nv.ertiout